2015 - Năm nhiều khó khăn với kinh tế Nga

Năm 2015 là năm đặc biệt khó khăn đối với nền kinh tế Nga, chủ yếu do giá dầu thế giới giảm mạnh và các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt.

Giá dầu giảm là thảm họa với kinh tế Nga.

Năm 2015 là một năm đặc biệt khó khăn đối với nền kinh tế Nga, chủ yếu do giá dầu thế giới - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga - giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua và các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với nước này gần 2 năm nay liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.

Những áp lực ở trong và ngoài nước khiến bức tranh kinh tế của Nga năm 2015 khá u ám. Do năng lượng lâu nay vẫn được coi là "trái tim" của nền kinh tế Nga nên khi giá dầu toàn cầu tuột dốc, từ 100 USD/thùng hồi đầu năm 2014 xuống còn khoảng 35 USD/thùng thời điểm cuối năm 2015, nền kinh tế Nga vốn quá phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu dầu đã bị thiệt hại nghiêm trọng. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga càng khiến cho tình hình thêm trầm trọng khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính những biện pháp này có thể khiến Nga bị thiệt hại khoảng 9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong trung hạn.

Trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh, Bộ Phát triển Kinh tế Nga dự báo GDP của Nga sẽ giảm 5% trong năm, như vậy, doanh thu của chính phủ sẽ giảm 3 nghìn tỷ ruble (tương đương 42,8 tỷ USD). Cuộc khủng hoảng kinh tế cũng khiến đồng nội tệ của Nga mất giá tới 72,2% so với đồng USD tính từ tháng 3/2014 đến tháng 12/2015. Nga buộc phải giảm nhập khẩu các mặt hàng và tìm kiếm các mặt hàng khác để thay thế trong chương trình quốc gia thay thế hàng nhập khẩu.

Đối mặt với bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi cải thiện cơ cấu kinh tế, nâng cao công tác quản lý và thu hút đầu tư nước ngoài. Hưởng ứng lời kêu gọi này, tháng 1/2015, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev đã ký "gói chống khủng hoảng" có hiệu lực 1 năm trị giá 30 tỷ USD để bình ổn nền kinh tế trong nước. "Gói chống khủng hoảng" đã đạt được những hiệu quả đầu tiên khi các chỉ số kinh tế của nước này tiếp tục được cải thiện trong quý IV/2015 và nền kinh tế Nga đã có dấu hiệu phục hồi. Bên cạnh việc đa dạng hóa cơ cấu nền kinh tế, từng bước thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, năm 2015, chính phủ Nga tiếp tục đẩy mạnh "chính sách hướng Đông", tích cực hợp tác với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi hiện chiếm tới 1/4 tỷ trọng kinh tế thế giới, triển khai và mở rộng các dự án hợp tác kinh tế giữa các nước Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như đề xuất thiết lập đối tác kinh tế thương mại giữa ba tổ chức này. Có thể kể tới những kết quả của chính sách này như việc xây dựng khu vực thương mại tự do giữa EAES mà Nga là thành viên chủ chốt với Việt Nam, Nga và Trung Quốc thực hiện hàng loạt dự án liên kết kinh tế giá trị lớn và thu hút đầu tư vào vùng Viễn Đông, Nga và Ấn Độ triển khai các biện pháp tăng cường hợp tác thương mại, năng lượng... Những bước đi trên đã phần nào giúp Moskva phá thế cô lập về kinh tế và giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu liên tục áp đặt với Nga từ tháng 3 năm ngoái.

Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến đồng nội tệ của Nga mất giá tới 72,2% so với đồng USD.

Mặc dù tình hình hiện nay vẫn khá phức tạp, đặc biệt là thị trường dầu toàn cầu đang biến động mạnh mẽ, song Tổng thống Putin vẫn tỏ ra tin tưởng vào triển vọng nền kinh tế của nước Nga. Trong Thông điệp Liên bang hồi đầu tháng này, ông Putin đã nêu ra một số "điểm sáng" trong bức tranh kinh tế, đồng thời kêu gọi đất nước sẵn sàng đối mặt với một giai đoạn giá dầu tiếp tục thấp và các biện pháp trừng phạt tăng cường. Nhìn chung, kinh tế Nga đã vượt đáy khủng hoảng khi hoạt động sản xuất công nghiệp và tỷ giá hối đoái của đồng ruble đã ổn định, lạm phát đã giảm, xuất khẩu vẫn vượt nhập khẩu 126,3 tỷ USD cho dù kim ngạch chung giảm, đặc biệt tình trạng thất thoát vốn đã bị hạn chế đáng kể so với năm 2014. Tổng thống Putin cũng bày tỏ sự tin tưởng vào nền kinh tế khi dẫn chứng sự ổn định dần dần của thị trường lao động và tỷ lệ thất nghiệp, đồng thời cho biết các nhà đầu tư dường như đã sẵn sàng quay trở lại nước Nga. Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố "xứ sở Bạch dương" đã chuẩn bị và sẵn sàng đối mặt với bất kỳ kịch bản kinh tế nào, bởi đây không phải năm đầu tiên nước Nga phải đương đầu với khủng hoảng.


Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov thì nhấn mạnh triển vọng kinh tế của Nga sáng sủa hơn chứng tỏ chính phủ Nga đã áp dụng một chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn, đồng thời cho biết bước tiếp theo sẽ là giảm thâm hụt ngân sách và đảm bảo sự chuyển tiếp sang tăng trưởng kinh tế ổn định.

Các dấu hiệu tích cực trên cho thấy nền kinh tế Nga phần nào đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng, tuy nhiên những khó khăn vẫn chưa hết. Các chuyên gia cho rằng trong ngắn hạn, chỉ có sự phục hồi giá dầu toàn cầu mới có thể thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga, còn trong dài hạn, việc chuyển đổi sang một mô hình kinh tế lành mạnh hơn mới có thể tạo ra một sự khác biệt thực sự. Ban lãnh đạo Nga hy vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng vào năm 2016 bất chấp những dự báo giá dầu tiếp tục thấp và các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga vẫn chưa được dỡ bỏ.

TTXVN/Tin Tức
Cú giáng giá dầu vào nền kinh tế Nga
Cú giáng giá dầu vào nền kinh tế Nga

Sau khi Liên Xô can dự vào Afghanistan, trong hơn 1 năm, giá dầu đã giảm 3,5 lần, khiến nền kinh tế Liên Xô tê liệt. Bóng dáng của kịch bản tương tự dường như đã xuất hiện sau khi Nga can dự vào Ukraine và Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN