Theo đó, ngành hải quan vẫn tiếp nhận hồ sơ xuất khẩu đơn hàng của hơn 30 doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tỉnh. Thống kê đến giữa tháng 6/2023, toàn tỉnh đã xuất khẩu hơn 1.700 tấn chè sang 9 thị trường chủ lực; trong đó bao gồm một số thị trường lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Pakistan, Afghanistan, Đài Loan (Trung Quốc)… Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,2 triệu USD.
Theo Đội Nghiệp vụ 2 - Chi cục Hải quan Đà Lạt, so với cùng kỳ năm 2022, sản lượng chè xuất khẩu giảm đáng kể tuy nhiên nguyên nhân là nhiều công ty bị thiếu trà nguyên liệu chế biến chứ không phải bị trả lại hàng do chưa đạt chất lượng.
Trước đó, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu 5 công ty (trên địa bàn thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm) báo cáo tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu chè; làm rõ việc sử dụng hoá chất nhuộm chè (nếu có), liên quan đến công điện số PKTCD080 ngày 20/5/2023 của Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan (kiêm nhiệm Afghanistan) có nêu:
"Một số doanh nghiệp tại Việt Nam chế biến và xuất khẩu chè qua thị trường Pakistan và Afghanistan sử dụng hoá chất để nhuộm chè, tạo màu xanh cho nước chè để hấp dẫn người tiêu dùng. Việc sử dụng hoá chất để nhuộm chè không những có hại cho sức khoẻ của người tiêu dùng mà còn là một hành vi gian lận thương mại, gây nhầm lẫn về chất lượng hàng hoá, dẫn đến mất niềm tin vào thương hiệu và chất lượng sản phẩm chè Việt Nam”.
Theo Sở Công Thương Lâm Đồng, việc làm rõ nội dung nêu trên đối với 5 đơn vị xuất khẩu chè trên địa bàn nhằm tránh tình trạng làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu chè của tỉnh Lâm Đồng.
Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục tìm hiểu và thông tin về vấn đề này.