26 tháng kể từ khi xung đột bắt đầu và 10 tháng kể từ thời điểm Tổ chức Chữ thập đỏ thế giới chính thức gọi xung đột đẫm máu tại Syria là ‘nội chiến’, Moscow và Washington cuối cùng đã ngồi lại cùng nhau để bàn cách chấm dứt nó, ít nhất mới là ở khía cạnh ngoại giao. Kế hoạch là tổ chức một hội nghị hòa bình vào tháng 6, nơi chính phủ Assad và phe đối lập sẽ thương lượng về một giải pháp chính trị cho cuộc chiến.
Nhưng một kế hoạch tương tự cũng từng được cả hai, cùng với các bên quốc tế, nhất trí tại Geneva hồi tháng 6 năm ngoái. “Lộ trình hòa bình” này bị tiếng súng khai tử chỉ trong vài tuần bởi không một bên nào tuân thủ nó. Vì thế, liệu Hội nghị “Geneva 2” lần này có dẫn tới một kết quả tốt đẹp cho Syria? Hãng RIA Novosti đã liên hệ với các chuyên gia hàng đầu về Trung Đông của Nga để vạch ra 5 trở ngại chính ngăn cản Syria đến với hòa bình.
Quân nổi dậy tại thành phố chiến lược Aleppo cuối năm 2012.
|
1. Chính quyền Syria lo sợ một cuộc thanh trừng
Ông Vladimir Akhmedov, nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng: Hòa bình tại Syria đòi hỏi, thể chế cầm quyền phải rút lui, không chỉ là Tổng thống Bashar al-Assad (người mà cho tới giờ vẫn từ chối ra đi), mà toàn bộ các lãnh đạo quân đội, lực lượng an ninh.
Nhưng điều đó có nghĩa, các quan chức liên quan sẽ phải tình nguyện từ bỏ quyền lực trong khi phe đối lập phải cam kết bảo đảm an toàn cho những người mà họ đã không ngớt lời đe dọa sẽ hành hình nếu tóm được.
2. Phe chiến binh không muốn thỏa hiệp
Bên cạnh những người ôn hòa ủng hộ phe đối lập, Syria tràn ngập người Hồi giáo vũ trang, đa số là các chiến binh “thánh chiến” chuyên nghiệp từ nước ngoài. Những nhóm Hồi giáo tương đối ôn hòa như Mặt trận giải phóng Syria thì có thể đối thoại, nhưng những nhóm cứng rắn như nhánh Mặt trận Al-Nusra liên quan tới Al-Qaeda hay Mặt trận Hồi giáo Syria, thì nhất quyết muốn ông Assad phải chết và luật sharia phải được áp đặt. Các nhóm này hầu như chắc chắn không chịu thỏa hiệp.
Theo ông Boris Dolgov, một nhà phân tích khác thuộc Viện nghiên cứu phương Đông, các phần tử cực đoan chỉ có thể bị nhổ rễ nếu nhóm ôn hòa bên phe đối lập và phe chính phủ “đoàn kết” lại được. Đó là một yêu cầu “bất khả thi” nếu xét đến sự thù địch ăn sâu giữa hai bên.
Các tay súng nổi dậy chiếm giữ các vị trí ở thị trấn Ras al-Ayn hồi tháng 11/2012.
|
3. Phe ôn hòa quá yếu và dễ rạn nứt
Tháng 3/2011, cuộc xung đột tại Syria trên thực tế đã bắt đầu như một nỗ lực hòa bình nhằm “thay đổi dân chủ”, và những người ôn hòa khi đó vẫn chiếm chiếm vị trí thống trị cánh chính trị của phe đối lập, đặc biệt là trong Liên minh Dân tộc Syria (SNC), tổ chức được 20 quốc gia Arập và phương Tây, trong đó có Mỹ, Pháp, Đức, Qatar, Saudi Arabia. công nhận là đại diện của người Syria.
Nhưng sau khi các cuộc biểu tình bị trấn áp không thương xót, phong trào này đã bị đẩy dần thành xung đột và nội chiến. Những người chủ trương đấu tranh ôn hòa cũng bị đẩy sang phe “cực đoan súng AK”.
Để thương lượng thành công, phe ôn hòa cần giành lại vị thế, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng trong bối cảnh thiếu sự hòa hợp giữa các tổ chức đối lập khác nhau, cộng với cuộc “cưỡi ngựa đấu thương” nhằm tranh giành vị trí lãnh đạo trong nội bộ SNC.
4. Iran và Hezbollah cần Assad
Damascus là đồng minh chính của Iran tại Trung Đông, trong khi đường vận chuyển sống còn cho một đồng minh khác, phong trào Hezbollah ở Lebanon, đi qua lãnh thổ Syria. Điều này có nghĩa, Iran, các đối tác của họ và cả các kẻ thủ địa chính trị đều bị ảnh hưởng trong cuộc xung đột:
- Chiến binh Hezbollah hiện đang chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Tổng thống Assad, và theo một số báo cáo truyền thông, 120.000 lính tình nguyện Iran cũng đang sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến đấu bảo vệ Tổng thống Syria.
- Liên đoàn Arập - trong đó đa số là các quốc gia do người Sunni nắm quyền lực, vốn có truyền thống phản đối Iran, nơi người Shiite nắm quyền – hiện đang cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria, chủ yếu là cho các tổ chức “thánh chiến”. Họ sẽ không ủng hộ một kế hoạch đặt ra bên lề phe cực đoan tôn giáo để lấy lòng phe tự do, trong đó đa số là những người thế tục, mặc dù họ có thể được thuyết phục sẽ không can thiệp quá nhiều.
- Kẻ thù của Iran là Mỹ, mà cùng với EU, đang cung cấp cho phe đối lập Syria đủ thứ (ngoại trừ vũ khí) từ thuốc men, thiết bị viễn thong đến xe bọc thép. Việc công khai cấp vũ khí cho các kẻ thù của ông Assad là “kế hoạch B” của phương Tây trong trường hợp các cuộc thương lượng đổ vỡ. Nếu vậy, càng khó có thể có lợi cho đàm phán hòa bình.
5. Làm sao để làm nguội cơn giận dữ?
Cường độ và bản chất của bạo lực tại Syria đang ngày càng mang tính “trung cổ” hơn. Các chuyên gia cho rằng, hầu hết các hành động tàn bạo dường như được thực hiện bởi lực lượng “thánh chiến” ngoại quốc, một nhóm nhỏ trong phe chính phủ và những tên tội phạm máu lạnh đã trốn thoát khỏi nhà tù giữa cảnh loạn lạc.
Binh lính chính phủ ăn mừng chiến thắng tại Qusayr ngày 23/5/2013.
|
“Quốc gia này đã bị đầu độc bởi bạo lực”, nhà phân tích Irina Zvyagelskaya thuộc Viện Quan hệ quốc tế Moscow nói. Không một cuộc xung đột dân sự nào lại kéo dài mãi mãi, như ở Rwanda, Balkan hay Kavkaz, nhưng chấm dứt (hoặc ít nhất là “đóng băng”) những cuộc chiến như vậy lại đòi hỏi sự can thiệp mạnh từ bên ngoài, đôi khi là phải thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình.
Nhưng với Syria, cho đến nay không một nhà trung gian hòa bình (dù còn đang ngập ngừng) nào, gồm cả Moscow và Washington, phát đi dấu hiệu sẵn sàng đưa quân tới. Và nếu để “cơn giận dữ” tự nguội đi, có thể phải mất hàng thập kỷ.
Thu Hằng (Theo RIA Novosti)