Tờ Thời báo Tài chính (FT) cho biết mâu thuẫn mới xuất hiện trong tiến trình London và Brussels xúc tiến các cuộc đàm phán thương mại khá căng thẳng hậu Brexit. Trưởng đoàn đàm phán của EU, ông Michel Barnier, đầu tuần này đã cảnh báo về nguy cơ “bế tắc”.
Theo nguồn tin trên, mâu thuẫn mới nảy sinh khi hai bên không thể tìm được tiếng nói chung liên quan tới vấn đề Chính phủ Anh trì hoãn trao qui chế ngoại giao đầy đủ cho cơ quan đại diện ngoại giao của EU tại London.
Các quan chức cấp cao EU nhận định việc Chính phủ Anh trao vị thế ngoại giao đầy đủ cho phái đoàn đại diện của khối này theo qui định trong Công ước Vienna, vốn sẽ chính thức có hiệu lực sau khi Anh thông qua thỏa thuận Brexit hồi tháng 10/2019, dường như sẽ rơi vào “sa lầy”. Bất đồng này có nguy cơ làm xấu đi mối quan hệ vốn đã nhiều sóng gió giữa London và Brussels.
Peter Stano, một phát ngôn viên về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, nêu rõ “vị thế của EU trong các mối quan hệ đối ngoại và sau đó là vị thế ngoại giao của khối được các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế công nhận một cách đầy đủ… Chúng tôi mong đợi Vương quốc Anh đối xử với phái bộ Liên minh châu Âu (tại London) một cách phù hợp và không có sự trì hoãn nào”.
Giới chức EU hôm 8/5 cho biết liên minh này từng hy vọng hoàn tất các cuộc đàm phán về qui chế của phái bộ EU tại Anh hồi năm ngoái, song Chính phủ Anh đã trì hoãn thỏa thuận, viện dẫn lý do chưa được đa số nghị sĩ quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, nút thắt này tiếp tục không được tháo gỡ, kể cả khi đảng của Thủ tướng Boris Johnson giành được đa số 80 ghế tại Hạ viện vào tháng 12/2019. Tình hình càng bế tắc hơn khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) bùng phát hồi tháng 2, trong đó Anh là một trong những ổ dịch nghiêm trọng nhất.
Do hầu hết các nước châu Âu đều áp đặt lệnh phong tỏa và đóng cửa toàn bộ hoặc một phần biên giới, do đó các cuộc đàm phán giữa Bộ Ngoại giao Anh và Cơ quan hoạt động đối ngoại châu Âu (EEAS) về vấn đề này tiếp tục bị hoãn.
Theo tờ FT, vấn đề qui chế của phái bộ ngoại giao EU tại Anh cần được giải quyết chậm nhất là trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit vào ngày 31/12/2020.
Hiện nay, tất cả 143 phái bộ ngoại giao EU trên thế giới đều hưởng qui chế ngoại giao đầy đủ. EU cho rằng qui chế này nên được trao một cách tự động, song một phát ngôn viên của Số 10 Phố Downing nói rằng “giờ đây chúng tôi đã rời khỏi EU, các cuộc đàm phán sẽ tiếp diễn để quyết định những dàn xếp thích hợp” cho phái bộ EU tại Anh.
Tuy nhiên, quan điểm của Brussels cũng rất cương quyết. Ông Peter Stano nhấn mạnh London “hiểu rất rõ” rằng các phái bộ EU ở nước ngoài được đối xử một cách bình đẳng so với phái bộ ngoại giao của các nước, và Anh từng ủng hộ quan điểm đó khi nước này còn là một thành viên của EU.
“Không có gì thay đổi kể từ khi Anh rời Liên minh châu Âu. Vị thế của phái bộ EU ở Anh không phải là một nội dung đàm phán trong bất kỳ thỏa thuận tương lai nào giữa hai bên”, ông Stano nhấn mạnh.
Ngoài mẫu thuẫn mới nói trên, EU và Anh cũng đang vấp phải khá nhiều rào cản khác trên tiến trình đàm phán về một loạt vấn đề thời hậu Brexit. Cho đến nay, hai bên đã tiến hành 3 vòng đàm phán thương mại sau khi Anh rời mái nhà chung EU, trong bối cảnh hai bên đều đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc chiến với cuộc khủng hoảng COVID-19.
Cả hai vòng đàm phán trước diễn ra vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua đều không đạt được tiến triển. Phía EU cho rằng Anh chỉ tập trung vào các vấn đề mà họ quan tâm và bỏ qua những nội dung thiết yếu đối với các thành viên EU, như đánh bắt cá hay các tiêu chuẩn tối thiểu về y tế và môi trường.
Đáp lại, Anh cho biết nước này hoàn toàn thiện chí trong quá trình đàm phán. Người phát ngôn của Anh không đồng tình với cáo buộc nước này đã không cam kết đối thoại với EU ở bất kỳ lĩnh vực nào. Anh cũng khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán trên tinh thần xây dựng để tìm ra giải pháp cân bằng phản ánh thực tế chính trị ở cả hai phía.
Anh chính thức rời EU vào cuối tháng 1/2020, nhưng vẫn tuân theo các quy định của khối này trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài tới tháng 12 năm nay trong khi hai bên đàm phán thỏa thuận thương mại song phương.
Theo báo chí Anh, hầu hết các nhà ngoại giao đều cho rằng tiến trình đàm phán sắp tới cũng khó có thể thu hẹp khoảng cách bất đồng giữa hai bên. Thực tế này khiến thời hạn chót vào cuối năm để đạt được một thỏa thuận thương mại càng trở nên xa vời. Khi giai đoạn chuyển tiếp được đề xuất lần đầu tiên, phương án đưa ra là kéo dài 21 tháng. Nhưng hiện chỉ còn hơn 6 tháng để hai bên đạt được thỏa thuận, mà thực tế cho thấy là quá gấp để kịp đàm phán và phê chuẩn từ hai phía.