Theo ông Hebrard, một trong những ưu điểm lớn nhất của UNCLOS 1982 là xác lập sự cân bằng giữa các đòi hỏi chủ quyền của các nước ven bờ, đồng thời bảo đảm quyền tự do lưu thông trên biển.
Chuyên gia Hebrard cho biết theo Công ước, vùng đáy biển quốc tế được coi là di sản nhân loại. Hiện Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế (ISA) đang xây dựng Bộ quy tắc khai thác khoáng sản để điều tiết hoạt động thăm dò, tìm kiếm và khai thác quặng trong vùng đáy biển quốc tế.
UNCLOS 1982 cũng quan tâm đến việc bảo tồn các vùng biển, kể cả vùng biển quốc tế hay nằm trong phạm vi quyền tài phán của các quốc gia. Điều 192 quy định các nước “có nghĩa vụ bảo vệ, bảo tồn vùng biển”. Thông qua nguyên tắc ràng buộc trách nhiệm, Công ước thiết lập sự liên tục giữa di sản của quốc gia và di sản nhân loại.
Tuy nhiên, ông Hebrard nhấn mạnh biển vẫn là yếu tố chịu tác động lớn bởi vấn đề địa chiến lược. Do đó, đến nay, vẫn còn nhiều tranh chấp giữa các nước liên quan tới biển, trong đó có ở Địa Trung Hải, vịnh Guinea, Biển Đông hay Bắc cực.
Chuyên gia Hebrard cho rằng UNCLOS 1982 còn nhiều yếu tố cần bổ sung, ít nhất trên 3 lĩnh vực gồm an toàn hàng hải và chống lại các mối đe dọa, nạn buôn lậu trên vùng biển quốc tế; xem xét đến cả các khái niệm về phát triển bền vững trong bảo vệ môi trường; các quy định về vùng biển, lĩnh vực mà các nước có thể diễn đạt khác nhau, dẫn đến tranh chấp.
Nhận thức được những vấn đề này, Liên hợp quốc và các nước thành viên nhất trí cho rằng bảo vệ các đại dương là nội dung cần phải đưa vào để hoàn thiện Công ước nhằm “bảo tồn và khai thác một cách bền vững các đại dương, vùng biển và tài nguyên biển”.
Chuyên gia Hebrard nêu rõ dù cần tiếp tục được hoàn thiện, song UNCLOS vẫn là căn cứ cho sự phát triển của các hoạt động trên biển và bảo tồn đại dương và cần được toàn bộ các nước thành viên tôn trọng.
Đề cập việc Việt Nam là một trong 12 nước sáng lập Nhóm bạn bè của UNCLOS, thành lập tháng 6/2021 và hiện có hơn 100 thành viên, ông Hebrard đánh giá mục tiêu thành lập Nhóm bạn bè của UNCLOS là trao đổi quan điểm và cách ứng xử đúng đắn giữa các nước thành viên, làm cho Công ước được biết đến rộng rãi và sống động hơn.
Diễn đàn này càng có ý nghĩa trong lúc tình hình đang diễn biến nhanh chóng do ảnh hưởng của hiện tượng Trái Đất nóng lên và hiểu biết về các đại dương ngày càng nhiều hơn. Các cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa các nước có thể tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần xây dựng kiến thức chung về hậu quả của tình trạng nóng lên toàn cầu cũng như giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Bên cạnh đó, nhóm bạn bè của UNCLOS 1982 cũng cho phép đưa ra đề xuất mới để hoàn thiện UNCLOS hoặc thúc đẩy UNCLOS phát triển thêm.