TS Nghiêm Xuân Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam: Thay đổi được ý thức người dân là quan trọng
Thực tế, có nhiều ý kiến về sự bất hợp lý trong giờ thu gom cũng như điểm thu gom rác của Hà Nội. Chúng ta cần nhìn nhận một cách tổng thể, Hà Nội là thành phố cổ với lõi là phố cũ, đường hẹp với diện tích nhà ở trên đầu người thấp, một căn hộ 20 m2 tại nội thành có khi có đến 6 người ở. Như vậy, không ai để rác trong nhà, trong khi đó, vỉa hè lại nhỏ cộng với ý thức người dân còn thấp nên lúc nào cũng thấy Hà Nội ngập rác và bắt buộc các đơn vị thu gom phải hoạt động thường xuyên. Thực tế hiện nay, việc thu gom rác giờ cao điểm là vẫn có, tuy nhiên, tôi được biết họ đã điều tiết buổi tối 100% hoạt động, vào giờ cao điểm vẫn có 10 - 15% xe rác phải hoạt động vì nhiều khu dân cư không có điểm trung chuyển thu gom rác.
Xe thu gom rác hoạt động vào lúc 13 giờ trên đường Liễu Giai (Hà Nội). |
Để giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải tại Hà Nội nhất thiết phải thực hiện vận động người dân phân loại rác tại nguồn; thứ 2 là phải bố trí tuyến thu gom thích hợp, tuyến đường nhỏ phải là xe thu gom, thùng rác nhỏ. Cần thay đổi quy trình thực hiện một cách nghiêm túc, DN nào không làm tốt thì có cơ chế phạt, thậm chí ngừng ký hợp đồng. Tuy nhiên, theo tôi điều quan trọng nhất là ý thức người dân, nếu người dân chấp hành nghiêm túc giờ vứt rác, không vứt rác giờ cao điểm thì sẽ không phải thu gom, hạn chế tình trạng thu gom rác giờ cao điểm như hiện nay.
PGS.TS Vũ Sĩ Cường, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách,ĐH Quốc gia Hà Nội: Chưa có quy hoạch các điểm tập kết rác thải
Hiện nay, vấn đề thu gom - vận chuyển rác thải còn nhiều điều đáng bàn. DN thu gom hiện nay gồm DN nhà nước như Urenco hoặc mô hình HTX như Thành Công hoặc do các đơn vị tư nhân. Còn việc vận chuyển thì đang bị xé lẻ theo địa giới hành chính. Tại Hà Nội hiện nay mỗi quận, huyện là một đơn vị vận chuyển khác nhau. Dẫn đến tình trạng, xe chạy từ đầu quận này đến cuối quận kia để thu gom dù rất gần quận khác, gây tốn kém, tắc nghẽn trong vận chuyển. Sở dĩ có vấn đề này là do hiện nay ngân sách quận huyện độc lập và cũng không có cơ chế phối hợp. Do đó, DN không đầu tư vào trang thiết bị, chỉ sử dụng xe nhỏ và vừa, dẫn đến chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường.
Một trong những vấn đề bức xúc hiện nay là các trạm trung chuyển rác thì lại rất nghịch lý, Hà Nội hiện chưa có trạm trung chuyển rác nào nên rác phải tập kết hở ngoài đường, gây ô nhiễm môi trường. Hầu hết các khu đô thị xây xong đều không có quy hoạch các điểm tập kết rác. Đây là vấn đề liên quan đến quy hoạch hạ tầng Hà Nội.
Nhà nước cần sớm hoàn thiện quy chuẩn về thu gom - vận chuyển chất thải rắn hợp vệ sinh, bao gồm các tiêu chuẩn về kỹ thuật, bảo hộ, chất lượng khí thải, môi trường của thùng rác, trạm trung chuyển, cách thức thu gom, vận chuyển… Dựa vào bộ tiêu chuẩn này nhà nước sẽ khuyến khích được các DN thực hiện tốt và chính quyền chỉ đặt hàng hoặc đấu thầu các đơn vị có đủ năng lực tham gia. Đồng thời có cơ chế ưu đãi DN nào thực hiện tốt quy chuẩn này như vấn đề vay vốn, thuế… khi đầu tư trang thiết bị hiện đại.
Ông Trần Thế Loãn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường:“Xã hội hóa” hoạt động thu gom
Theo luật pháp hiện hành, trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc về chính quyền đô thị. Tuy nhiên, cần thừa nhận thực tế là chính quyền không có đủ ngân sách cần thiết cho công việc này; kinh phí từ nguồn thu phí của các gia đình còn chưa đủ cho khâu thu gom, vận chuyển; còn ngân sách công phải bao cấp hoàn toàn cho khâu xử lý và bù đắp thêm cả cho thu gom, vận chuyển, trong khi ngân sách công đang ngày càng bị cắt giảm.
Vì vậy, cần có nhiều giải pháp khác nhau để khắc phục. Trước hết tự mỗi người dân phải có ý thức, trách nhiệm đối với môi trường. Thứ hai, mở rộng hình thức “xã hội hóa” hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; muốn thế phải tăng phí thu từ người dân - những người tạo ra rác. Hiện đa số người dân không để ý đến phí này vì quá nhỏ, chỉ 6.000 đồng/tháng/người, bằng 0,12% thu nhập, trong khi trung bình thế giới là 0,98% thu nhập. Nhiều nước áp dụng khoản thu này dựa trên cơ sở lượng rác mà người dân thải ra nên người dân rất có ý thức về việc phân loại rác và giữ gìn môi trường. Còn ở Việt Nam, chưa có chính sách khuyến khích người dân phân loại rác để giảm rác thải.