Chính sách Zero-COVID đã giúp Trung Quốc thoát khỏi suy thoái vào năm 2020. Nhưng gần ba năm qua, các hóa đơn ngày càng chồng chất, gây căng thẳng tài chính lớn đối với chính quyền các thành phố trên khắp quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ông George Magnus tại Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford đánh giá với kênh CNN (Mỹ) rằng nếu phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt tiếp tục diễn ra thì “rủi ro ổn định tài chính” sẽ tăng. Ông nêu rõ: “Chính quyền địa phương đang chịu áp lực rất lớn từ chi phí duy trì chính sách Zero-COVID”.
Các chính quyền địa phương có nguồn thu chủ yếu dựa vào việc bán đất dễ bị tổn thương hơn so với chính quyền trung ương. Sự sụt giảm trong thị trường bất động sản đã gây ảnh hưởng đến nguồn thu này. Trong 10 tháng năm 2022, doanh số bán đất đã giảm 26% so với một năm trước đó và đang trên đà giảm lần đầu tiên sau 7 năm do nhu cầu giảm mạnh từ các nhà phát triển đang quay cuồng với doanh số bán nhà sụt giảm.
Trong gần ba năm qua, các chính quyền địa phương tại Trung Quốc phải chịu gánh nặng trong việc thực thi các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19. Họ đã phải trả tiền cho việc xét nghiệm hàng loạt thường xuyên, cách ly bắt buộc và các dịch vụ khác trong thời gian phong tỏa, dẫn đến chi tiêu tăng vọt ngay cả khi thu nhập bị hạn chế. Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Trung Quốc, những chính quyền địa phương này đã chi nhiều hơn 11,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,65 nghìn tỷ USD) so với thu ngân sách từ tháng 1 đến tháng 10.
DBRS Morningstar – cơ cấu xếp hạng tín dụng toàn cầu có trụ sở tại Canada cho rằng thâm hụt cao hơn và tăng trưởng GDP danh nghĩa thấp hơn dự kiến sẽ dẫn đến nợ chính phủ của Trung Quốc tăng lên 50,6% GDP vào năm 2022. Tỉ lệ này tuy vẫn thấp so với tiêu chuẩn toàn cầu nhưng được coi là một mức cao lịch sử đối với Trung Quốc.
Nợ chính phủ tăng đe dọa trực tiếp đến sức khỏe kinh tế của Trung Quốc. Nó không chỉ làm tăng nguy cơ các thành phố không trả được nợ mà còn hạn chế khả năng của chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng, ổn định việc làm và mở rộng các dịch vụ công.
Theo tính toán của CNN dựa trên dữ liệu từ Bộ Tài chính Trung Quốc, thâm hụt ngân sách trên diện rộng của nước này, bao gồm cả thâm hụt của chính quyền trung ương và địa phương, đạt 6,66 nghìn tỷ nhân dân tệ (944 tỷ USD) trong 10 tháng năm 2022, tăng gần gấp ba lần so với một năm trước.
Tài chính của chính quyền địa phương cũng đang căng thẳng bởi thu ngân sách giảm mạnh do tăng trưởng kinh tế yếu và giảm thuế lớn cho các doanh nghiệp chịu tác động vì dịch COVID-19. Cùng thời điểm, giá thành xét nghiệm COVID-19 không hề nhỏ. Chi tiêu y tế liên quan đến COVID-19 đã tăng 13% đạt mức 1,75 nghìn tỷ nhân dân tệ (245 tỷ USD) trong 10 tháng năm 2022.
Theo chính phủ Trung Quốc, tính từ giai đoạn đầu dịch COVID-19 đến tháng 4/2022, nước này đã tiến hành 11,5 tỷ xét nghiệm COVID-19. Trong tháng 5, Bắc Kinh đã chỉ đạo các chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm cho chi phí xét nghiệm COVID-19.
Trước tình hình này, nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc đã đề nghị người dân tự chi trả cho xét nghiệm COVID-19. Thiếu tài chính khiến một số chính quyền địa phương tại Trung Quốc chậm chễ hoặc trì hoãn chi trả cho các đơn vị xét nghiệm COVID-19.
Theo China Finance Online, trong 9 tháng năm 2022, 15 nhà cung cấp xét nghiệm virus lớn nhất Trung Quốc đã báo cáo khoản phải thu hoặc hóa đơn chưa thanh toán lên đến 44 tỷ nhân dân tệ (6,15 tỷ USD), tăng 71% so với một năm trước.