Trong bài phát biểu từ chức bên ngoài Số 10 Phố Downing (Văn phòng thủ tướng), bà Truss cho biết chính phủ của bà đặt ra tầm nhìn về một nền kinh tế có mức thuế thấp, tăng trưởng cao, tận dụng được các quyền tự do của Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu). Tuy nhiên, bà thừa nhận chưa thực hiện được những ủy thác đã được giao phó khi đắc cử vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ.
Bà Truss đã giành chiến thắng trong cuộc tranh cử vào mùa Hè với chương trình nghị sự về một nền kinh tế tăng trưởng nhờ vào thuế thấp và cải cách quy định. Nhưng phản ứng thực tế của thị trường đối với kế hoạch giảm thuế, vốn bị các nhà kinh tế gọi là "một thảm họa chính sách và phá hỏng danh tiếng uy tín tài chính của Anh", đã khiến bà phải ra đi chỉ sau 6 tuần nhậm chức.
Kế hoạch “ngân sách nhỏ” được Bộ trưởng Tài chính khi đó là ông Kwasi Kwarteng công bố ngày 23/9. Theo kế hoạch này, chính phủ sẽ cắt giảm thuế trị giá lên tới 45 tỷ bảng nhưng lại không đưa ra được kế hoạch chi tiết để bù đắp phần thâm hụt thu ngân sách do giảm thuế, gây mất niềm tin của các nhà đầu tư. Đồng bảng Anh lao dốc và thị trường tài chính chao đảo với làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt, gây nên cuộc khủng hoảng thanh khoản tại các quỹ hưu trí của Anh, buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp khẩn cấp bằng chương trình mua trái phiếu chính phủ trị giá 65 tỷ bảng.
Nhằm trấn an thị trường, ngày 14/10, Thủ tướng Truss buộc phải sa thải ông Kwarteng, vốn được coi là một đồng minh thân cận của bà. Người được bổ nhiệm thay thế, tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt, đã đảo ngược hầu hết kế hoạch cắt giảm thuế trong "ngân sách nhỏ", khiến uy tín của bà Truss sụt giảm nghiêm trọng trong nội bộ đảng cũng như đối với cử tri.
Áp lực đối với Thủ tướng Truss càng gia tăng khi chưa đầy 1 tuần sau, Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman từ chức, chỉ trích chính phủ đảo ngược các cam kết đã đưa ra, đồng thời ngụ ý bà Truss phải rời Số 10 Phố Downing vì mắc sai lầm và phải chịu trách nhiệm.
Đã có ít nhất 10 nghị sĩ công khai kêu gọi Thủ tướng Truss từ chức trước những hỗn loạn trong nội bộ đảng và chính phủ khi bà dường như không còn nắm quyền lực và hoàn toàn mất kiểm soát trong đảng. Mặc dù trước đó khẳng định bản thân là một “người chiến đấu, không phải người bỏ cuộc”, bà Truss cuối cùng đã phải tuyên bố từ chức khi không còn nhận được sự ủng hộ trong đảng.
Với sự ra đi của bà Truss, đảng Bảo thủ sẽ bắt đầu một cuộc bầu chọn lãnh đạo khẩn cấp, dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 28/10. Người chiến thắng sẽ là thủ tướng thứ năm của Anh kể từ khi đảng Bảo thủ giành quyền lãnh đạo đất nước năm 2010.
Cho tới tối 20/10, chưa có nhân vật nào chính thức công bố ra tranh cử, song truyền thông Anh đã liệt kê một số ứng cử viên đáng chú ý, trong đó nổi bật là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, người đã giành được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ trong cuộc tranh cử lãnh đạo đảng Bảo thủ vào mùa Hè song thất bại trước bà Truss tại cuộc bỏ phiếu toàn đảng. Uy tín của ông Sunak đã tăng cao sau những tuần xáo trộn vừa qua bởi trong chiến dịch tranh cử, ông từng cảnh báo kế hoạch giảm thuế của bà Truss sẽ dẫn đến sự sụp đổ của đồng bảng Anh và khiến chi phí thế chấp tăng vọt.
Các gương mặt tiềm năng khác là bà Penny Mordaunt, lãnh đạo hạ viện, người đứng thứ ba trong cuộc tranh cử lãnh đạo đảng mùa Hè vừa qua; cựu Thủ tướng Boris Johnson; cựu Bộ trưởng Nội vụ vừa từ chức Suella Braverman và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Kemi Badenoch.
Theo tờ The Telegraph, tính đến tối 20/10, có 29 nghị sĩ công khai ủng hộ ông Sunak trong khi con số này là 24 đối với ông Johnson và 11 đối với bà Mordaunt.
Hiện còn quá sớm để biết ai sẽ là thủ tướng tiếp theo của Anh, nhưng dù người đó là ai cũng sẽ đối mặt với những thách thức lớn. Tính từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, nước Anh đã trải qua 5 đời thủ tướng: ông David Cameron, bà Theresa May, ông Boris Johnson, bà Liz Truss và người kế nhiệm bà, trong khi từ năm 1979 đến 2010, chỉ có 4 thủ tướng tại vị: bà Margaret Thatcher, ông John Major, ông Tony Blair và ông Gordon Brown.
Tính từ tháng 7, Anh đã có 4 bộ trưởng tài chính trong khi bộ trưởng nội vụ từ chức chỉ sau 43 ngày tại nhiệm, cho thấy một hệ thống chính trị bất ổn, khiến niềm tin vào chính phủ sụt giảm. Theo các cuộc thăm dò, hiện chưa đến 40% người dân Anh tin tưởng vào chính phủ so với mức 50% vào năm 2010.
Một thách thức khác của người kế nhiệm bà Truss là nhiệm vụ đoàn kết đảng Bảo thủ trong bối cảnh xuất hiện những rạn nứt sâu sắc trong nội bộ đảng, khi uy tín của đảng đang giảm sút nghiêm trọng sau 12 năm cầm quyền. Kể từ khi bà Truss trở thành thủ tướng và công bố "ngân sách nhỏ", tỷ lệ cử tri Anh dự định ủng hộ đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới đã giảm mạnh trong khi số người ủng hộ Công đảng tăng tương đương.
Đảng Bảo thủ hiện có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2019, thậm chí thấp hơn nhiều so với thời điểm ông Johnson chuẩn bị từ chức. Tại thời điểm ông Johnson từ chức, Công đảng dẫn trước đảng Bảo thủ 6 điểm phần trăm trong khi tỷ lệ này vào giữa tháng 10 đã tăng lên 25 điểm phần trăm. Lãnh đạo Công đảng Sir Keir Starmer tuyên bố đã đến lúc đất nước cần tổ chức tổng tuyển cử, cho rằng đảng Bảo thủ không thể giải quyết những xáo trộn trong đảng bằng cách tiếp tục chọn ra một lãnh đạo mới mà không có sự đồng ý của người dân Anh.
Các đảng viên Bảo thủ giờ đây đứng trước lựa chọn khó khăn: tìm ra được một thủ lĩnh có thể thống nhất đảng và mang lại sự ổn định để đưa đất nước vượt qua khủng hoảng - một điều kiện tiên quyết để đảng cầm quyền có cơ hội giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.