Ông Wayne White, Cựu Phó Giám đốc Văn phòng tình báo Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng chủ nghĩa khủng bố vẫn đe dọa nước Mỹ và cả người dân Mỹ, bởi lẽ các đối tượng khủng bố vốn là một phần trong xã hội Mỹ đã bị cực đoan hóa do tiếp xúc tư tưởng cực đoan của al-Qeada và "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, hai nhóm khủng bố nguy hiểm nhất hiện nay.
Đồng quan điểm trên, thành viên cấp cao của Viện Brookings, ông Darrell West, nhận định mối lo sợ từ vụ tấn công khủng bố 11/9 ảnh hưởng nhiều đến việc hoạch định chính sách của Mỹ và để ngăn chặn nguy cơ xảy ra vụ tấn công tương tự, Washington đã "rót" hàng tỷ USD trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc mối đe dọa khủng bố vẫn hiện hữu.
Những nhận định trên không phải là không có cơ sở. Rõ ràng sau thời điểm 11/9, đã xảy ra nhiều vụ tấn công có liên quan đến phần tử cực đoan, song mức độ không nghiêm trọng.
Chắc chắn người dẫn Mỹ chưa quên vụ tấn công bằng bom tự chế tại giải chạy Marathon ở Boston hồi năm 2013 khiến 3 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Hồi năm 2016, Omar Mateen, một đối tượng người Mỹ bị cực đoan hóa, đã xả súng nhằm vào câu lạc bộ dành cho những người đồng tính ở bang Florida, cướp đi sinh mạng của hàng chục người.
Những vụ tấn công kiểu “con sói đơn độc” trở nên phổ biến không chỉ tại Mỹ mà còn nhiều nước châu Âu. Những đối tượng cực đoan chỉ cần công cụ rất đơn giản như một chiếc xe tải hoặc ô tô rồi đâm vào khu vực có nhiều người nhằm gây nhiều thương vong nhất có thể.
Theo ông White, các vụ tấn công quy mô lớn như vụ 11/9 dường như khó xảy ra bởi phần lớn hầu hết những kẻ cực đoan có âm mưu này dễ bị phát hiện.
Ông Dan Mahaffee, Phó Chủ tịch cấp cao, kiêm Giám đốc chính sách của Trung tâm nghiên cứu Quốc hội và Tổng thống (CSCP) có trụ sở tại Mỹ đưa ra đánh giá bao quát hơn khi cho rằng "vụ tấn công 11/9 nhắc nhở chúng ta rằng không chỉ Mỹ, cả thế giới vẫn đang đối mặt với chủ nghĩa khủng bố".
Trong khi đó, thành viên cấp cao của Quỹ Heritage Robin Simcox nhận định dù mất quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Iraq va Syria, IS vẫn là mối đe dọa tiềm tàng với việc các “chân rết” của nhóm này bám trụ trên khắp Trung Đông và châu Phi. Trong khi đó, al-Qeada đã tăng cường sự hiện diện tại Syria, Yemen, Somalia và vẫn "khao khát" tiến hành vụ tấn công khác nhằm vào Mỹ.
Trong một báo cáo của Ủy ban điều tra vụ 11/9 của Chính phủ Mỹ, chủ nghĩa cực đoan đang gây ra mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng hơn so với 17 năm trước đó bất chấp việc Washington hao tổn nhiều tiền của trong các cuộc chiến chống khủng bố ở nước ngoài. Theo báo cáo này, số đối tượng khủng bố bị tiêu diệt đã tăng kể từ năm 2001 và chủ nghĩa bạo lực khủng bố ngày càng lan rộng.
Một báo cáo khác của Viện hòa bình Mỹ nhận định sự nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan đối với Mỹ giờ đây lan rộng sang các nước khác. Các chuyên gia của viện này cảnh báo nhiều quốc gia ở Trung Đông, Sừng châu Phi và khu vực Sahel, vốn bất ổn, đang phải đối mặt với chủ nghĩa cực đoan bạo lực, và tình trạng này đã làm sói mòn sự ảnh hưởng của Mỹ, tạo điều kiện cho nhiều kẻ cực đoan tiến hành các vụ tấn công và giành quyền kiểm soát lãnh thổ.