Ngày 1/1, Lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan đã chính thức tiếp quản toàn bộ nhiệm vụ đảm bảo an ninh từ các lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Việc các binh sĩ nước ngoài rút khỏi Afghanistan sau 13 năm tham chiến đang đe dọa tạo ra khoảng trống an ninh nguy hiểm ở quốc gia Nam Á này khi chính quyền Kabul tỏ ra khá lúng túng trước lực lượng Taliban ngày càng mở rộng ảnh hưởng. Binh sĩ quân đội Afghanistan trong chiến dịch truy quét phiến quân tại huyện Dangam, tỉnh Kunar ngày 3/1. Ảnh: AFP-TTXVN |
Có thể nói năm 2014 là một dấu mốc quan trọng đối với người dân Afghanistan khi nước này vượt qua giai đoạn khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử với việc lần đầu tiên quá trình chuyển giao quyền lực giữa một tổng thống được bầu hợp pháp và người kế nhiệm diễn ra trong hòa bình sau một quá trình tranh cãi gay gắt về kết quả bầu cử.
Hai bên nhất trí thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc và chia sẻ quyền lực, trong đó ứng cử viên Ashraf Ghani trở thành Tổng thống Afghanistan, còn ông Abdullah Abdullah đảm nhận vị trí "quan chức điều hành", một chức vụ mới tương đương Thủ tướng.
Việc NATO chính thức kết thúc sứ mệnh kéo dài suốt 13 năm qua tại Afghanistan được xem là một bước ngoặt quan trọng để tân Tổng thống Ashraf Ghani đẩy nhanh lộ trình xây dựng một chính phủ đoàn kết, song cũng cảnh báo về một khoảng trống an ninh khó khỏa lấp đối với Afghanistan.
Kể từ khi liên quân do Mỹ đứng đầu ồ ạt tiến vào Afghanistan năm 2001, cái giá mà NATO phải trả cho cuộc chiến này là không nhỏ, nhưng thành quả đạt được lại không như mong đợi. Hơn 3.500 binh lính NATO, trong đó có khoảng 2.350 lính Mỹ, đã thiệt mạng tại Afghanistan, song hai mục tiêu chính là tiêu diệt Taliban và loại bỏ cây thuốc phiện tại quốc gia này đều chưa đạt được.
Tình trạng xung đột còn lâu mới kết thúc và vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh những kết quả trái chiều và di sản mà cuộc chiến suốt nhiều năm qua để lại. Mặc dù các tay súng Taliban hiện không nắm quyền kiểm soát bất kỳ thị trấn hay trung tâm thành phố nào, song chúng vẫn duy trì sự hiện diện thường xuyên tại vùng phía nam và phía đông Afghanistan, thậm chí tại một số tỉnh miền bắc.
Trong khi đó, báo cáo mới đây của Liên hợp quốc cảnh báo rằng diện tích trồng cây thuốc phiện tại Afghanistan trong năm 2014 đã tăng lên mức chưa từng có. Hiện Afghanistan là nguồn cung cấp thuốc phiện lớn nhất thế giới, chiếm tới 90% nguồn cung toàn cầu. Các hoạt động buôn lậu thuốc phiện không chỉ đem lại lợi nhuận cho Taliban và nhiều nhóm nổi dậy khác mà còn làm gia tăng tình trạng tham nhũng và tội phạm.
Binh sĩ Pháp trong buổi lễ kết thúc nhiệm vụ quân sự tại Afganistan. Ảnh: AFP-TTXVN |
Việc không còn binh sĩ nước ngoài trực tiếp tham chiến đang làm dấy lên mối lo ngại rằng Chính phủ Afghanistan khó có thể đối phó với lực lượng Taliban đang ngày một mở rộng ảnh hưởng và nuôi tham vọng củng cố vị thế sau khi NATO rút quân.
Ngay cả buổi lễ hạ cờ của ISAF tại nước này cũng đã phải tiến hành trong bí mật do lo ngại các vụ tấn công của Taliban. Vẫn còn đó nhiều nghi ngại liệu Afghanistan có trở thành "Iraq thứ hai" - nơi Mỹ đã tuyên bố chấm dứt sự hiện diện quân sự, nhưng rồi phải quay lại do sự trỗi dậy của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.
Tổng thống Mohammad Ashraf Ghani đã cam kết tạo lập một chính phủ đoàn kết hiệu quả, đồng thời nỗ lực vực dậy nền kinh tế và khởi động bộ máy an ninh đủ mạnh để đánh bại Taliban. Ưu tiên hàng đầu của ông là cải thiện quan hệ với Mỹ và các quốc gia đồng minh, từng rất căng thẳng trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Hamid Karzai.
Để hiện thực hóa điều đó, Tổng thống Ghani đã ký Hiệp định An ninh Song phương (BSA) với Washington và Thỏa thuận về quy chế các lực lượng (SOFA) với NATO, cho phép liên minh quân sự của NATO duy trì 12.500 quân tinh nhuệ tại Afghanistan sau năm 2014.
Từ ngày 1/1/2015, 28 quốc gia thành viên NATO và 14 nước đối tác bắt đầu tham gia sứ mệnh mới tại Afghanistan với tên gọi “Hỗ trợ kiên quyết” với nhiệm vụ chủ yếu là huấn luyện, cố vấn cho lực lượng an ninh nước sở tại, chứ không trực tiếp tham chiến, và sẽ rút hoàn toàn vào cuối năm 2016.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy Taliban đang nuôi tham vọng củng cố vị thế tại Afghanistan sau khi sứ mệnh chiến đấu của NATO kết thúc. Giới phân tích cho rằng vào mùa hè năm 2015, lực lượng này sẽ đẩy mạnh hoạt động để “thử sức mạnh” của mình.
Mặc dù Tổng thống Ghani đã kêu gọi Taliban ngồi vào bàn đàm phán hòa bình và tham gia các tiến trình chính trị của đất nước, song Taliban tỏ ra không mấy mặn mà với đề xuất trên. Thậm chí, Taliban còn tuyên bố “không tham gia các cuộc đàm phán hòa bình chừng nào vẫn còn sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Afghanistan".
Rõ ràng, thách thức an ninh đối với Afghanistan trong thời gian tới là không hề nhỏ, nhất là khi lực lượng an ninh của nước này chưa đủ sức để tự gánh vác trách nhiệm. Bên cạnh đó, phục hồi kinh tế, củng cố bộ máy cầm quyền cũng như dung hòa lợi ích giữa các phe phái, sắc tộc trong nước... cũng là những nhiệm vụ nặng nề mà Tổng thống Ghani phải đối mặt. Vì thế, năm 2015 có thể coi là phép thử quan trọng đối với năng lực cầm quyền của nhà lãnh đạo Ghani.
Thanh Phương (TTXVN)