7 trọng tâm chuyến thăm Ấn Độ của ông Obama

Báo “The Times of India” ngày 25/1 cho biết, 7 lĩnh vực chính có thể được Tổng thống Barack Obama và các lãnh đạo Ấn Độ thảo luận trong cuộc hội đàm, gồm tầm quan trọng chiến lược; hợp tác quốc phòng; hợp tác hạt nhân dân sự; hợp tác về năng lượng tái tạo; vấn đề biến đổi khí hậu; hợp tác kinh tế; và chia sẻ thông tin tình báo.


1.Tầm quan trọng chiến lược: Tầm cỡ, vị trí địa lý, kinh tế tăng trưởng nhanh và tiềm năng có thể đối trọng với Trung Quốc, đã giúp Ấn Độ trở thành một nhân tố chủ chốt trong chiến lược quân sự và thương mại của Mỹ. Trong khi đó, Ấn Độ muốn có quan hệ gần gũi hơn với Mỹ nhằm tăng cường hợp tác chống khủng bố và tiếp cận những hàng hóa công nghệ cao để sử dụng cho mục đích dân sự và quân sự.


2.Quốc phòng: Theo nguồn tin của Chính phủ Ấn Độ hồi tháng 8/2014, Mỹ đã “soán ngôi” của Nga trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ. Trở ngại trong tăng cường hợp tác quốc phòng song phương là việc Ấn Độ hạn chế công ty nước ngoài chiếm cổ phần đa số tại các công ty quốc phòng của mình và việc Mỹ ngăn cản xuất khẩu một số công nghệ cao cho Ấn Độ.



3. Hạt nhân dân sự: Các quan chức Mỹ và Ấn Độ sẽ thảo luận cách thức nhằm khai thông tiềm năng thương mại năng lượng hạt nhân trị giá hàng tỷ USD hiện đang bị bế tắc. Ấn Độ và Mỹ đã ký hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự năm 2008. Tuy nhiên, các điều khoản khắt khe trong luật trách nhiệm hạt nhân dân sự của Ấn Độ, khác với các nguyên tắc quốc tế, khiến hiệp định này cho đến nay vẫn chưa được được bước tiến nào.


4. Năng lượng tái tạo: Ấn Độ muốn các công ty Mỹ dẫn đầu trong nỗ lực thu hút 100 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng mới của Ấn Độ. Trong chuyến thăm Washington hồi tháng 9/2014, Thủ tướng Modi đã cam kết giúp các công ty năng lượng tái tạo Mỹ vào thị trường Ấn Độ. Rào cản hiện nay đối với đầu tư trong lĩnh vực này là việc New Delhi yêu cầu các công ty nước ngoài phải sản xuất phần lớn thiết bị tại Ấn Độ - động thái mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cho rằng sẽ đẩy giá thành lên cao hơn.


5. Thay đổi khí hậu: Mỹ và Ấn Độ dự kiến sẽ công bố nỗ lực làm việc cùng nhau để khắc phục biến đổi khí hậu trước khi diễn ra Hội nghị toàn cầu về vấn đề này tại Paris (Pháp) vào cuối năm nay. Ấn Độ - nước thải cácbon nhiều thứ ba thế giới - miễn cưỡng theo Mỹ và Nga trong cam kết giảm khí thải với lập luận rằng họ cần tăng trưởng kinh tế để giảm nghèo khổ. Thay vào đó, Ấn Độ có thể công bố các kế hoạch nhanh chóng phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới, theo đó cần đầu tư và công nghệ của Mỹ.


6. Quan hệ kinh tế: Tại cuộc gặp cấp cao hồi tháng 9/2014 ở Washington, Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều hàng năm lên 500 tỷ USD, gấp 5 lần so với hiện nay. Tuy nhiên, hiện giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ vẫn thất vọng trước những rào cản trong tiếp cận thị trường Ấn Độ và bất đồng với Ấn Độ về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Ấn Độ và Mỹ cũng nhiều lần kiện cáo nhau tại Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về bảo hộ sản phẩm thép, thịt gà và tấm thu nhiệt năng lượng Mặt trời.


7. Chia sẻ thông tin tình báo: Mỹ và Ấn Độ đã trở thành những “đối tác không mong muốn” trong chia sẻ thông tin tình báo. Vốn là kình địch nhau chỉ cách đây trong vài năm, hiện nay, Mỹ đã trở thành nguồn cung cấp quan trọng nhất về thông tin tình báo và các loại thông tin khác cho Ấn Độ.



Minh Lý (P/v TTXVN tại Ấn Độ)


Tổng thống Mỹ bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ
Tổng thống Mỹ bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ

Đúng 10 giờ sáng 25/1, chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đáp xuống sân bay quân sự Palam ở New Delhi, mở đầu chuyến thăm 3 ngày nhiều kỳ vọng của ông tới Ấn Độ (25-27/1).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN