Về vụ ‘cỏ lạ’ Trung Quốc trồng trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Thời gian qua dư luận xôn xao việc nhà thầu Trung Quốc trồng một giống “cỏ lạ” tại mái ta luy gói thầu số 7 dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Phóng viên TTXVN đã tìm hiểu sự việc để thông tin rộng đường dư luận.


Gói thầu A7 dự án cao tốc Lào Cai - Hà Nội, thuộc địa phận xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên và xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, do Công ty TNHH xây dựng cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) thi công. Nhà thầu Quảng Tây tiếp tục thuê hai nhà thầu phụ là Công ty Phát Đạt II và Công ty An Pha Nam.


Việc trồng cỏ trên ta luy đường cao tốc thuộc địa phận xã Cam Cọn, nhà thầu Trung Quốc đã tiến hành vào khoảng tháng 9/2011 và tại xã Tân Thượng thì trồng sớm hơn. Công việc gieo hạt cỏ trên ta luy đường của dự án do phía Trung Quốc trực tiếp thực hiện.


Loại cỏ mới được trồng trên taluy gói thầu A7 cao tốc Nội - Lào Cai. Ảnh vnexpress.net


Sau đó, đơn vị tư vấn giám sát - Công ty Getinsa Ingenireria (Tây Ban Nha) đã có công văn khẩn gửi nhà thầu Quảng Tây (Trung Quốc) yêu cầu tạm dừng việc trồng cỏ tại hiện trường bằng các giống cỏ nhập khẩu, hoặc sử dụng bất kỳ vật liệu nào mà không có giấy phép nhập khẩu.


Ngay sau khi nhận được những thông tin trái chiều về loại "cỏ lạ" này, đoàn công tác do Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng VIII phối hợp với Chi cục Bảo vệ Thực vật Lào Cai đã tiến hành xác minh thực địa.


Kết quả cho thấy: Trên ta luy đường cỏ được gieo thành hàng ngang, đối với ta luy có nhiều đá thì đào các hốc nhỏ và gieo hạt cỏ vào đó.


Cỏ trồng ở ta luy gồm hai loại là cỏ gà (chưa xác định được loài) và trồng xen với cây họ đậu (mật độ thưa). Đoạn đường cao tốc trên địa bàn xã Cam Cọn có độ dài hơn 11 km, phần việc trồng cỏ trên ta luy đường do phía Trung Quốc thực hiện. Thời gian trồng từ tháng 2 đến tháng 6/2012, hiện trồng được khoảng 5km, cỏ đã mọc xanh, đang ở giai đoạn sinh trưởng tốt.


Đoàn công tác đã tiến hành lấy mẫu, chụp ảnh hai loại cỏ trên để Trung tâm giám định Kiểm dịch Thực vật phân loại cỏ, phân tích thông tin về nguy cơ dịch hại...


Cũng trong thời gian này, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đơn vị quản lý dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã phát đi thông cáo ghi rõ: Trong thiết kế kỹ thuật của dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, mái ta luy nền đường không gia cố sẽ được bảo vệ bằng việc trồng cỏ. Mục 08150 chỉ dẫn kỹ thuật của dự án, việc trồng cỏ có thể thực hiện bằng gieo hạt cỏ, đắp thảm cỏ hoặc trồng cỏ non.


Nhà thầu xây dựng gói thầu A7 là Công ty TNHH xây dựng cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) đã đề xuất biện pháp gieo hạt để bảo vệ mái ta luy nền đường với 03 loại cây, bao gồm: Loại cỏ có tên khoa học là "Bermuda grass" tên gọi bằng tiếng Việt là cỏ Gà; Loại cây có tên khoa học là "Pigeon pea" tên gọi bằng tiếng Việt là Đậu Săng, Đậu Chiều; Loại cây có tên khoa học là "Leucaena glauca" tên gọi bằng tiếng Việt là Keo Dậu. Đây là các loại thực vật bản địa hoặc được du nhập vào Việt Nam từ lâu.


Tuy nhiên do nhà thầu chưa xuất trình tài liệu nguồn gốc xuất xứ của cây cỏ nên đơn vị tư vấn đã ra văn bản yêu cầu nhà thầu ngừng việc trồng cây cho đến khi cung cấp đầy đủ hồ sơ đúng theo qui định (như các phương tiện truyền thông đã đưa tin).

Nhưng trước đó, cũng chính Công ty Getinsa Ingenireria (Tây Ban Nha), ngày 24/4/2012 đã có công văn gửi đến đơn vị quản lý dự án - Tổng Công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và nhà thầu Quảng Tây (Trung Quốc) chấp thuận cho trồng loại cỏ trên, nên nhà thầu Trung Quốc đã tiến hành trồng thử nghiệm 2/3 loại cỏ là Bermuda grass và Pigeon pea trên một số vị trí.


Và khi dư luận đặt dấu hỏi về xuất xứ nguồn gốc giống cây trồng, cũng như hoạt chất, lý tính của loại “cỏ lạ” này, đơn vị tư vấn giám sát là Công ty Getinsa Ingenireria (Tây Ban Nha) lại có thư gửi các bên liên quan yêu cầu tạm dừng việc trồng loại cỏ trên, dẫn đến "tiền hậu bất nhất" gây xôn xao dư luận.


Câu hỏi đặt ra rằng tại sao trước đó, khi khảo sát và tư vấn cho chủ đầu tư dự án lại không có những khuyến cáo cần thiết, phải chăng để xẩy ra sự việc trên là do tư vấn giám sát và nhà thầu chưa tìm hiểu kỹ các quy định của Việt Nam về xác định nguồn gốc giống cây trồng?


Đây là bài học cho Ban Quản lý dự án, Tư vấn giám sát và Nhà thầu trong và ngoài nước cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thực hiện đầy đủ các qui định của Việt Nam về việc sử dụng các giống cây trồng từ nước ngoài vào Việt Nam trước khi sử dụng cho Dự án.



Nguyễn Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN