Ai có ưu thế giành giải thưởng Nobel Kinh tế?

Những nỗ lực xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng, tâm lý học kinh tế, lý thuyết đấu giá, nền kinh tế hướng tới sức khỏe con người và phân tích thị trường lao động là những nội dung được ưa thích trong các đề cử cho giải thưởng Nobel Kinh tế sẽ được công bố vào lúc 16h45 chiều 12/10 (theo giờ Việt Nam). Đây cũng là hạng mục sẽ khép lại mùa Nobel 2020.

Trong năm 2019, giải Nobel Kinh tế đã được trao cho ba nhà kinh tế học là Esther Duflo (người Mỹ gốc Pháp), Abhijit Banerjee (người Mỹ gốc Ấn Độ) và Michael Kremer (người Mỹ) cho những thử nghiệm của họ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Đối với giải thưởng năm nay, giới học thuật và giới truyền thông đang hướng sự chú ý đến Claudia Goldin - một học giả người Mỹ, đang tập trung nghiên cứu về vấn đề bất bình đẳng và lực lượng lao động nữ. Bà Goldin được kỳ vọng sẽ là người phụ nữ thứ 3 trong lịch sử đoạt giải Nobel Kinh tế.

Một người Mỹ khác cũng được nhận định là ứng cử viên nặng ký khác cho giải Nobel Kinh tế năm nay là bà Anne Krueger - cựu quan chức hàng đầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). 

Nếu giải Nobel Kinh tế 2020 được trao cho ứng cử viên nữ, năm 2020 sẽ san bằng kỷ lục xác lập năm 2009 về số lượng nữ giới đoạt được giải thưởng trong một mùa Nobel. Năm nay, số phụ nữ giành giải thưởng cao hơn so với mức trung bình mọi năm. Nữ thi sĩ người Mỹ Louise Gluck đoạt giải Nobel Văn học, trong khi hai nhà khoa học là Emmanuelle Charpentier (người Pháp) và Jennifer Doudna (người Mỹ) đã trở thành bộ đôi nhà khoa học nữ đầu tiên giành được giải Nobel Hóa học cho phát hiện của họ về "kéo" cắt ADN mang tên CRISPR-Cas9.

Tuy số lượng nữ giới thắng giải Nobel danh giá đã tăng mạnh kể từ đầu thế kỷ này, nhưng phái đẹp vẫn chỉ được lưu danh trên khoảng 5% trong tổng số huy chương Nobel được trao tặng kể từ năm 1901.

Xét theo chiều dài lịch sử, giải thưởng Nobel Kinh tế đã phác họa một chân dung điển hình về người chiến thắng - đó là một người Mỹ trên 55 tuổi. Trong suốt 20 năm qua, có tới 3/4 số người đoạt giải Nobel Kinh tế đã thể hiện rõ xu hướng này. Độ tuổi trung bình của các chủ nhân Nobel Kinh tế là hơn 65 tuổi - cao nhất trong số 6 hạng mục giải thưởng Nobel.

Năm nay, nhà kinh tế Paul Milgrom, 72 tuổi, người Mỹ, cùng đồng hương của ông là Robert Wilson (83 tuổi) một lần nữa đã được đánh giá là ứng cử viên của giải Nobel cho những nghiên cứu của họ liên quan những cuộc đấu giá thương mại.

Trong khi đó, Giáo sư Joshua Angrist thuộc Viện Công nghệ Massachusetts ở Mỹ - một người Mỹ gốc Israel - cũng đã được đề cử với nghiên cứu về tác động của những yếu tố như quy mô lớp học và thời gian nghiên cứu để thành công trong học thuật và thị trường lao động.

Các chuyên gia thương mại quốc tế như nhà kinh tế học người Israel Elhanan Helpman và Gene Grossman (người Mỹ) cũng được đề cập đến như những ứng cử viên tiềm năng, bên cạnh những ứng cử viên khác đã tiên phong đưa tâm lý học vào nghiên cứu kinh tế, như hai nhà nghiên cứu người Mỹ là ông Matthew Rabin và Colin Camerer, cùng nhà nghiên cứu Ernst Fehr (người Áo gốc Thụy Sĩ).

Nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty, người vốn rất nổi tiếng với cuốn sách "Capital in the Twenty-First Century" (Vốn tư bản trong thế kỷ 21) và cựu chuyên gia kinh tế hàng đầu IMF Olivier Blanchard cũng nằm trong danh sách ứng cử viên tiềm năng cho giải Nobel Kinh tế 2020.

Ngoài ra, giới chuyên gia cũng nhận định rằng do các giải thưởng năm nay được trao trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nên đây sẽ là một cơ hội tốt để Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển lựa chọn tôn vinh một nhà kinh tế tập trung vào sức khỏe con người.

Ông Micael Dahlen, Giáo sư thuộc trường Kinh tế Stockholm, cho biết: "Năm nay với sự đan xen của đại dịch và khủng hoảng kinh tế, điều này dường như phù hợp hơn bao giờ hết". Với quan điểm này, ông Dahlen cho rằng ứng cử viên Paul Slovic - một giáo sư tâm lý học tại trường.

Đại học Oregon sẽ là người xứng đáng đoạt giải "về những nghiên cứu của ông ấy trong việc chúng ta (làm gì và trong nhiều tình huống khác nhau có thể) đánh giá tính mạng con người và những rủi ro". 

Tuy đây là vinh hạnh lớn nhất mà một nhà kinh tế học có thể nhận được, nhưng Nobel Kinh tế lại không phải là giải thưởng được nhà phát minh - nhà từ thiện người Thụy Điển Alfred Nobel đề cập trong di chúc sáng lập giải thưởng của ông năm 1895, nhằm tôn vinh những cá nhân và tổ chức có cống hiến nổi bật trong các lĩnh vực Y học, Hóa học, Vật lý, Văn học và Hòa bình. 

Giải Nobel Kinh tế có tên gọi chính thức là Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho Khoa học kinh tế, được Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập ra năm 19 để tưởng nhớ Nobel.

Mỗi giải thưởng Nobel năm nay sẽ bao gồm huy chương, bằng chứng nhận cá nhân và một khoản tiền thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 1,1 triệu USD).

Thanh Phương (TTXVN)
Giải Nobel Hòa bình năm 2020 vinh danh Chương trình Lương thực Thế giới
Giải Nobel Hòa bình năm 2020 vinh danh Chương trình Lương thực Thế giới

Ngày 9/10 giờ Na Uy (chiều 9/10 theo giờ Việt Nam), Ủy ban Giải thưởng Nobel Na Uy tuyên bố Giải Nobel Hòa bình năm 2020 được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN