Ấn Độ không được lợi trong 'cú sốc' giá dầu

Là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn trên thế giới, với lượng dầu mỏ nhập khẩu khoảng 3,7 triệu thùng/ngày trong năm 2013, nếu giá dầu giảm 30 USD/thùng sẽ tiết kiệm cho Ấn Độ mỗi năm 40 tỷ USD. Vậy theo cách tính số học thông thường, rõ ràng Ấn Độ được lợi trước xu hướng giảm của giá dầu thế giới. Nhưng theo phân tích của báo “the Economic Times” ngày 21/12, trước mắt, nền kinh tế Ấn Độ sẽ không được lợi trong “cú sốc” của thị trường dầu mỏ.

Theo báo trên, giá dầu lao dốc trên thị trường quốc tế trong những tháng gần đây đã dẫn tới sự mất giá tồi tệ của đồng rúp, do nỗi lo sợ về “sức khỏe” của nền kinh tế Nga. Cùng với các nước vùng Vịnh, Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề trước sự sụt giảm giá dầu, từ mức hơn 110 USD/thùng trong tháng 6/2014 xuống còn khoảng 60 USD/thùng hiện nay.

Giá dầu mỏ toàn cầu giảm mạnh ảnh hưởng đến việc chuyển thu nhập từ các nước xuất khẩu dầu mỏ sang đầu tư hoặc mua sắm hàng hóa tại các nước nhập khẩu dầu mỏ, trong đó có Ấn Độ.

Ông Madan Sabnavis, nhà kinh tế trưởng của CARE Ratings, nhận định sẽ có sự thay đổi cơ cấu dài hạn trong thị trường, với ngụ ý rằng sự bùng nổ của xu hướng khai thác khí từ đá phiến tại Mỹ đã biến Mỹ từ một trong những nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới thành một nước xuất khẩu tiềm năng.

Sự thay đổi này đã được thừa nhận và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định không cắt giảm sản lượng để chống đỡ với sự sụt giảm giá dầu bởi điều này chỉ càng làm giá dầu sụt giảm mạnh hơn.

Nhà máy lọc dầu lớn nhất Kuwait Al-Ahmadi ở Al-Shuaiba, cách thủ đô Kuwait City khoảng 30km. Ảnh: AFP/ TTXVN.


Với mức tăng GDP trên 5% như hiện nay, nền kinh tế Ấn Độ vẫn yếu. Chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp (IIP) của Ấn Độ trong tháng 10/2014 giảm mạnh nhất trong vòng ba năm qua. Giá dầu thô giảm chắc chắn sẽ là điều đáng mừng, bởi giá dầu giảm không chỉ có lợi cho người tiêu dùng, mà cho cả các công ty.

Nhưng nếu ngành công nghiệp phải đương đầu với sự dao động của người tiêu dùng không chỉ tại Ấn Độ, mà cả trên toàn cầu, thì giá dầu giảm có thể chỉ cải thiện được vài điểm mấu chốt, trong khi lại tăng thêm nhiều khó khăn ở những lĩnh vực khác. Trong bối cảnh đó sẽ ít có công ty đầu tư mở rộng sản xuất.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng đang yếu. Kinh tế Trung Quốc đã suy giảm tới 2 điểm phần trăm so với thời kỳ đỉnh điểm, trong khi các nền kinh tế châu Âu bắt đầu đứng trước nguy cơ giảm phát, với lạm phát trong khu vực hiện ở mức 0,3%, chỉ có nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đang có đà tăng trưởng tốt hiện nay là Mỹ.

Tình trạng tăng trưởng không chắc chắn của các nền kinh tế khác, trong đó có Khu vực đồng Euro, Trung Quốc, cộng với nền kinh tế mạnh của Mỹ là một trong những yếu tố làm đồng USD mạnh lên. Các chỉ số khác của tăng trưởng toàn cầu như giá kim loại - đầu vào quan trọng của ngành công nghiệp - cũng có dấu hiệu yếu, thể hiện nhu cầu suy giảm từ các công ty đang phải đối phó với tình trạng trì trệ của các thị trường.

Thâm hụt thương mại của Ấn Độ tiếp tục mở rộng và đã lên tới mức cao nhất trong vòng 18 tháng, trong đó xuất khẩu giảm do nhu cầu toàn cầu yếu. Lạm phát dự kiến vẫn cao, cho dù chỉ số lạm phát giá bán buôn tại Ấn Độ đã giảm xuống mức số 0 trong tháng 11/2014. Tình trạng lạm phát ở Ấn Độ vẫn tồn tại hai vấn đề chính.

Một là xu hướng giảm lạm phát mới đây chủ yếu do “tác động dựa trên kỹ thuật”. Thứ hai, cuộc khảo sát của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cho thấy các hộ gia đình vẫn bi quan về triển vọng giá cả, trong đó chỉ có giá rau và hoa quả giảm mạnh, còn giá các thực phẩm giàu protein như thịt, cá, sữa, đậu vẫn cao.

Giá các loại nông sản giảm trên thị trường hàng hóa toàn cầu như bông, gạo, đậu tương, có nghĩa là thu nhập của nông dân có thể thấp hơn, hoặc chỉ ngang bằng năm ngoái và điều này sẽ ảnh hưởng đến nông thôn, ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa, từ sản phẩm công nghiệp đến xe cơ giới.

Bên cạnh đó, tuy là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ tư thế giới, Ấn Độ là nước xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ lớn thứ sáu thế giới, mỗi năm thu về hơn 60 tỷ USD ngoại tệ, chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Do đó, một thị trường dầu mỏ không ổn định sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng này của Ấn Độ do nhu cầu giảm, giá thấp hơn và lợi nhuận giảm.


Minh Lý
(P/v TTXVN tại New Delhi)


Giá dầu mỏ thế giới bất ngờ tăng mạnh
Giá dầu mỏ thế giới bất ngờ tăng mạnh

Sau chuỗi ngày giảm liên tiếp, giá dầu mỏ thế giới đã bất ngờ tăng mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN