Ai được, ai mất từ cuộc xung đột ở Dải Gaza?

Khó có thể nói bên nào giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Dải Gaza vừa qua khiến hơn 2.100 người Palestine và 70 người Israel thiệt mạng. Mặc dù vậy, vẫn có thể chỉ ra ai được, ai mất từ cuộc xung đột đẫm máu này.


Trước khi "Chiến dịch vành đai bảo vệ" diễn ra, Phong trào Hồi giáo Hamas đang bị dồn vào chân tường. Phong trào này bị cô lập về mặt chính trị, bị cạn kiệt ngân sách và có thể phải hòa giải với đối thủ là Phong trào Fatah. Trong bối cảnh này, cuộc chiến được xem như là một diễn biến được Hamas mong đợi. Đây là lần thứ ba trong vòng 5 năm gần đây, Hamas dám đương đầu với một trong những quân đội hùng mạnh nhất thế giới và vẫn duy trì được quyền lực. Mặc dù Hamas phải sử dụng tới phần lớn kho vũ khí và nhiều đường hầm ở Dải Gaza bị phá hủy, nhưng việc phong trào này chiến đấu kiên cường buộc Israel phải chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn được xem như là một chiến thắng giành cho những người ủng hộ Hamas.

 

Người dân Palestine đổ xuống đường vui mừng vì thỏa thuận ngừng bắn vô thời hạn. Ảnh: AFP/TTXVN


Người mất nhiều nhất từ cuộc xung đột này có lẽ là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Sự ủng hộ của người dân dành cho ông lên đến cao điểm khi Israel đưa quân vào Dải Gaza phá hủy các đường hầm mà Hamas sử dụng để chuyển quân và nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, khi cuộc xung đột tiếp diễn, ông Netanyahu đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì dường như ông đã để cho Hamas "điều khiển" trong các thỏa thuận ngừng bắn liên tiếp mà sau đó bị chính phong trào này phá vỡ.

 

Nhà lãnh đạo Israel cũng có vẻ như trở nên nhu nhược hơn ngay trong chính nội các của mình khi bị các bộ trưởng "chơi xỏ" khi rò rỉ thông tin cho truyền thông hoặc công khai chỉ trích về cách thức chỉ đạo cuộc chiến. Ông Netanyahu cũng bị người dân ở miền Nam Israel - nơi gánh chịu các cuộc tấn công bằng tên lửa nặng nề nhất từ phía Hamas - chỉ trích dữ dội. Các chuyên gia Israel cho rằng "Chiến dịch vành đai bảo vệ" đã đánh dấu sự khởi đầu cho chiến dịch tranh cử tiếp theo ở nước này.


Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã có thể bước ra khỏi cuộc chiến này với tư cách là người giành được lợi thế nếu như kế hoạch hòa giải với Hamas và tổ chức cuộc bầu cử để thành lập một chính phủ thống nhất điều hành cả Bờ Tây và Dải Gaza được thực hiện. Đôi khi ông Abbas có vẻ như là một chính trị gia tài ba trong cuộc xung đột và bản thân ông cũng là người tuyên bố lệnh ngừng bắn trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp hôm 26/8. Tuy nhiên, phần lớn thời gian ông và những đồng nghiệp ở Bờ Tây lại bị gạt ra rìa trong khi người dân ở Dải Gaza và những nhà lãnh đạo Hamas phải trả giá quá đắt trong cuộc chiến. Những tháng tới đây sẽ cho thấy nhà lãnh đạo Palestine này có thể duy trì ảnh hưởng đối với một dân tộc đang bị nản lòng vì sự phá rối của Israel và triển vọng kinh tế mờ mịt hay không.


Một người cũng bị tổn thất không kém từ cuộc xung đột đó là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ông Kerry chưa bao giờ là được coi là nhân vật được nhiều người yêu mến ở Israel và ông thậm chí bị ghét bỏ nhiều hơn sau "Chiến dịch vành đai bảo vệ". Trong cuộc chiến vừa qua, ông Kerry đã bị chỉ trích vì đã dành quá nhiều thời gian và nỗ lực cho đề xuất ngừng bắn với sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar - hai nước vốn đồng minh của Hamas nhưng bị các nhà lãnh đạo và dân chúng Israel căm ghét. Chỉ khi Ai Cập đứng ra làm trung gian, các nỗ lực của Mỹ mới có tác động đến thỏa thuận ngừng bắn.


Huy Hiệp

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN