Hình ảnh từ lần phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14. Ảnh: AP |
Tờ Washington Post dẫn thông tin từ vụ kiện đưa tin Chi Yupeng – một nhân viên kế toán 48 tuổi – chính là người kiểm soát mạng lưới các công ty nhập khẩu 700 triệu USD than đá Triều Tiên trong những năm gần đây.
Để trao đổi than đá Triều Tiên, các công ty của người đàn ông họ Chi này được cho là gửi tới quốc gia Đông Á một loạt mặt hàng, bao gồm điện thoại di động, đường, hàng hóa xa xỉ và quan trọng nhất có lẽ là các thành phần, linh kiện cấu thành tên lửa và thiết bị hạt nhân.
Các chi tiết cáo buộc về mạng lưới làm việc của ông Chi được trình bày trong đơn kiện trên đã một phần nào cho thấy cách mà một doanh nhân Trung Quốc có thể qua mặt các lệnh cấm thương mại đối với Triều Tiên và quan trọng hơn, là tầm quan trọng của những thương vụ làm ăn này trong việc phát triển kho vũ khí hạt nhân đáng sợ của quốc gia này.
Theo Panjiva – công ty phân tích dữ liệu thương mại toàn cầu, một trong những công ty của Chi – công ty vật liệu kim loại Dandong Zhicheng – là đơn vị nhập khẩu than đá lớn nhất đối với Triều Tiên, đem lại 234 triệu USD lợi nhuận trong năm 2016.
David Thompson – nhà phân tích cấp cao tại C4ADS, tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu mạng lưới kinh doanh toàn cầu – cho biết: “Công ty của Chi Yupeng chiếm gần 10% tổng số nhập khẩu của Trung Quốc từ Triều Tiên trong năm ngoài. Điều này đã nói lên quy mô hoạt động của họ”.
Hiện phía ông Chi vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về những cáo buộc trên.
Công nhân mỏ than làm việc dưới mưa tuyết tại Jiujiang, Trung Quốc. |
Dựa vào lời khai của 3 nguồn tin bí mật và 2 người đào tẩu không tiết lộ danh tính, các luật sư Mỹ đã đệ trình đơn kiện vào hôm thứ Ba (22/8) yêu cầu tịch thu 4 triệu USD từ các công ty của Chi, cũng như hơn 100 triệu USD từ các khoản tiền phạt khác.
Một trong hai người đào tẩu khai nhận trong vụ kiện trên đã tiết lộ những thông tin đầu tiên về “Văn phòng 39” – một tổ chức dự trữ tiền bạc cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Theo người này, quân đội Triều Tiên kiểm soát lượng than đá sản xuất và việc xuất khẩu của nó. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã dành hơn 95% lượng tiền ngoại tệ kiếm được từ việc xuất khẩu than đá cho quân đội và chương trình vũ khí Triều Tiên.
Bất kỳ một đơn vị nhập khẩu than đá quan trọng nào của Triều Tiên đều có mối liên lạc với chính phủ nước này.
Theo nhân chứng này, đơn kiện đưa ra kết luận chính quyền Bình Nhưỡng phụ thuộc “vào một nhóm tương đối nhỏ bao gồm các cá nhân đáng tin cậy cung cấp cho chính phủ Triều Tiên các thiết bị mong muốn”, và ông Chi là một trong số nhóm cá nhân đáng tin đó.
Trong khi đó, người đào tẩu thứ 2 – nhân vật được cho là biết các thông tin giữ kín về việc xuất khẩu than đá tới Trung Quốc – đã xác nhận phần nhiều trong lời khai của nhân chứng thứ nhất.
Doanh nhân Chi sáng lập ra công ty Vật liệu Kim loại Dandong Zhicheng từ năm 2005 và trong một vài năm trở lại đây, nó đã trở thành đơn vị nhập khẩu than đá lớn nhất của Triều Tiên. Vợ ông – bà Zhang Bing - giữ chức vụ quản lý công ty.
Hiện thông tin về nhà doanh nhân Trung Quốc này vẫn chưa được biết nhiều. Ông từng học Đại học Bohai và tốt nghiệp năm 1990, sau đó trở thành một nhân viên kế toán tại thành phố Đan Đông (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc). Năm 2009, 4 năm sau khi thành lập công ty, ông từng nhận được bằng khen từ chính quyền thành phố Đan Đông, vì những đóng góp trong thương mại ngoại giao.
Theo các chi tiết được lấy trong đơn kiện, mạng lưới công ty của ông Chi đã sử dụng một số mánh khóe khác nhau để tránh vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế.
Đầu tiên, thay vì chuyển tiền qua lại – một hệ thống mà yêu cầu cần đến sự hỗ trợ của ngân hàng và có nguy cơ bị phát hiện, mạng lưới của ông Chi thi thoảng sẽ sử dụng hệ thống đổi chác: Có nghĩa là Triều Tiên chuyển than đá cho Chi, và Chi sẽ gửi các mặt hàng mà Triều Tiên yêu cầu, mọi thứ từ đường cho đến các bộ phận cấu tạo vũ khí.
Bên cạnh đó, ông Chi còn lợi dụng các công ty bình phong. Những công ty này lợi dụng sơ hở của ngân hàng Mỹ triển khai công việc làm ăn với Triều Tiên.
Trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt, ngân hàng Mỹ chỉ có thể phát hiện và ngăn chặn các hoạt động kinh doanh bị cấm vận, và họ không để ý tới các hoạt động của những công ty liên quan thường giao dịch dưới một cái tên khác.
Theo đơn kiện, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu tịch thu 4 triệu USD tiền quỹ của các công ty này. Hiện số tiền này đang ở trong các tài khoản ở Mỹ.
Công tố viên Channing Phillips phát biểu trong một tuyên bố liên quan đến vụ kiện tụng: “Những công ty bình phong này đang hỗ trợ các thực thể Triều Tiên bị cấm vận, bao gồm quân đội và chương trình vũ khí Triều Tiên”.