Qua bài phản ánh của Thông tấn xã Việt Nam vào ngày 28/8/2019, cây cầu treo kết nối hai thôn Mỵ và Ba Giang mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt người lưu thông. Tuy nhiên, cầu bị xuống cấp nghiêm trọng, với các dây cáp, lan can bằng sắt hoen rỉ, rệu rã; những tấm ván gỗ mục nát, gẫy rụng, chỉ chực chờ rơi xuống sông Bôi.
Cây cầu này có chiều dài khoảng 110m, rộng 2,6m, phần mặt cầu làm bằng gỗ tạp cách mặt nước sông Bôi khoảng 20m, được đưa vào sử dụng năm 2009. Qua thời gian sử dụng, đến năm 2014, cây cầu bị xuống cấp nghiêm trọng. Đây cũng là nút thắt trong việc phát triển kinh tế của hơn 300 hộ dân hai thôn thôn Mỵ và Ba Giang.
Theo UBND xã Mỵ Hòa, cây cầu treo đã được tiến hành sửa chữa từ ngày ngày 20/9/2019, với tổng mức đầu tư khoảng một tỷ đồng. Chủ đầu tư là Phòng Kinh tế hạ tầng UBND huyện Kim Bôi, đơn vị thi công thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hưng Hùng. Dự kiến, thời gian thi công sửa chữa cầu là 90 ngày.
Hiện phần mặt bằng gỗ của cây cầu treo đã được đơn vị thi công tháo dỡ, chỉ còn lại phần khung sắt. Người dân tạm thời lưu thông qua chiếc cầu tạm cách đó khoảng 200m.
Bí thư Chi bộ thôn xóm Mỵ Bùi Văn Sáo cho biết, từ khi cầu treo xuống cấp đã có nhiều trường hợp đi qua cầu bị rơi xuống sông Bôi. Ngoài việc khó khăn trong đi lại, cây cầu xuống cấp cũng gây ảnh hưởng về kinh tế. Việc vận chuyển nông, lâm sản... thường xuyên bị tư thương ép giá do việc vận chuyển qua sông Bôi rất khó khăn. Do đó, người dân nơi đây mong đơn vị thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công công trình, để người dân sớm có cây cầu treo chắc chắn đi lại an toàn, tập trung phát triển kinh tế hai thôn.
Anh Bùi Văn Cảnh, thôn Mỵ, xã Mỵ Hòa bày tỏ niềm vui, cảm ơn Đảng, Chính phủ và Nhà nước đã quan tâm đến người dân hai thôn Mỵ và Ba Giang, đầu tư sửa chữa cây cầu treo. Qua đó, các mặt hàng nông sản của bà con sản xuất sẽ được lưu thông thuận tiện, dễ dàng hơn.
Phó Chủ tịch UBND xã Mỵ Hòa Hà Công Tiến cho biết, cây cầu treo sau khi hoàn thành sẽ giúp kinh tế địa phương phát triển bền vững, đảm bảo ổn định an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Sau khi hoàn thành, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài sản công, dành nguồn vốn để bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên cây cầu.
Hiện toàn tỉnh Hòa Bình có 65 cây cầu treo, phân bố rải rác trên những địa hình đồi núi cao, bị chia cắt phức tạp, đan xen với mạng lưới đường giao thông nông thôn. Những cây cầu treo giữ vai trò trọng yếu trong việc kết nối giao thông giữa các thôn, xóm khó khăn, vì vậy lâu nay, các cây cầu này luôn là lựa chọn không thể thay thế. Tuy nhiên, khi các cây cầu treo bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa có điều kiện sửa chữa, sẽ trở thành những hiểm họa khôn lường đối với người dân địa phương.