Afghanistan: Tổng thống mới, chính phủ 'liên doanh'

Afghanistan vừa hoàn tất cuộc “chuyển giao quyền lực dân chủ đầu tiên” trong lịch sử nước này, khi ông Ashraf Ghani tuyên thệ nhậm chức Tổng thống tại Cabun ngày 29/9, chỉ sau một tuần ký thỏa thuận “chia sẻ quyền lực” với ứng cử viên đối thủ Abdullah Abdullah, khai thông bế tắc kéo dài nhiều tháng do bất đồng về kết quả bầu cử. Tổng thống Ghanisẽ đánh dấu một thời kỳ mới tại Afghanistan, kết thúc thời gian cầm quyền kéo dài tới 13 năm của người tiền nhiệm Hamid Karzai và sẽ mở đường cho lực lượng NATO, do Mỹ đứng đầu, rút khỏi nước này.

Trong lễ tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng thống Ghani nói “Chúng tôi đã chán ngấy chiến tranh. Chúng tôi muốn hòa bình”. Ông kêu gọi các lực lượng chống đối, đặc biệt là Taliban, hãy tham gia các cuộc đối thoại chính trị và cam kết rằng Chính phủ mới sẽ giải quyết tất cả những vấn đề vướng mắc của họ.


Tuy nhiên, ước muốn của Tổng thống Ghani không được hưởng ứng bằng những tiếng reo hò hay những tràng pháo chào mừng, mà thay vào đó một vụ đánh bom tự sát do quân Taliban tiến hành gần sân bay Kabul đã làm 4 người thiệt mạng; tại tỉnh Paktia, miền Đông Afghanistan, một vụ đánh bom bằng xe hơi gần tòa nhà của Chính phủ, dẫn tới vụ đấu súng làm 7 phần tử Taliban thiệt mạng, là những bằng chứng cho thấy nhiều khó khăn đang chời đợi ông.


Tân Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani Ahmadzai có bài phát biểu mừng chiến thắng ở thủ đô Kabul, ngày 22/9. Ảnh: AFP/TTXVN


Cuộc chiến chống Taliban vẫn là một trong những thách thức nặng nề của Chính phủ mới tại Afghanistan. Tổng thống Ghani tiếp quản ngọn cờ lãnh đạo từ ông Karzai ở thời điểm lực lượng nước ngoài, do Mỹ dẫn đầu, dự kiến rút quân vào cuối năm nay, sau 13 năm tiến hành cuộc chiến chống “tàn quân Taliban”, để lại nhiệm vụ nặng nề về bảo đảm an ninh cho các lực lượng Afghanistan, trong bối cảnh Taliban đang có chiều hướng tập trung được lực lượng và mạnh dần lên.


Sau khi được Ủy ban bầu cử Afghanistan tuyên bố trở thành tổng thống tiếp theo của Afghanistan, ông Ghani đã thể hiện sự vui lòng chào mừng chính phủ đoàn kết mới, nhưng vẫn không từ bỏ lời khuyến cáo - có lẽ nhằm vào ông Abdullah, "người điều hành cấp cao" (CEO), một vị trí mới được thiết lập giống như chức Thủ tướng - khi nói rằng “không có việc chia sẻ quyền lực, mà đó là nhiệm vụ”. Theo thỏa thuận vừa ký tuần trước, Tổng thống đứng đầu Nội các, song CEO sẽ quản lý việc thực hiện các chính sách của chính phủ của Nội các; chủ trì các cuộc họp thường xuyên của hội đồng các bộ trưởng. Thỏa thuận này, chí ít cho đến nay, đã “bơm luồng sinh khí mới” vào một quốc gia vốn đang chìm sâu vào bất ổn định do bất đồng về kết quả bầu cử.


Cố vấn của Tổng thống Afghanistan về an ninh quốc gia Hanif Atmar (thứ 2, bên phải, hàng trước) và Đại sứ Mỹ tại Afghanistan James Cunningham (thứ 1, bên trái, hàng trước) trong lễ ký hiệp ước tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Kabul ngày 30/9. Ảnh: THX-TTXVN


Tuy nhiên, nhiệm vụ đối với Chính phủ mới còn rất nặng nề và một trong những nhiệm vụ đầu tiên là ký Hiệp định an ninh song phương (BSA) với Mỹ, theo đó cho phép khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ tiếp tục ở Afghanistan để đào tạo các lực lượng an ninh sau khi lực lượng nước ngoài rút vào cuối năm nay và đây cũng là điều kiện cần thiết để Afghanistan tiếp tục được nhận viện trợ. Ngoài BSA, tân Tổng thống Ghani cũng dự kiến ký Hiệp định về quy chế lực lượng NATO, theo đó cho phép khoảng 2.000 binh sĩ của Tổ chức này tiếp tục hiện diện tại Afghanistan. Tương lai mối quan hệ của Afghanistan với NATO, do Mỹ đứng đầu, là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ mới sau khi ông Karzai từ chối ký kết một hiệp ước an ninh với Washington để đảm bảo quân đội nước ngoài được tiếp tục hiện diện tại Afghanistan sau năm 2014.


Theo nhận định của Viện nghiên cứu hòa bình và xung đột (IPCS) có trụ sở tại New Delhi, thành lập một chính phủ “liên doanh” Afghanistan là điều cực kỳ quan trọng ở thời điểm này, nhưng việc đưa ra các quyết định, nhất là những vấn đề về an ninh và chính sách đối ngoại, sẽ là tiến trình phức tạp do những mối quan tâm và mục tiêu có thể khác nhau giữa hai nhà lãnh đạo-Tổng thống và CEO. Những “vết nứt” trong tiến trình này có thể dẫn tới tình trạng bất ổn định, không hoạt động hoặc làm chậm trễ nhiều vấn đề, qua đó sẽ tạo môi trường cho những phần tử chống đối tung hoành.


Viện Nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) của Ấn Độ nhận định: điều quan trọng cần lưu ý là thỏa thuận “chia sẻ quyền lực” không do Hiến pháp quy định, nhưng đã khai thông được bế tắc chính trị tại Afghanistan. Sự khai thông này kéo dài bao lâu, phần lớn phụ thuộc vào mức độ hợp tác giữa hai phái theo những điều khoản trong hiệp định. Luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ rằng bất kỳ bất đồng lớn nào hoặc âm mưu nào của Tổng thống mở rộng quyền lực hoặc đi trệch hướng thỏa thuận, đều có thể khiến CEO Abdullah hoặc những người ủng hộ ông rút khỏi Chính phủ, khiến “Liên doanh” tan rã và đẩy tình hình Afghanistan ra khỏi tầm kiểm soát.



Minh Lý (P/v TTXVN tại Ấn Độ)


Mỹ hoan nghênh ký Hiệp định an ninh với Afghanistan
Mỹ hoan nghênh ký Hiệp định an ninh với Afghanistan

Tổng thống Barack Obama hoan nghênh lễ ký Hiệp định an ninh song phương (BSA) với Afghanistan mà ông cho là “lịch sử" để cho phép khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ ở lại nước này sau lộ trình rút quân vào ngày 31/12 năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN