Cuộc đụng độ quân sự ở dãy Himalaya, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ đòi trả đũa trong công chúng nước này, trong khi các chính trị gia kêu gọi tẩy chay kinh tế nhằm vào Trung Quốc.
Mặc dù Thủ tướng Modi đã kêu gọi một Ấn Độ “tự lực”, nhưng một cuộc chiến kinh tế vẫn là vấn đề lớn với một đất nước nơi mà hàng hóa Trung Quốc tràn ngập mọi ngóc ngách của đời sống.
Người biểu tình Ấn Độ đốt cờ Trung Quốc tại Kolkata. Ảnh: AFP Khi 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ với lính Trung Quốc ở khu vực tranh chấp trên dãy Himalaya vào giữa tháng này, nền hòa bình mong manh ở khu vực nóc nhà của thế giới đã tồn tại gần 60 năm qua dường như đang cận kề nguy cơ tan vỡ.
Làn sóng tẩy chay
Trong lúc các nhà ngoại giao và tướng lĩnh quân đội vẫn đang nỗ lực đàm phán để giải quyết căng thẳng ở cấp độ quân sự, nhiều chuyên gia lo ngại một loại xung đột khác sẽ xuất hiện khi người Ấn Độ đòi trả đũa kinh tế và trừng phạt quốc gia láng giềng khổng lồ.
Một hiệp hội thương nhân ở New Delhi đã yêu cầu các khách sạn cấm du khách Trung Quốc và lưu hành một danh sách 3.000 mặt hàng Trung Quốc cần tẩy chay. Các nhà phát triển phần mềm thì tạo ra một ứng dụng đi động nhằm phát hiện và loại bỏ các chương trình do Trung Quốc phát triển. Trước khi ứng dụng này bị Google gỡ xuống, nó đã được trên 1 triệu lượt tải xuống tại Ấn Độ.
Các chính trị gia cũng nhanh chóng vào cuộc, yêu cầu tẩy chay mọi thứ của Trung Quốc, từ nhà hàng đến ứng dụng di động. Đảng BJP đã cho người đập phá một cửa hàng đồ chơi Trung Quốc ở Mumbai, trong khi một trong các lãnh đạo của đảng đe dọa “đập gẫy chân” bất cứ ai dùng hàng Trung Quốc.
Hôm 1/7, Bộ Giao thông Vận tải Ấn Độ đã tuyên bố cấm các nhà thầu Trung Quốc tham gia thi công các dự án đường bộ trên lãnh thổ nước này. Trước đó, New Delhi tuyên bố cấm 59 ứng dụng di động của Trung Quốc, trong đó có những cái tên đình đám như TikTok, Wechat. Thủ tướng Ấn Độ Modi ngày 1/7 cũng đã xoá tài khoản của mình trên mạng Weibo của Trung Quốc.
Mặc dù những tác động ngược của làn sóng tẩy chay này hiện chưa được thảo luận, nhưng chắc chắn người Ấn Độ sẽ sớm phải nghĩ đến chuyện đó. Nền kinh tế Ấn Độ được dự báo có thể sụt giảm tới 4,5% trong năm nay, chủ yếu do đại dịch COVID-19. Vậy liệu họ có đủ sức mạnh để chịu được thêm một trận chiến kinh tế với Trung Quốc, hiện là quốc gia nhập khẩu lớn nhất của Ấn Độ.
Một Ấn Độ "tràn ngập Trung Quốc"
Hàng hóa, dịch vụ Trung Quốc tràn ngập hầu như mọi ngóc ngách trong đời sống hàng ngày tại Ấn Độ, từ hàng tạp hóa cho đến dịch vụ gọi xe, đặt đồ ăn qua mạng hay thanh toán điện tử.
Theo một báo cáo được Brookings India công bố hồi tháng 3, đầu tư Trung Quốc tại Ấn Độ hiện tại và theo kế hoạch là trên 26 tỉ USD. Trung Quốc rót vốn cho ít nhất 92 công ty khởi nghiệp Ấn Độ, trong đó có 14 /30 công ty khởi nghiệp "kỳ lân" (trị giá tỉ USD) của nước này.
Theo báo cáo của Gateway House tháng 3/2020, Bắc Kinh đã rót vào các công ty này ít nhất 4 tỉ USD. Những công ty khởi nghiệp nhận vốn Trung Quốc bao gồm nhiều thương hiệu danh tiếng như Ola, Flipkart, Byju, Make My Trip, Oyo, Swiggy hay Zomato.
Sự hiện diện của Trung Quốc cũng được ghi dấu bởi hoạt động nhập khẩu hàng hóa. “Khoảng 60% hàng nhập khẩu vào Ấn Độ là từ Trung Quốc. Nếu không có nguồn hàng nhập khẩu này, các chuỗi cung cấp của chúng ta sẽ không thể vận hành”, ông Joe Thomas K, Phó Giáo sư về nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Công nghệ Madras, Ấn Độ, cho biết.
Ngoài nhập khẩu, Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện ở đất nước Ấn Độ rộng lớn bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất. Nhiều công ty Trung Quốc hiện đang sản xuất ở Ấn Độ. Trong số 5 hãng kinh doanh điện thoại di động hàng đầu ở Ấn Độ, có tới 4 là công ty Trung Quốc, hiện chiếm trên 66% thị phần. Cả 4 công ty đều đang vận hành nhiều nhà máy sản xuất tại Ấn Độ.
Trong các lĩnh vực như viễn thông, dược phẩm, sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc cao đến mức các ngành này có thể khó trụ được nếu bị cắt nguồn cung từ nước láng giềng. Hiệp hội Sản xuất Thiết bị Viễn thông Ấn Độ mới đây cho biết, có tới 90% linh kiện điện thoại di động tại Ấn Độ được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Những người chỉ trích cho rằng, vì những lý do này, kế hoạch của Thủ tướng Modi nhằm giúp Ấn Độ “tự lực” bằng cách giảm nhập khẩu từ Trung Quốc có thể không phải là một ý tưởng hay trong ngắn hạn.
“Một khái niệm như vậy sẽ có tác dụng về lâu dài, khi chúng ta có thể tổ chức lại chuỗi cung ứng trong nội địa và thực hiện điều đó với sự tập trung lớn và đặt trong 'chế độ sứ mạng'. Tự lực có nghĩa chúng ta sẽ phải tạo ra năng lực và điều kiện phù hợp cho các nhà sản xuất Ấn Độ để tạo ra những sản phẩm mà hiện tại họ không thể sản xuất do thiếu chuyên môn hoặc tài nguyên”, ông Kumar, Chủ tịch Diễn đàn Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Ấn Độ, phát biểu.
Tất nhiên, New Delhi có thể quá hiểu rằng những động thái tẩy chay như được kêu gọi là không khả thi. Sau cùng thì chính Thủ tướng Modi lại là một trong những nhà vô địch về mở rộng các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Sau khi ông nắm quyền, thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc đã tăng từ 65,7 tỉ USD trong năm 2013-2014 lên 87 tỉ USD trong năm 2018-2019. Và trong cùng thời gian, sự lệ thuộc của Ấn Độ vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng từ 51 tỉ USD lên trên 70 tỉ USD; với thâm hụt thương mại tăng từ 36 lên 53,5 tỉ USD.
Ông Modi đã nhiều lần kêu gọi đầu tư Trung Quốc vào Ấn Độ. Trong chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Ấn Độ vào 2014, sau khi Thủ tướng Modi nhậm chức, hai nước đã ký nhiều thỏa thuận tăng cường đầu tư của Trung Quốc.
Vì thế không có gì phải bàn cãi khi lời kêu gọi Ấn Độ “tự lập” của ông Modi đã khiến nhiều người bối rối. Tuy nhiên, một số người coi đó là một điều tốt.
Quan hệ kinh tế kiềm chế căng thẳng
Invest India, một cơ quan chính phủ được thành lập để thúc đẩy và tạo điều kiện cho đầu tư, cho rằng, lời kêu gọi của Thủ tướng Modi sẽ đảm bảo “đại dịch trở thành cơ hội”.
Giám đốc Invest India, Deepak Bagla cho biết các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm cách sắp xếp lại chuỗi cung ứng. “Nhiều công ty muốn rời khỏi Trung Quốc, nhiều người muốn có một nơi thay thế cho Trung Quốc và Ấn Độ hoàn toàn sẵn sàng trở thành điểm đến phù hợp”, ông Bagla nói.
Theo ông Bagla, ít nhất 578 nhà sản xuất toàn cầu đã cam kết đầu tư khoảng 170 tỷ USD vào Ấn Độ, trong đó 20 tỷ USD đã rót vào Ấn Độ.
Trong khi đó, những lời kêu gọi tẩy chay dường như không được chú ý ở Bắc Kinh. Ấn Độ đã trở thành một địa bàn đầu tư kinh tế đáng kể cho các công ty Trung Quốc và bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có thể gây hậu quả chính trị.
Tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng những tác động của một cuộc tẩy chay như vậy sẽ "có khả năng tàn phá đối với nền kinh tế Ấn Độ vốn mong manh".
Phó Giáo sư Joe Thomas K (chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Công nghệ Madras, Ấn Độ) thì nhận định các mối quan hệ phát triển trong hơn hai thập kỷ qua đã giúp duy trì hoà bình giữa hai người khổng lồ châu Á, từng là kẻ thù trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Theo ông Joe, các mối quan hệ thương mại mạnh mẽ cũng đồng nghĩa hai bên có thể kìm giữ tranh chấp biên giới ra xa khán đài trung tâm của quan hệ song phương.
Tuy nhiên, nhận thức này bây giờ cũng đã bắt đầu suy giảm, Phó Giáo sư Joe nhận xét. Theo ông, sự di chuyển chậm nhưng đều đặn của Ấn Độ về phía Mỹ, như ủng hộ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Washington và tham gia vào Đối thoại tứ giác an ninh với Mỹ, Nhật Bản và
Australia, có thể đã khiến Trung Quốc lo ngại.
“Trong vài năm qua, an ninh chiến lược đã tăng lên và nó đã chiếm bớt tầm quan trọng mà chúng tôi dành cho các mối quan hệ kinh tế. Kết quả là sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đã trở nên bị lãng quên”.
Phó Giáo sư Joe cho rằng, Ấn Độ và Trung Quốc cần khẩn trương tăng cường cả quan hệ kinh tế và văn hóa. Nếu không có điều đó, nền hoà bình ở nơi nóc nhà thế giới vẫn sẽ rất mong manh.