4 bài học lớn thời đầu đại dịch không còn đúng với nước Mỹ

Những bài học từng được áp dụng phổ biến và thành công ở Mỹ và nhiều nơi khác trong thời kỳ đầu đại dịch COVID-19 nay đã không còn phù hợp.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà xác trung tâm y tế Kingsbrook ở Brooklyn, New York ngày 8/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Quay trở lại những ngày còn lạc quan đầu năm 2020, khi nghe nói về đại dịch đang bùng phát và các lệnh đóng cửa, bạn có thể đã nghĩ: Tôi thực sự không muốn mắc COVID-19, vì vậy tôi sẽ cực kỳ cẩn thận và đợi cho đến khi virus biến mất, sau đó tôi sẽ trở lại bình thường!

Các thông điệp về sức khỏe cộng đồng dường như ủng hộ chiến lược chờ đợi này. Mọi người được yêu cầu ở nhà càng nhiều càng tốt, nỗ lực "làm phẳng đường cong" để không quá tải các bệnh viện địa phương và tuân thủ chặt cho đến khi có vaccine.

Và lúc này, vaccine đã đến, nhưng thực tế khó khăn hơn chúng ta mong đợi. Krutika Kuppalli, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Nam Carolina, cảnh báo: “COVID sẽ không biến mất. Nó sẽ là bệnh đặc hữu”. Điều đó có nghĩa là virus sẽ tiếp tục lây nhiễm trong một bộ phận dân số toàn cầu trong nhiều năm, nhưng nó sẽ giảm xuống mức tương đối có thể kiểm soát được. Khi đó, nó trở nên giống bệnh cúm hơn là một căn bệnh có thể chặn đứng trên thế giới.

Sự thật là nước Mỹ đang ở một thời điểm hoàn toàn khác so với nửa đầu năm 2020. Dưới đây là bốn bài học lớn từ đầu đại dịch nhưng nay không còn phù hợp.

Không phải số ca nhiễm, ca nhập viện và tử vong mới đang được quan tâm

Vào đầu năm 2020, mọi người đều nói về R0 - con số cho biết trung bình một người bị bệnh sẽ lây nhiễm cho bao nhiêu người khác, trong một nhóm chưa có miễn dịch. Ở virus SARS-CoV-2 gốc, các chuyên gia ước tính R0 là 2-3, tức là mỗi người bị nhiễm có thể lây cho hai hoặc ba người khác.

Số ca nhiễm đã trở thành số liệu chính mà công chúng sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng đã đưa ra một mục tiêu rõ ràng: Nhiệm vụ là ngăn chặn sự gia tăng đột biến lây nhiễm để làm phẳng đường cong dịch. Nhiều người đã hình thành thói quen kiểm tra số lượng ca nhiễm mỗi ngày và coi tất cả các ca nhiễm đều là nguy hiểm.

Điều đó có ý nghĩa vào thời điểm đó, bởi vì trong tình trạng chưa có vaccine, việc nhiễm virus có nguy cơ cao dẫn đến nhập viện hoặc tử vong. 

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Jonesboro, bang Arkansas (Mỹ) ngày 4/8/2021. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, trong một xã hội đã tiêm chủng hoặc thậm chí là tiêm chủng một nửa, số ca nhiễm không còn là thước đo chính, mà thay vào đó cần tập trung vào số ca nhập viện và tử vong.

Điều này không có nghĩa là số ca nhiễm hoàn toàn không liên quan. Thứ nhất, các ca nhiễm có thể biến thành chứng COVID kéo dài ở một số ít người; Thứ hai, biến thể Delta có khả năng lây truyền cao hơn nhiều so với phiên bản gốc, với R0 hiện được ước tính là từ 6 - 7, vì vậy nó có thể lây lan rất dễ dàng ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. 

Nhưng nhìn chung, ông Adalja cho rằng: “Chúng ta phải tránh chỉ tập trung vào các ca nhiễm và thực sự nhìn vào sự căng thẳng ở bệnh viện. Không chỉ là “số ca nhập viện có tăng không”, mà còn là “số ca nhập viện tính theo % công suất giường ICU là bao nhiêu. Các bệnh viện có đang báo cáo các tình huống căng thẳng không?'. Đó mới là điều quan trọng."

Thay vì cố gắng loại bỏ rủi ro,  đặt mục tiêu giảm thiểu

Khi nói đến HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác nhau, nhiều chuyên gia sức khỏe cộng đồng đã áp dụng một phương pháp gọi là "giảm tác hại". Họ nhận ra rằng việc thúc đẩy một cách tiếp cận tránh hoàn toàn các hoạt động liên quan đến bất kỳ rủi ro nào là không hiệu quả; mọi người cần có niềm vui trong cuộc sống của họ, vì vậy điều tốt nhất cần làm là giải thích cách hành động an toàn hơn - cách giảm thiểu tác hại - thay vì mong mọi người tránh hoàn toàn.

Chú thích ảnh
Nhân viên tình nguyện và y tế cộng đồng gõ cửa từng nhà, động viên người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Birmingham, Alabama, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Công bằng mà nói, cách tiếp cận “tránh rủi ro triệt để”, “kiểm soát mọi thứ” này là một phản ứng dễ hiểu khi bắt đầu đại dịch, khi chúng ta chứng kiến các bệnh viện rơi vào khủng hoảng và thế giới còn chưa hiểu rõ về SARS-CoV-2.

Nhưng nhiều tháng trôi qua, các chuyên gia đang thúc đẩy cách tiếp cận "giảm thiểu tác hại" và quan điểm của họ đã được chấp nhận ở một mức độ nào đó. 

Mặc dù vậy cách tiếp cận không khoan nhượng với rủi ro hoàn toàn có thể hiểu được với những tổn thương mà chúng ta đã trải qua, đặc biệt là vẫn rất cần thiết ở những khu vực tiêm chủng thấp.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 11/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trẻ em ít bị tổn thương hơn hay dễ bị tổn thương hơn người lớn?

Mặc dù đầu năm 2020 là khoảng thời gian đáng sợ, nhưng một thông điệp an ủi mà chúng ta liên tục nhận được là: Trẻ em được an toàn.

Chúng ta được thông tin rằng, trẻ em ít có khả năng bị bệnh nặng do COVID-19. Mối nguy hiểm chính là đối với người lớn tuổi và người suy giảm miễn dịch.

Hiện tại thì đúng là trẻ em có nguy cơ mắc bệnh nặng tương đối thấp. Nhưng có hai điều đã thay đổi.

Đầu tiên, người lớn đủ điều kiện để được tiêm chủng, trong khi trẻ em dưới 12 tuổi - chiếm khoảng 50 triệu người ở Mỹ - thì không. Vì vậy, trong khi người lớn chúng ta đã quen với việc nghĩ rằng mình dễ bị tổn thương hơn so với trẻ em vào năm ngoái, những người đã tiêm chủng đang có lớp áo giáp bảo vệ mà trẻ em thiếu.

Thứ hai, sự hoành hành của biến thể Delta đang khiến nhiều trẻ em phải nhập viện hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong đại dịch. Theo tờ Atlantic, “trên khắp đất nước, các ca bệnh nhi nhiễm COVID-19 đang tăng vọt cùng với các ca bệnh ở người lớn không tiêm chủng; số trẻ em nhập viện hiện đã đạt mức cao nhất từ đầu đại dịch. Trong tuần cuối cùng của tháng 7, có gần 72.000 ca nhiễm mới ở trẻ em ”.

Sở Y tế Thành phố New York đã bắt đầu chiến dịch “Vax To School” để chuẩn bị cho các trường học mở cửa trở lại sắp tới. Ảnh: Bloomberg qua Getty Images

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ, ngày 20/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Đại dịch luôn mang tính toàn cầu. Tại sao nhiều chiến lược y tế vẫn mang tính địa phương?

Trọng tâm trong phần lớn năm 2020 là tiêu diệt virus ở "các thành phố của chúng tôi", "quốc gia của chúng tôi". Chúng ta sử dụng khẩu trang và giãn cách xã hội để tránh làm quá tải hệ thống y tế địa phương. 

Vào cuối năm 2020, người Mỹ bắt đầu nghe nói rằng những biến chủng đáng sợ được phát hiện ở Anh và Nam Phi đã xuất hiện ở Mỹ. Sự xuất hiện của các biến thể dẫn đến sự thật rằng đại dịch luôn tồn tại và vẫn tồn tại trên toàn cầu: Khi một vấn đề xảy ra ở một quốc gia, thì tất cả các quốc gia đều phải quan tâm và giúp đỡ.

Chú thích ảnh
 Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 23/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tháng 5 năm nay, khi virus tàn phá các cộng đồng dân cư từ Ấn Độ đến Brazil, các chuyên gia đã chỉ trích chủ nghĩa dân tộc vaccine, nơi các quốc gia chỉ coi chừng bản thân, ưu tiên công dân của mình mà không quan tâm đến những gì xảy ra với công dân các nước khác.

Nhưng giờ đây, việc chỉ quan tâm đến cộng đồng địa phương hoặc quốc gia trở nên phản tác dụng: Chúng ta càng cho phép virus lây lan không được kiểm soát ở các khu vực khác trên thế giới, chúng ta càng có nhiều cơ hội biến nó thành các biến thể nguy hiểm như Delta. Đó là một lý do mạnh mẽ để hướng tới công bằng vaccine toàn cầu.

Tiến sĩ Kuppalli tại Đại học Y South Carolina nói: “Nếu chúng ta muốn kiểm soát được đại dịch này, chúng ta cần phải giảm tỷ lệ lây nhiễm toàn cầu xuống. Nếu không, ta sẽ tiếp tục nhận được các biến thể”.

Theo các chuyên gia, giai đoạn này của đại dịch đòi hỏi từ bỏ tư duy chủ nghĩa cá nhân hoặc chủ nghĩa dân tộc. Mọi người cần quan niệm cuộc chiến chống COVID-19 là một cuộc chiến toàn cầu thực sự, bởi vì nó đúng là như vậy.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Vox)
Những quốc gia Đông Nam Á đang tự phát triển vaccine phòng COVID-19
Những quốc gia Đông Nam Á đang tự phát triển vaccine phòng COVID-19

Theo tờ Straits Times, hiện nay có 3 quốc gia Đông Nam Á tự triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước là Việt Nam, Singapore và Thái Lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN