Ai đang nắm thực quyền ở Thái Lan?

Như dự đoán, có nhiều điều được nói đến xung quanh cái chết của vị vua được người dân yêu kính. Song quyết định hoãn lễ đăng quang cho người được chỉ định kế nhiệm, Hoàng Thái tử Vajiralongkorn, lại khiến mọi người ngạc nhiên.

Thông thường, việc kế vị diễn ra ngay sau khi đức quân vương băng hà. Ví dụ, ngày 9/6/1946, Vua Bhumibol đã được chính thức mời kế vị ngai vàng trong một phiên họp nửa đêm của quốc hội, dù rằng ngày hôm đó cũng là ngày người anh trai của ngài là Ananda được phát hiện bị bắn chết một cách bí hiểm ngay trên giường. Vị vua trẻ dù không được chuẩn bị trước song đã chấp thuận, và sau đó quay trở lại Thụy Sĩ để tiếp tục học tập thêm 4 năm nữa trước khi về nước để lên ngôi. Trong suốt thời gian đó, dẫu sao ông cũng chính thức là vua.


Chính phủ Thái Lan cho biết Thái tử muốn có thời gian để tang vua cha cùng người dân Thái Lan trước khi đảm nhận ngai vàng. Cho tới giờ vẫn chưa rõ lễ đăng quang sẽ diễn ra khi nào, mặc dù chuyên gia pháp lý của Chính phủ, Phó Thủ tướng Wissanu Krea-Ngam nhấn mạnh rằng có thể vào bất cứ lúc nào, khi mà Thái tử cảm thấy sẵn sàng. Ông Wissanu cũng cho biết Thái tử không muốn lễ đăng quang diễn ra khi thời hạn để tang chính thức 1 năm chưa hết và di hài đức vua chưa được hỏa táng.

Người dân Thái Lan tập trung dưới đường dõi theo đoàn rước thi hài Nhà vua Bhumibol Adulyadej từ bệnh viện Siriraj về Hoàng cung chiều 14/10. Ảnh: Quang Thuận/PV TTXVN tại Thái Lan

Vậy sau khi Nhà vua Bhumibol băng hà, ai là người nắm thực quyền ở Thái Lan?


Quyền lực của Nhà vua trên giấy tờ chỉ là quyền lực theo hiến pháp, rất hạn chế - là cố vấn và được tham vấn. Song thực tế, tình cảm của đông đảo người dân dành cho Ngài trong suốt thời kỳ trị vì lâu dài của mình đã giúp Nhà vua có một tầm ảnh hưởng to lớn - lời nói hay quyết định của Ngài có thể làm thay đổi chính sách, hoặc thậm chí cả chính phủ. 


Ví dụ, tháng 5/1992, Ngài được cho là có công trong việc chấm dứt sự xung đột đẫm máu trên đường phố giữa lực lượng quân đội và người biểu tình ủng hộ dân chủ chỉ đơn giản bằng cách cho mời Thủ tướng được quân đội ủng hộ và lãnh đạo phe biểu tình tới và phê bình họ. Tháng 4/2006, Vua Bhumibol cũng phá vỡ một thế bế tắc chính trị nữa bằng cách đề nghị nên hủy bỏ cuộc bầu cử bị tẩy chay mà Thủ tướng lúc đó là Thaksin Shinawatra đã giành chiến thắng.


Khi nhà vua chưa được chính thức sắc phong, quyền lực của nhà vua được thực thi bởi một quan nhiếp chính, người theo luật Hoàng gia là Chủ tịch Hội đồng Tư mật của nhà vua. Người đó là ông Prem Tinsulanonda, năm nay đã 96 tuổi, một trong những cố vấn thân cận và có ảnh hưởng nhất của vị vua quá cố, người trước đây đã từng bày tỏ những e ngại về năng lực của Thái tử. Là quan nhiếp chính, ông sẽ thực thi các nhiệm vụ quan trọng như chứng thực hiến pháp mới do quân đội soạn thảo sẽ được hoàn thành trong tháng tới. Tuy nhiên, có thể việc thực thi những quyền lực này sẽ được tiến hành với sự tham vấn chặt chẽ với Thái tử.


Song tại thời điểm này, quyền lực thực sự ở Thái Lan vẫn nằm trong tay giới quân sự vốn đã giành được quyền lực trong vụ đảo chính 2 năm trước. Nhiều nhà quan sát cho rằng một trong những lý do cơ bản của vụ đảo chính là để đảm bảo rằng lực lượng vũ trang bảo hoàng đảm trách nhiệm vụ khi việc kế vị diễn ra. Chính sự cộng tác lâu dài giữa quân đội và Nhà vua Bhumibol suốt phần lớn thời gian trị vì của ông đã phục hồi sự thịnh vượng của chế độ quân chủ từ khi ông lên ngôi năm 1946 tới khi đạt đỉnh cao danh tiếng những năm 1990. Quân đội coi vai trò của mình căn bản là bảo vệ cho chế độ quân chủ, và khó mà tưởng tượng có sự kiện kế vị nào mà quân đội lại không có ý kiến đóng góp quan trọng.


Các tướng lĩnh rất trung thành với mong muốn của Nhà vua Bhumibol, còn Nhà vua luôn tin rằng con trai ông phải kế vị ngôi báu. Mặc dù thời điểm kế vị chưa rõ song chính phủ đã khẳng định rằng Thái tử Vajiralongkorn là người kế vị không cần phải tranh cãi, và nhất định sẽ lên ngôi vua. Thủ tướng Prayuth Chan-och đã đảm bảo với người dân Thái rằng việc kế vị sẽ tuân thủ truyền thống và sẽ diễn ra suôn sẻ. Ông cũng nói người dân không nên lo lắng về việc khi nào nó sẽ diễn ra mà hãy cùng nhau chia sẻ những hồi tưởng hạnh phúc về Nhà vua quá cố.


Tuy nhiên, điều đó sẽ không ngăn nổi những đồn đoán không thể tránh khỏi về việc tại sao việc kế vị một thể chế quan trọng như vậy lại bị trì hoãn.

TTK
Những điều du khách phải lưu ý sau khi Vua Thái Lan băng hà
Những điều du khách phải lưu ý sau khi Vua Thái Lan băng hà

Trong bối cảnh toàn thể nhân dân Thái Lan thương tiếc Nhà Vua Bhumibol Adulyadej, người đã trị vì “xứ Chùa Vàng” trong hơn 70 năm, du khách tới Thái Lan chắc hẳn sẽ cảm thấy băn khoăn liệu chuyến du lịch của họ có bị ảnh hưởng gì không, hay cần làm gì để bày tỏ sự kính trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN