Ai Cập, nơi chôn vùi tham vọng quyền lực của người Hồi giáo

Trong bối cảnh quân đội Ai Cập phế truất Tổng thống dân cử của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và thẳng tay đàn áp tổ chức này trên các đường phố tại thủ đô Cairo, Ai Cập đang bị coi là "nghĩa địa" của "Mùa Xuân Arập" và cũng là nơi chôn vùi những hy vọng của người Hồi giáo về việc định hình tương lai khu vực.

Ai Cập đang bị coi là "nghĩa địa" của "Mùa Xuân Arập". Ảnh: Internet


Thảm kịch đẫm máu xảy ra trong tuần qua tại Ai Cập - đất nước có ảnh hưởng lớn về mặt chính trị và là "trái tim" văn hóa của thế giới Arập - đã gây sốc cho nhiều quốc gia. Ảnh hưởng của việc quân đội Ai Cập lên nắm giữ quyền lực đối với mỗi quốc gia trong khu vực sẽ không giống nhau, bởi trong khi các nước như Ai Cập đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến về bản sắc thì các quốc gia khác - từ Syria tới Yemen, và từ Lybia tới Iraq - lại đang vướng vào một cuộc đấu tranh mang tính sinh tồn.

Làn sóng thức tỉnh Arập tại Ai Cập bắt đầu bằng cuộc nổi dậy lật đổ chế độ độc tài kéo dài 30 năm của ông Hosni Mubarak và tiếp đó là sự nổi lên của một nhà lãnh đạo xuất thân từ MB. Từng hoạt động ngoài vòng pháp luật tại Ai Cập kể từ khi được thành lập cách đây 80 năm, tổ chức này đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử Quốc hội và tổng thống hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 năm, MB lại nhanh chóng tự hủy diệt. Theo các nhà phân tích, Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi đã bị mọi người xa lánh, ngoại trừ lực lượng nòng cốt trung thành với ông, vì ông đã tận dụng tất cả quyền lực của mình để có thể nắm quyền kiểm soát mọi thể chế tại Ai Cập chứ không tập trung vào việc thực hiện các chính sách nhằm khôi phục nền kinh tế ốm yếu và cải thiện tình trạng chia rẽ chính trị của đất nước.

Jamel Arfaoui, một nhà phân tích chính trị làm việc tại Tunisia - "cái nôi" của phong trào "Mùa Xuân Arập" - nói: "Tôi lấy làm ngạc nhiên trước sự sụp đổ nhanh chóng của những người Hồi giáo. Tôi từng cho rằng MB sẽ tiếp tục cầm quyền lâu dài và học tập kinh nghiệm từ những người Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ", nơi Đảng Công lý và Phát triển có nguồn gốc Hồi giáo đã 3 lần liên tiếp thắng cử.

Hiện nay, MB tại Ai Cập - hay còn gọi là Al-Ikhwan - có lý do để lo ngại rằng họ có thể sẽ phải trở lại hoạt động tại những khu vực hoang vu trong nhiều thập kỷ tới sau khi quân đội ban bố tình trạng khẩn cấp hồi tuần trước. Lần gần đây nhất khi luật khẩn cấp được thực hiện sau vụ ám sát cựu Tổng thống Anwar Sadat năm 1981, luật này đã được duy trì trong hơn 30 năm.

Khi còn nắm quyền, ông Morsi và những người ủng hộ ông trong MB đã tỏ ra không thể hợp tác được với cả những đồng minh Hồi giáo lẫn những kẻ thù thế tục và dần bị quân đội - lực lượng ban đầu mà họ đã nỗ lực thu nạp - xa lánh. Họ đã khiến Ai Cập rơi vào tình trạng bị chia rẽ sâu sắc nhất kể từ khi trở thành một nước cộng hòa năm 1953.

George Joffe, một chuyên gia về Bắc Phi tại Đại học Cambridge, nói: "Họ không hiểu chút gì về cách thức hoạt động của các hoạt động chính trị dân chủ. Thật khó để tưởng tượng rằng ai đó, khi được trao cơ hội nắm quyền, lại có thể hành động một cách ngốc nghếch trong mọi tình huống như họ đã làm. Đó quả thực là một sự kém cỏi đáng ngạc nhiên".

Những biến động xảy ra năm 2011 đã giúp các tổ chức Hồi giáo có mối quan hệ với MB hoặc gần giống như MB trở thành trung tâm của các hoạt động chính trị trên khắp thế giới Arập, và hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng những sự kiện đang diễn ra tại Ai Cập không chỉ là bước thụt lùi của tổ chức này tại một quốc gia mà còn trên toàn khu vực.

Học giả Fawaz Gerges của Trường Kinh tế London nói: "MB đã 'tự sát' chính trị. Tổ chức này sẽ phải mất nhiều thập kỷ để hồi phục... bởi một số lượng đáng kể người dân Ai Cập hiện đã không còn tin tưởng họ. Al-Ikhwan đã trở thành một cái tên 'độc hại' tại Ai Cập và khu vực". Gerges giải thích thêm rằng những thiệt hại của MB còn vượt ra ngoài lãnh thổ Ai Cập, gây ảnh hưởng tới những chi nhánh ở Tunisia, Jordan và Gaza, nơi Hamas - vốn phát triển từ MB - đang cầm quyền.

Điều này đã khiến nhiều nhà lãnh đạo vui mừng, ví dụ như Quốc vương Abdullah của Arập Xêút vốn luôn đề phòng những kẻ thù ủng hộ Hồi giáo, hay Tổng thống Syria Bashar al-Assad - người đã hoan nghênh việc quân đội Ai Cập tiếp quản quyền lực hồi tháng trước và coi đây là sự xác minh cho cuộc chiến của chính ông chống lại những người Hồi giáo.

Một số người cho rằng bản thân Ai Cập chính là bước thụt lùi của dân chủ tại thế giới Arập. Học giả Gerges nói: "Tình hình hiện nay tại Ai Cập làm mất đi tính hợp pháp của cuộc bầu cử và làm hợp pháp hóa trong con mắt của những người Arập rằng quân đội là thể chế duy nhất họ có thể dựa vào để bảo vệ họ trước sự tan rã và những người Hồi giáo - những người đã chiếm đoạt nhà nước".

Tarek Osman, tác giả của cuốn sách "Ai Cập bên bờ vực", cho rằng Ai Cập là đại diện cho xung đột liên quan tới vấn đề liệu các nhà nước có nên được điều hành theo chủ nghĩa dân tộc thế tục truyền thống hay không, hay sẽ phải chứng kiến tính bản sắc cổ đại của quốc gia bị gò ép vào "chiếc áo chật chội" Hồi giáo của MB.

Ông nói rằng "đặc tính của Hồi giáo đối lập với bản sắc dân tộc cổ đại, giàu có và khó thay đổi", "sự xung đột bản sắc này là cội rễ khiến xã hội phản kháng lại những người Hồi giáo".


TTK
Khủng hoảng Ai Cập liệu dẫn đến can thiệp quốc tế?
Khủng hoảng Ai Cập liệu dẫn đến can thiệp quốc tế?

Khi Ai Cập lún sâu vào khủng hoảng chính trị, một vài nhà phân tích cảnh báo rằng đất nước này đang hướng dần đến sự can thiệp của quốc tế và có thể sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN