100 ngày mới của Chính phủ Ấn Độ

Ngày 3/9 sẽ đánh dấu tròn 100 ngày lãnh đạo Chính phủ mới tiếp tục sứ mạng phát triển đất nước của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Với chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5/2014, Chính phủ mới của đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) do ông đứng đầu, đón ngọn cờ lãnh đạo từ Chính phủ của Liên minh tiến bộ thống nhất (UPA) gồm nhiều đảng, với sự thuận lợi của đa số vững chắc tại Hạ nghị viện.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Tokyo ngày 1/9. Ảnh: Kyodo/ TTXVN


Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 26/5, Thủ tướng Modi đã thiết lập một Chính phủ gọn nhẹ với tinh thần “Chính phủ tối thiểu, điều hành tối đa”; khẩn trương tinh giản, sắp xếp lại những bộ phận cồng kềnh, đề ra những chủ trương, chính sách thực tế hợp với lòng dân, với mục tiêu ưu tiên cao nhất là xốc lại nền kinh tế bị sa sút trong vài năm qua, đưa Ấn Độ trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao trước đây; củng cố quan hệ với các nước láng giềng, đẩy mạnh chính sách “hướng Đông” theo chiến lược tăng cường kết nối; củng cố và mở rộng quan hệ với các nước phát triển để thu hút đầu tư; nội lực hóa ngành công nghiệp quốc phòng…

Và sau 100 ngày đầu tiên, Chính phủ của Thủ tướng Modi đã thu được những kết quả khả quan, tạo nên nhiều điểm sách trong bức tranh toàn cảnh của đất nước Ấn Độ thời kỳ mới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

* Kinh tế - điểm sáng nhất

Phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản tại Tokyo ngày 1/9 trong khuôn khổ chuyến thăm đất nước “Mặt Trời mọc”, Thủ tướng Modi nói rằng kết quả của những sáng kiến trong 100 ngày đầu cầm quyền đầu tiên của Chính phủ dưới sự lãnh đạo của ông đã có thể nhận thấy rõ ràng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ trong quý đầu tiên của tài khóa hiện nay (từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 6/2014) tăng 5,7%, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2012, một bước nhảy vọt lớn, tạo tiền đề cho kinh tế Ấn Độ tiếp tục đi lên trong những năm tới.

Ấn Độ trước đây luôn tự hào về mức tăng trưởng kỳ diệu 8 - 9%/năm trong nhiều năm liên tiếp, song do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu lớn của Ấn Độ như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), cùng với “sự tê liệt chính sách” do thiếu sự đồng thuận của một Chính phủ liên minh lỏng lẻo gồm nhiều đảng, nên GDP chỉ tăng trưởng dưới 5% trong hai năm qua trong bối cảnh lạm phát, thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai (CAD), thâm hụt tài khóa tăng.

Tiếp quản ngọn cờ lãnh đạo đất nước trong tình hình này, Thủ tướng Modi đặt mục tiêu cao nhất cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với việc công bố một chiến lược “tầm nhìn” đồ sộ, triển khai kế hoạch phát triển 100 “thành phố thông minh”, thúc đẩy phát triển các hành lang công nghiệp, xây dựng đường sắt cao tốc, mời gọi các công ty nước ngoài lập cơ sở sản xuất ngay tại Ấn Độ, với khẩu hiệu “Come, make in India” (Hãy đến, sản xuất tại Ấn Độ).

Đặc biệt đáng lưu ý là Chính phủ mới đã quyết định nâng trần đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực quốc phòng lên 49% so mức cũ 26%. Đây là một bước đột phá nhằm nội địa hóa ngành công nghiệp quốc phòng, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân, đồng thời giảm nhập khẩu.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không phải là một nhiệm vụ dễ bởi phụ thuộc vào “thiên thời, địa lợi”. Nếu thời tiết không thuận, ảnh hưởng đến sản xuất, mùa màng thì những mục tiêu tưởng như trong tầm tay nhiều lúc vẫn không thể với tới. Tuy nhiên, Văn phòng thống kê Ấn Độ vừa công bố những số liệu rất khả quan như tăng trưởng GDP quý I tài khóa 2014-2015 đạt 5,7%; sản phẩm của lĩnh vực chế tạo tăng 3,5% so với mức giảm 1,2% của một năm trước đây; kết quả của lĩnh vực nông nghiệp cũng tốt hơn so với dự kiến, theo đó sản phẩm nông nghiệp tăng 3,8%; lĩnh vực điện tăng 10,2% so với 3,8% cùng thời kỳ tương ứng của năm ngoái…

Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI- Ngân hàng Trung ương nước này) ngày 1/9 cũng ra thông cáo báo chí cho biết, CAD của Ấn Độ giảm mạnh xuống còn 7,8 tỷ USD (1,7% GDP) từ mức 21,8 tỷ USD (4,8%) của thời kỳ tương ứng tài khóa trước; xuất khẩu hàng hóa trong quý đạt 81,7 tỷ USD, tăng 10,6% so với mức giảm 1,5% của tài khóa 2013-2014, nhập khẩu đạt 116,4 tỷ USD, giảm 6,5% so với mức tăng 4,7% của thời kỳ tương ứng…

Những số liệu khả quan khiến các tập đoàn tài chính toàn cầu thừa nhận vốn bi quan về kinh tế Ấn Độ cũng phải nhìn nhận lại. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s, các ngân hàng Deutsche Bank, Barclays, Nomura và Religare… đã điều chỉnh tăng dự đoán tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong năm nay lên khoảng 5,6% - 6%. Công ty tài chính Nomura của Nhật Bản còn nâng dự đoán tăng trưởng GDP thực tế của Ấn Độ lên 6,8% trong tài khóa 2016 so với mức 6,5% do họ đưa ra trước đây.

* Chăm lo phúc lợi cho người dân


Trong diễn văn nhân kỷ niệm 67 năm ngày Độc Lập của Ấn Độ tại Thành Đỏ hôm 15/8, Thủ tướng Modi tuyên bố sẽ triển khai những biện pháp nhằm nâng chất lượng cuộc sống của người dân. Tuyên bố đó đã trở thành hiện thực khi ngày 30/8, ông đã chỉ thị cho các ngân hàng bắt đầu mở tài khoản cho dân nghèo. Theo chính sách này, mỗi gia đình trong diện nghèo nhất được Chính phủ mở cho một tài khoản ngân hàng, với một thẻ ghi nợ và mức bảo hiểm 100.000 rupee (khoảng 1.640 USD).

ar

Lễ ký thiết lập quan hệ hữu nghị gắn bó giữa hai thành phố Kyoto của Nhật Bản và Varanasi của Ấn Độ, tại Kyoto ngày 30/8. Ảnh: Kyodo/ TTXVN


Thủ tướng Modi đề nghị các nghị sĩ có thể chọn một làng trong khu vực bầu cử của mình để xây dựng thành làng kiểu mẫu vào năm 2016 với những cải thiện về y tế, vệ sinh, môi trường cây xanh và cách cư xử thân thiện văn minh. Những vấn đề cụ thể như xây dựng nhà vệ sinh, đặc biệt tại các trường học cũng được Thủ tướng Modi đề xuất.

Ông nói, mục tiêu cần đạt được trước lễ kỷ niệm Độc Lập năm tới là trường học nào cũng phải có nhà vệ sinh, trong đó có nhà vệ sinh dành riêng cho học sinh nữ. Các Nghị sỹ và doanh nghiệp cùng chung trách nhiệm thúc đẩy mục tiêu này với trách nhiệm xã hội của mình.

Đến năm 2019, nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh lãnh tụ Mahatma Gandhi, không để thành phố làng mạc nào của Ấn Độ trong tình trạng chưa sạch. Nói là làm, Thủ tướng Modi đã phát động chiến dịch làm sạch sông Hằng. Trong chuyến thăm Nhật Bản, ông đã tới thành phố Kyoto trước để học hỏi kinh nghiệm phát triển khu vực Varanasi nằm dọc bên hai bờ sông Hằng thành một “thành phố thông minh”.

Trong chính sách đối ngoại, Thủ tướng Modi vẫn thừa kế những hướng đi của Chính phủ tiền nhiệm, song với quyết định quyết đoán hơn. Việc Thủ tướng Modi mời lãnh đạo tất cả các nước thuộc Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) tới dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông ngày 26/5/2014, đã chứng tỏ chính sách ưu tiên “láng giềng là số một” của Chính phủ mới.

Chỉ sau tháng đầu tiên kể từ khi lên cầm quyền, ông đã tới thăm vương quốc Butan; ngày 3/8, ông tới thăm Nepal - chuyến thăm đầu tiên của một vị Thủ tướng Ấn Độ tới nước này trong vòng 17 năm qua, kể từ chuyến thăm của ông Inder Kumar Gujral năm 1997. Trong khi đó, Ngoại trưởng Sushma Swara tới thăm Bangladesh, Nepal, Singapore, Việt Nam, dự các hội nghị ASEAN tại Myanmar… nhằm thúc đẩy chính sách láng giềng và chính sách “hướng Đông” vì sự thịnh vượng của Ấn Độ và khu vực.

Trong chính sách “hướng Đông”, Ấn Độ luôn coi Việt Nam là một “trụ cột”. Một nhà báo Ấn Độ đã nhận định: Chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ và “hướng Tây” của Việt Nam sẽ là sự kết hợp hoàn hảo khi hai nước nỗ lực thiết lập các mối quan hệ chiến lược, kinh tế và năng lượng chặt chẽ hơn trong thời gian tới.


Minh Lý (P/v TTXVN tại New Delhi)
    

Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam không ngừng phát triển
Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam không ngừng phát triển

Chủ tịch Ủy ban đoàn kết bang Tây Bengan kể về những mối liên hệ xa xưa, những nét tương đồng văn hóa, và mối tình keo sơn góp phần thúc đẩy quan hệ Ấn Độ-Việt Nam ngày càng đơm hoa kết trái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN