Một thời gian ngắn sau khi Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden, các quan chức chính quyền Obama đã công khai tuyên bố rằng cái chết của bin Laden cùng với các cuộc tấn công có trọng điểm nhằm loại bỏ một số thủ lĩnh cao cấp khác của các lực lượng thánh chiến dường như sắp làm cho al-Qaeda tan rã. Ông Leon Panetta, lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, từng tuyên bố hồi tháng 7/2011 rằng Mỹ sẽ có thể đánh tan al-Qaeda nếu họ trừ khử hoặc bắt giữ được từ 10 đến 20 thủ lĩnh cấp cao của tổ chức này.
Tuy nhiên, đến thời điểm kết thúc năm 2013, các chi nhánh của al-Qaeda đã tái khẳng định sự hiện diện của chúng tại nhiều quốc gia và đã tiến hành nhiều cuộc tấn công với mức độ tàn sát ngày một gia tăng. Với con số thương vong ước tính tới hàng nghìn người, chính quyền của gần một chục quốc gia có các chi nhánh của al-Qaeda đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ từ al-Qaeda như một mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia của họ.
Năm 2013 bắt đầu bằng việc Pháp dẫn đầu một cuộc can thiệp quân sự để đẩy lùi các nhóm thánh chiến đã chiếm giữ miền bắc Mali, quốc gia nghèo khó trong khu vực Sahel khô cằn của châu Phi. Hoạt động của Pháp đã đạt được một số thành công, nhưng đã bị trả đũa bằng một cuộc tấn công của một lữ đoàn trung thành với al-Qaeda vào tổ hợp dầu khí In Amenas ở Algeria, khiến hơn 800 người bị bắt làm con tin. Ít nhất 39 con tin nước ngoài đã thiệt mạng trong cuộc tấn công này.
Cuộc chiến của Pháp ở Mali cũng cho thấy tình hình ở Libya - nơi chính phủ mới không thể khẳng định quyền lực của mình - đã xấu đi đến mức độ nào. Vài trong số những kẻ tham gia cuộc tấn công tại In Amenas nghe nói đã được đào tạo ở miền nam Libya (nơi có các trại huấn luyện các chiến binh đánh bom tự sát và tiến hành các hoạt động khủng bố khác), và sử dụng lãnh thổ nước này làm bàn đạp cho các hoạt động bắt cóc con tin. Và khi Pháp đạt được những bước tiến trên chiến trường, nhiều chiến binh thánh chiến đã dạt sang tây nam Libya và trà trộn vào các nhóm chiến binh địa phương.
Tại Somalia, nhóm chiến binh al-Shabaab, có thời đã kiểm soát được nhiều vùng lãnh thổ ở miền nam đất nước hơn là chính phủ được Liên hợp quốc công nhận, đã để mất Kismayo - thành trì lớn cuối cùng của chúng ở đô thị - vào tay các lực lượng của Liên minh châu Phi (AU) hồi tháng 10/2012. Nhưng Shabaab vẫn hết sức nguy hiểm. Vào ngày 2/9, những kẻ khủng bố liên quan đến nhóm này đã phát động một cuộc tấn công kinh hoàng vào Trung tâm thương mại Westgate ở Nairobi, thủ đô Kenya, giết 67 và làm bị thương ít nhất 175 người. Trước đó, chúng đã thực hiện nhiều cuộc tấn công ngày càng tinh vi, trong đó có cuộc tấn công vào một tòa án ở Mogadishu, giết chết 29 người, và một vụ đánh bom tự sát vào một cơ sở của LHQ ở Mogadishu khiến 22 người thiệt mạng.
Tại Syria, các lực lượng thánh chiến cũng đang củng cố sức mạnh. Các nhóm cực đoan như al-Nusra Jabhat, Nhà nước Hồi giáo Iraq và al-Sham (ISIS) đã chứng tỏ là những phe phái nổi dậy nguy hiểm nhất tại nước này. Đến cuối năm 2013, các chiến binh thánh chiến đã có thể giành được quyền kiểm soát hoàn toàn đối với các thành phố và thị trấn như Raqqa và Shadadi ở phía bắc.
Nguy hiểm hơn khi một nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Cấp tiến hóa Quốc tế công bố gần đây cho thấy có tới 11.000 binh sĩ nước ngoài đã đổ xô đến Syria để chiến đấu chống lại chính phủ Bashar al-Assad, trong đó có khoảng 2.000 người đến từ Tây Âu. Điều này đã làm dấy lên những lo ngại rằng các chiến binh này có thể gây ra mối đe dọa về an ninh cho cả các nước là quê hương chúng nếu lực lượng này trở về cố quốc trong tình trạng bị cấp tiến hóa và trở nên thiện chiến hơn.
M.Đ (Theo mạng tin AllAfrica)