Khói bốc lên trong cuộc giao tranh giữa Quân đội Quốc gia Afghanistan và Taliban. |
Zamir Kabulov – một nhà ngoại giao cấp cao đồng thời là trưởng phái đoàn của Nga tại Afghanistan – gần đây đã tuyên bố nếu như chính phủ Afghanistan và Washington không thể giải quyết mối đe dọa IS, Nga sẽ sử dụng tới lực lượng quân sự.
Nhà ngoại giao Nga này cho biết IS tiếp tục tăng cường vị thế của mình ở Afghanistan, và điều này khiến Nga lo ngại về nguy cơ lây lan tình hình bất ổn đối với các quốc gia Trung Á gần biên giới Nga.
Ông Kabulov còn chỉ ra một số thông tin gần đây cho thấy sự xuất hiện của trực thăng không xác định rõ nguồn gốc đã chuyển vũ khí cho tổ chức cực đoan IS. Theo Bộ Quốc phòng Nga, tại ít nhất 3 tỉnh phía bắc Afghanistan, một máy bay lạ đã được phát hiện thả nhiều thùng vũ khí xuống cho các tay súng IS. Vấn đề này đã được các nhà ngoại giao Nga đưa ra trong một buổi họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Chia sẻ quan điểm của mình về việc liệu Nga sẽ can thiệp quân sự nếu như tình hình tại Afghanistan không khả quan hơn, nhà phân tích quân sự - Tướng không quân đã nghỉ hưu của Afghanistan Atiqullah Amarkhel cho biết lời tuyên bố của nhà ngoại giao Nga mang dấu hiệu “cảnh báo” đối với nguy cơ tình trạng leo thang căng thẳng tại Afghanistan, hơn là một lời cam kết sử dụng lực lượng quân sự.
“Đó là một vấn đề chính trị và lời của ông Kabulov là một lời cảnh báo ngoại giao”, chuyên gia Amarkhel giải thích, nhấn mạnh nhiều khả năng Nga không can thiệp vào cuộc chiến chống IS tại Afghanistan.
“Nga sẽ không dùng đến các giải pháp quân sự cho đến khi IS tấn công vào biên giới 6 nước Trung Á giáp với Nga. Lí do duy nhất mà Nga lo lắng về sự ảnh hưởng của IS tại Afghanistan, đặc biệt ở khu vực phía bắc, là mối đe dọa khủng bố trong khu vực Trung Á”.
Đề phòng trước sự lây lan của IS, Bộ Quốc phòng Nga trong tháng 6 thông báo sẽ củng cố các căn cứ quân sự ở Tajikistan và Kyrgyzstan với vũ khí hiện đại nhằm ngăn chặn làn sóng chủ nghĩa khủng bố tràn từ Afghanistan vào Trung Á.
Trích dẫn lời các nhà phân tích chính trị, ông Amarkhel nhấn mạnh việc can thiệp quân sự vào tình hình Afghanistan sẽ tạo ra những thách thức mới cho Nga, khi nhìn thấy những việc Nga làm trong chiến dịch không kích ở Syria nhằm bảo vệ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Ông Amarkhel kết luận: “Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang suy yếu dần, nên Mỹ có thể lợi dụng một loạt các tổ chức Hồi giáo nhằm tăng sức ép với Nga để khiến tình hình các quốc gia Trung Á tệ hơn. Và điều đó buộc Nga phải giám sát chặt chẽ tình hình”.
Theo lời Tướng Amarkhel, không chỉ cuộc chiến tại Afghanistan đang được mở rộng, mà các tổ chức phiến quân như Taliban hay IS cũng lớn mạnh thêm. Không chỉ vậy, nhiều nhóm khủng bố khác cũng xuất hiện, làm cho tình hình tại Afghanistan đang ngày một rối ren.