Argentina, Mỹ khởi động mối quan hệ mới

Trong phái đoàn hùng hậu gồm 850 người tháp tùng Tổng thống Obama có tới 400 doanh nhân Mỹ. Điều này chứng tỏ Nhà Trắng mong muốn tăng cường trao đổi kinh tế, thương mại và đầu tư với quốc gia Nam Mỹ này.

Tổng thống Mauricio Macri (trái) và Phó Tổng thống Gabriela Michetti trong một phiên họp tại Quốc hội ở Buenos Aires ngày 1/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Rời Cuba sau chuyến thăm lịch sử, Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Argentina trong hai ngày 23-24/3.

Chuyến thăm của ông Obama tới quốc gia Nam Mỹ này được giới phân tích đánh giá là bước khởi đầu mới cho mối quan hệ mới với chính quyền của Tổng thống Mauricio Macri.

Đây cũng sẽ là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Mỹ tới Argentina sau gần 19 năm kể từ chuyến thăm năm 1997 của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Quan hệ Mỹ-Argentina đã được cải thiện nhanh chóng sau khi Tổng thống Macri lên cầm quyền hồi tháng 12/2015. Trước đó, mối quan hệ giữa hai nước được cho là không mấy tốt đẹp trong suốt 2 nhiệm kỳ cầm quyền của bà Cristina Fernandez. Trong số những căng thẳng giữa hai nước có vụ kiện Buenos Aires của các nhà đầu cơ Mỹ tại tòa án New York.

Trong phái đoàn hùng hậu gồm 850 người tháp tùng Tổng thống Obama có tới 400 doanh nhân Mỹ. Điều này chứng tỏ Nhà Trắng mong muốn tăng cường trao đổi kinh tế, thương mại và đầu tư với quốc gia Nam Mỹ này. Trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 8,49 tỷ USD vào năm 2005, trong đó Argentina đạt mức thặng dư hơn 495 triệu USD. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Buenos Aires luôn rơi vào tình trạng thâm hụt thương mại với Mỹ. Năm ngoái, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt hơn 11 tỷ USD, nhưng thâm hụt thương mại của Buenos Aires lên tới 4,7 tỷ USD.

Chuyến thăm của Tổng thống Obama diễn ra đúng vào thời điểm nhạy cảm khi người dân Argentina tưởng niệm 40 năm ngày xảy ra cuộc đảo chính quân sự cuối cùng (24/3/1976). Tuy nhiên, chỉ ít ngày trước khi ông Obama tới Buenos Aires, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama đã cho phép giải mã các tài liệu quân sự và tình báo có liên quan tới thời độc tài tại quốc gia này (1976-1983). Thông tin này ngay lập tức đã được dư luận Argentina hoan nghênh.

Ngoài ra, cuộc chiến pháp lý giữa các nhà đầu cơ Mỹ và chính phủ Argentina, từng là một trở ngại lớn trong mối quan hệ song phương dưới thời Tổng thống Fernandez, dường như sẽ được khắc phục trong tương lai gần khi mà chính phủ của Tổng thống Macri liên tục đạt được thỏa thuận với các nhà đầu tư trong tháng 2. Mới đây, Hạ viện Argentina cũng đã thông qua một dự luật cho phép chính phủ thanh toán cho các chủ nợ giải quyết dứt điểm vụ kiện này, tạo thuận lợi cho Buenos Aires tiếp cận thị trường tín dụng thế giới.

Trong khi đó, trước thềm chuyến thăm, Tổng thống Macri tuyên bố đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu sự mở cửa của nước này với thế giới. Trong khi đó, Ngoại trưởng Susana Malcorra cho rằng chuyến thăm là minh chứng cho thấy Buenos Aires đang tái hội nhập với thế giới cũng như mở rộng quan hệ với tất cả các nước lớn. Về phần mình, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice khẳng định Argentina có thể trở thành một đồng minh quan trọng của Nhà Trắng trong nhiều vấn đề, từ cuộc chiến chống ma túy tới chống biến đổi khí hậu.

Theo giới phân tích, sau khi Buenos Aires có chính quyền mới, cải thiện quan hệ song phương nằm trong chiến lược đối ngoại của cả hai nước. Với Mỹ, Argentina dưới sự lãnh đạo của chính quyền cánh hữu có thể là cầu nối để Washington trở lại khu vực. Mỹ không thể bỏ qua cơ hội với một Argentina có vị thế chiến lược trong khu vực từng là “sân sau” của mình, đặc biệt trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang có sự hiện diện lớn tại đây.

Trong khi đó, Argentina có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế thông qua mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Tổng thống Macri khẳng định kể từ khi nhậm chức ngày 10/12/2015, ông đã thực hiện đúng cam kết liên quan tới chính sách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử và hiện Argentina đang đối thoại với tất cả các nước trên cơ sở những điểm tương đồng, góp phần phát triển đất nước.

Ngay sau khi đắc cử, ông đã tới thăm Brazil và Chile, hai quốc gia láng giềng quan trọng và là đối tác thương mại hàng đầu của Argentina. Nhà lãnh đạo này cũng đã tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) sau 12 năm Buenos Aires không có mặt. Tại Davos, ông Macri đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các chính trị gia hàng đầu thế giới như Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh David Cameron. Ông Macri cũng đi thăm quốc gia láng giềng Uruguay. Trong khi đó, các nước từng có quan hệ mật thiết với Argentina cũng bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ với quốc gia Nam Mỹ này. Trong tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Italia Matteo Renzi và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tới thăm Argentina với những cam kết thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.

Vì thế, có thế khẳng định rằng chuyến thăm Argentina của Tổng thống Obama là bước đi nhằm tái lập mối quan hệ mới giữa hai quốc gia ở châu Mỹ này.

Diệu Hương (P/v TTXVN tại Argentina)
Argentina thắt chặt an ninh trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ
Argentina thắt chặt an ninh trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ

Ngày 22/3, chính phủ Argentina đã tăng cường mức độ cảnh báo an ninh tại nước này trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama, chỉ ít giờ sau khi xảy ra các vụ tấn công tại thủ đô Brussels (Bỉ).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN