Từng đụng độ với Trung Quốc tại dãy Himalaya năm 1962, nhưng mối quan tâm chiến lược của Ấn Độ kể từ sau khi Anh rút khỏi tiểu lục địa lại là Pakistan. Ấn Độ và Pakistan từng bị kéo vào ba cuộc chiến tại khu vực tranh chấp Kashmir. Nhưng sau vụ đụng độ ở Ladakh hồi năm ngoái – cuộc xung đột đẫm máu nhất với Trung Quốc sau nhiều thập kỉ, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã chủ động giảm căng thẳng với Pakistan, tập trung ưu tiên cho hướng địa bàn Trung Quốc.
Hãng tin Bloomberg dẫn nhiều nguồn thạo tin ẩn danh cho biết trong vài tháng qua, Ấn Độ đã điều thêm quân cùng nhiều phi đội máy bay chiến đấu tới ba địa điểm trọng yếu nằm giáp biên giới Trung Quốc. Ẩn Độ đang duy trì lực lượng 200.000 binh sĩ dọc biên giới với nước láng giềng, tăng 40% so với hồi năm ngoái.
Trước đây, bố trí lực lượng quân sự của Ấn Độ chủ yếu hướng đến việc ngăn chặn hoạt động di chuyển của Trung Quốc, nhưng bước tái triển khai mới này sẽ cho phép giới tướng lĩnh, tư lệnh quân đội Ấn Độ có thêm nhiều lựa chọn về tấn công, đánh chiếm lãnh thổ Trung Quốc nếu cần thiết, theo một chiến lược có tên gọi “phòng thủ tấn công”.
Đáng chú ý, Ấn Độ gia tăng số lượng trực thăng làm nhiệm vụ không vận binh sĩ từ thung lũng này đến thung lũng khác, bố trí nhiều trọng pháo uy lực như siêu lựu pháo M777 của hãng BAE Systems Inc.
Hiện chưa rõ số lượng binh lính Trung Quốc bố trí dọc biên giới, nhưng Ấn Độ phát hiện thấy Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) gần đây tăng cường lực lượng từ Tây Tạng sang Quân khu Tân Cương chuyên đảm trách khu vực biên giới có tranh chấp với Ấn Độ dọc dãy Himalaya. Trung Quốc cũng đẩy mạnh xây dựng đường băng sân bay, hầm trú ẩn có khả năng tránh bom, nhà chứa máy bay dọc biên giới tranh chấp Tây Tạng; cùng lúc tăng cường thêm pháo tầm xa, xe tăng, các trung đoàn tên lửa và máy bay tiêm kích hai động cơ tới khu vực này.
Cả Bộ Quốc phòng lẫn người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ đều không phản hồi trước thông tin mà Bloomberg đăng tải. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng bộ này không bình luận về “thông tin vô căn cứ”.
Nguy cơ căng thẳng biên giới
Lo ngại mấu chốt hiện nay chính là việc Trung Quốc và Ấn Độ có thể bị cuốn vào một cuộc xung đột đẫm máu hơn, khởi nguồn từ một toan tính sai lầm nào đó. Những vòng đối thoại quân sự-ngoại giao gần đây giữa hai bên chỉ tạo ra được bước tiến nhỏ trong tiến trình trở lại trạng thái yên tĩnh ở biên giới từng được thiết lập trong nhiều thập kỉ qua.
Theo D.S. Hooda, Trung tướng, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh phương Bắc của Ấn Độ, việc tập trung quá nhiều binh sĩ hai bên dọc biên giới tiềm ẩn nguy cơ tại thời điểm các giao thức quản trị vùng biên đổ vỡ. Từng bên có xu hướng kiểm soát biên giới tranh chấp quyết liệt hơn. Một sự cố nhỏ cục bộ có thể sẽ leo thang mất kiểm soát, với hệ quả không lường trước được.
Ladakh – nơi Trung Quốc và Ấn Độ từng đụng độ năm 2020, chính là khu vực được Ấn Độ tăng cường binh sĩ nhiều nhất, với tổng số khoảng 20.000 lính bổ sung, trong đó có lực lượng trước đây chuyên tham gia chiến dịch chống khủng bố trên hướng Pakistan. Bước điều chuyển này đồng nghĩa với việc ở bất kỳ thời điểm nào Ấn Độ cũng sẽ có được lực lượng mạnh hơn để sẵn sàng tham chiến trên chiến trường có độ cao lớn ở dãy Himalaya. Cùng lúc, số lượng binh sĩ chuyên làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới phía Tây giáp Pakistan sẽ giảm đi.
Tại bang miền Đông Arunachal Pradesh, từng là nơi tập trung lực lượng quân sự vùng biên nhiều nhất và cũng là địa điểm giao tranh chủ chốt trong cuộc xung đột biên giới năm 1962, Ấn Độ cho triển khai các đơn vị máy bay tiêm kích Rafael mới mua của Pháp, được trang bị tên lửa tầm xa, nhằm hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng mặt đất.
Hải quân Ấn Độ cũng không đứng ngoài, khi quyết định triển khai thêm nhiều tàu chiến dọc các tuyến hàng hải huyết mạch, có khả năng tác chiến dài ngày hơn. Theo một nguồn tin, mục đích chính là để nghiên cứu, giám sát lưu lượng vận chuyển năng lượng, hàng hóa xuất nhập khẩu đến và đi từ Trung Quốc.
Với Thủ tướng Narendra Modi, bước điều chỉnh chiến lược trên được thực hiện tại thời điểm Ấn Độ bị bao vây bởi đại dịch COVID-19, nền kinh tế trong năm 2020 suy giảm mức kỉ lục. Cùng lúc, New Delhi cũng đẩy mạnh hợp tác an ninh với Mỹ, Nhật Bản và Australia trong khuôn khổ Nhóm bộ tứ.
“Khủng hoảng [biên giới] năm ngoái đã khiến Ấn Độ đi tới nhận định Trung Quốc chính là thách thức chiến lược lớn nhất trong tương lai, đẩy Ấn Độ giảm chú tâm trên hướng Pakistan. Khi được triển khai đầy đủ, kế hoạch này sẽ tạo ra những thay đổi lớn với địa chính trị khu vực”, Sushant Singh, học giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách (CPR) tại Ấn Độ bình luận.