Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe tại Harare. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo Bloomberg, trong suốt gần 40 thập kỷ cầm quyền của Tổng thống Mugabe, Trung Quốc đã gây dựng ảnh hưởng lớn, trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của quốc gia châu Phi này. Giới đầu tư đánh giá nếu như Tổng thống Zimbabwe bị phế truất, Bắc Kinh còn được hưởng lợi nhiều hơn.
Ngay sau khi có tin Tổng thống Mugabe từ chức, ngày 21/11, Thư ký pháp lý của đảng cầm quyền ZANU-PF ở Zimbabwe, ông Patrick Chinamasa cho biết cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống nước này vào ngày 22 hoặc 23/11.
Theo các nhà nghiên cứu về chính sách châu Phi của chính quyền Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, so với ông Mugabe, cựu Phó Tổng thống Mnangagwa là nhân vật có tư tưởng thoáng hơn về đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Một trong những nguồn cơn gây căng thẳng giữa Bắc Kinh và Harare dưới thời của Tổng thống Mugabe là chính sách nội địa hóa. Luật quy định các công ty nước ngoài đầu tư vào đất nước phải có một lượng nhân lực áp đảo là người bản xứ Zimbabwe.
Wang Hongyi – một nhà nghiên cứu về các chính sách châu Phi tại CASS giải thích: “Chính sách này quá cực đoan và các công ty Trung Quốc phải hứng chịu. Mnangagwa được nhìn nhận như một cánh tay vững chắc, ông sẽ hạn chế hoặc thậm chí dỡ bỏ chính sách nội địa hóa”.
Mnangagwa trước đó đã từng có khóa học huấn luyện quân sự tại Trung Quốc trong khoảng thời gian đấu tranh giải phóng dân tộc hàng thập kỷ trước. Ông cũng chính là người năm 2015 đề xuất đồng tiền Nhân dân tệ của Trung Quốc trở thành tiền tệ chính thức trong khi Zimbabwe đang ở trong tình trạng siêu lạm phát.
Ông còn ngầm ý phản đối phong trào quốc hữu hóa của Tổng thống Mugabe, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc rằng ông tìm kiếm “một môi trường mà các nhà đầu tư vui vẻ đưa tiền vào vì họ biết sẽ được hưởng lợi”.
Shen Xiaolei – nhà nghiên cứu về châu Phi thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhận xét: “Mnangagwa cởi mở hơn và có cách tiếp cận ôn hòa hơn trong chính sách kinh tế, cũng như là một người bạn của Trung Quốc”.
Trong suốt thời gian qua, Trung Quốc luôn hỗ trợ tài chính và đầu tư cơ sở hạ tầng tại các quốc gia châu Phi, đổi lại họ sẽ được tiếp cận với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú tại khu vực như vàng, kim cương, khoáng sản.
Chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Zimbabwe – chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc tới quốc gia trong gần 20 năm – chứng kiến ít nhất 12 thỏa thuận được ký kết trị giá gần 4 tỷ USD trong các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng và mua bán dược thuốc. Chủ tịch Tập từng ca ngợi sự gắn kết giữa hai quốc gia là “một trong những mối quan hệ tốt nhất giữa các nước đang phát triển”.
Trước cuộc chính biến 2 tuần, Tư lệnh quân đội Zimbabwe tướng Constantino Chiwenga đã tới Bắc Kinh và gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định cuộc gặp vào ngày 5/11 đó chỉ là “cuộc họp trao đổi thông tin quân sự thông thường giữa hai nước”.
Từ khi xảy ra bất ổn tại Zimbabwe cho đến nay, Trung Quốc chưa một lần lên tiếng ủng hộ ai, bao gồm ông Mugabe và ông Mnangagwa. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 16/11 tuyên bố quan hệ song phương sẽ không thay đổi và Trung Quốc hi vọng “tình hình Zimbabwe sẽ ổn định hơn và các vấn đề sẽ được giải quyết hợp lý và hòa bình”.
Ding Yifan – chuyên viên nghiên cứu cấp cao chuyên ngành chiến lược đầu tư nước ngoài của Trung Quốc nhận xét “Trung Quốc đang ở thế không thể nào thua”. Thậm chí ngay cả khi Tổng thống Mugabe còn con đường sống sót và giữ vững ngôi vị, Bắc Kinh vẫn tiếp tục mối quan hệ khăng khít với Zimbabwe, vì Đệ nhất Phu nhân Grace Mugabe từng học đại học ở Bắc Kinh từ năm 2007 đến 2011 và nhận bằng ngôn ngữ Trung Quốc.