2020 cũng là một năm quan trọng, đánh dấu 5 năm thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các kế hoạch tổng thể xây dựng 3 trụ cột của Cộng đồng gồm Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội nhằm đưa ASEAN trở thành một tổ chức hợp tác khu vực mở có mức độ liên kết sâu rộng hơn, nâng cao hơn nữa vai trò trung tâm và vị thế quốc tế của ASEAN, đồng thời là một cộng đồng vận hành theo luật lệ, có sự tham gia rộng rãi của người dân, mang lại những lợi ích thiết thực hơn cho người dân.
Trải qua hơn nửa thế kỷ với nhiều thăng trầm lịch sử và những thành tựu đáng tự hào, ASEAN ngày nay đã hiện thực hóa giấc mơ trở thành một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện và chặt chẽ bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á, là một thực thể chính trị - kinh tế quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương và là đối tác không thể thiếu trong chính sách khu vực của các nước lớn và các trung tâm quan trọng trên thế giới. Các diễn đàn do ASEAN khởi xướng đã quy tụ được toàn bộ các quốc gia ở Đông Nam Á và được tất cả các nước lớn coi trọng. ASEAN đã chứng minh rằng một tổ chức thống nhất, gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội sẽ duy trì được vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực và trên trường quốc tế.
Những mốc son trên chặng đường phát triển của ASEAN có thể kể đến Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) thành lập năm 1992 - là thành quả của 25 năm đầu tiên hợp tác kinh tế ASEAN hay Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ra đời năm 1994 với tinh thần “thúc đẩy hòa bình và an ninh qua đối thoại và hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương” đã khởi đầu cơ chế đối thoại và tham vấn về các vấn đề an ninh và chính trị trong khu vực.
Hiến chương ASEAN ký kết năm 2007 đã tạo nên sự thay đổi sâu sắc về chất, đưa ASEAN từ một tổ chức hợp tác khu vực đơn thuần dựa trên các văn kiện chính trị trở thành một thực thể pháp lý. Hiến chương ASEAN cũng là hiện thân cho những giá trị chung của các nước thành viên ASEAN: 10 quốc gia cùng cất chung một lời hát; 10 sắc cờ hiện hữu trên lá cờ chung 4 màu xanh, đỏ, trắng, vàng; 10 bó lúa đan kết làm nên biểu tượng ASEAN của sự đoàn kết và thịnh vượng.
Sự ra đời vào cuối năm 2015 của Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột cũng là dấu mốc lịch sử của tiến trình liên kết ASEAN, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hiệp hội cũng như với từng nước thành viên, nâng hợp tác ASEAN lên một tầm cao mới.
Sau 5 năm đầu thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, có thể nói ASEAN đã đạt được những thành công nhất định trong quá trình xây dựng ba trụ cột, góp phần duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác và phát triển ở khu vực, cũng như tăng cường khả năng ứng phó của ASEAN trước các thách thức; củng cố liên kết kinh tế, kết nối, đề cao bản sắc và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Trong 5 năm qua, trụ cột Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC) đã giúp các nước thành viên hợp tác chặt chẽ hơn với nhiều tiến triển quan trọng về xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực, quy tắc ứng xử, ngăn ngừa, quản lý xung đột, nâng cao năng lực xử lý những thách thức an ninh, đồng thời tiếp tục tuân thủ các cơ chế hợp tác an ninh, đối thoại, các nguyên tắc của Phương cách ASEAN: Cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Hợp tác giữa các nước ASEAN được đẩy mạnh trong nhiều lĩnh vực quốc phòng, phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, quản lý biên giới, chống buôn bán ma túy, xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa… Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các cơ chế hợp tác của ASEAN đã phát huy vai trò tích cực trong thúc đẩy hợp tác khu vực để ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh.
Trụ cột Cộng đồng Kinh tế (AEC) cũng tạo được mức độ hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực kinh tế nội khối, vững bước hướng với mục tiêu tạo ra một thị trường duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất; có sức cạnh tranh cao; phát triển đồng đều; đồng thời tăng cường kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới để hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu. Liên kết kinh tế trong AEC đã trở nên vững chắc, tạo thành vùng đệm quan trọng giúp ASEAN chống lại các cú sốc kinh tế lớn từ bên ngoài.
Trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC) đang tạo ra những nền tảng căn bản đẻ nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy bình đẳng và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tăng cường ý thức cộng đồng và giá trị bản sắc chung. Nhiều kế hoạch giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho người dân đã được thực hiện. Hàng loạt sáng kiến, như “Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN”, “Kết nối các kết nối” đang được triển khai sâu rộng. Các nỗ lực tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy phát triển đồng đều, bền vững, gắn kết chặt chẽ các tiểu vùng với kế hoạch phát triển tổng thể của ASEAN, đã thu được kết quả khả quan. Tầm nhìn ASEAN 2025 được gắn kết với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.
Sau hơn 5 thập niên phát triển và 5 năm triển khai thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN, ASEAN đã vươn lên mạnh mẽ trở thành một khu vực kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh, có quy mô lớn thứ năm trên toàn cầu, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 đạt khoảng 3.200 tỷ USD (từ mức chưa đầy 30 tỷ USD ban đầu). Với sự hội nhập chặt chẽ hơn, ASEAN đã xây dựng, tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện với nhà đầu tư trong, ngoài khối và là điểm đến đầu tư quốc tế hấp dẫn thứ ba thế giới. Kinh tế phát triển, đời sống của người dân ASEAN cũng ngày một nâng cao, từ mức thu nhập bình quân đầu người chỉ 130 USD thời điểm mới thành lập, nay đã tăng lên 4.700 USD với sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, thanh niên được tiếp cận với giáo dục tốt hơn…
Không chỉ mang lại lợi ích cho các quốc gia thành viên, sự phát triển và hợp tác vững chắc của ASEAN cũng đã góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của thế giới. ASEAN hiện là đối tác quan trọng của nhiều quốc gia, cũng như các tổ chức khu vực và quốc tế. Gần 40 quốc gia đã tham gia Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện khu vực Đông Nam Á (TAC). Các đối tác đều coi trọng quan hệ, đẩy mạnh hợp tác toàn diện với ASEAN cả về đa phương và song phương, ủng hộ vai trò chủ đạo của hiệp hội ở khu vực.
ASEAN cũng đóng vai trò là động lực chính trong việc thúc đẩy hợp tác và liên kết khu vực ở Đông Á, khẳng định vai trò chủ đạo trong việc xác định các ưu tiên, chương trình nghị sự, định hướng phát triển của các tiến trình hợp tác. Đồng thời, ASEAN thể hiện vai trò dẫn dắt, định hướng, điều hòa các lợi ích khác biệt của các nước, đặc biệt là các nước lớn, phù hợp với đặc thù, ưu tiên và lợi ích của ASEAN.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục biến động nhanh chóng và khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, ASEAN đã và đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn, kể cả cũ và mới, cả từ bên trong và bên ngoài. Đó là những thách thức an ninh phức tạp, trong đó có tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, cũng như những thách thức an ninh phi truyền thống nổi lên ngày càng nhiều và gay gắt, đặc biệt là an ninh y tế, an ninh nguồn nước, an ninh mạng… Môi trường kinh tế thế giới có những yếu tố bất ổn, xu hướng bảo hộ chưa có dấu hiệu suy giảm, làm ảnh hưởng tới hợp tác đa phương và khu vực, trong khi cạnh tranh trở nên gay gắt hơn. Khoảng cách phát triển và bất bình đẳng vẫn là vấn đề nổi cộm. Quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa của các nước ASEAN đồng thời đặt ra những thách thức lớn đối với vấn đề môi trường khu vực, trong khi hiện tượng Trái Đất nóng lên, nước biển dâng do biến đổi khí hậu có ảnh hưởng nghiêm trọng tới ASEAN.
Đặc biệt, năm 2020, cùng với toàn thế giới, ASEAN phải ứng phó với thách thức chưa từng có trong lịch sử - đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID- 19. Tới nay, tại 10 quốc gia ASEAN đã ghi nhận hơn 306.600 ca nhiễm và trên 7.900 ca tử vong do COVID-19. Dịch bệnh đã để lại những hệ lụy nặng nề đối với sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội của các quốc gia thành viên ASEAN, khiến hàng triệu lao động mất đi nguồn sống, hàng trăm nghìn doanh nghiệp gặp khó khăn, kinh tế một số nước rơi vào suy thoái. Sự bùng phát của dịch bệnh cũng thổi bùng thêm những thách thức vốn tiềm ẩn trong môi trường chính trị - kinh tế - xã hội của khu vực, gia tăng tỉ lệ người nghèo, khoét sâu thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội…
Trong bối cảnh đó, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đang nỗ lực dẫn dắt ASEAN vừa tận dụng thời cơ, vừa ứng phó hiệu quả với các thách thức trên tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng. Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đánh giá Việt Nam đã thể hiện "tầm lãnh đạo mạnh mẽ ", trước là dẫn dắt ASEAN hợp tác ứng phó và khắc phục hậu quả của dịch, hỗ trợ người dân và phục hồi hậu COVID-19, với mục tiêu “vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng”, đồng thời không để dịch bệnh làm ảnh hưởng đến việc triển khai các ưu tiên, sáng kiến của khối. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực để cùng ASEAN giải quyết các thách thức khác nhau, thông qua việc đề cao và phổ biến các giá trị, nguyên tắc và chuẩn mực ứng xử đã được thừa nhận chung trong khu vực, đẩy mạnh đối thoại, xây dựng lòng tin…
Như Tổng thư ký Lim Jock Hoi đã khẳng định, một ASEAN gắn kết về chính trị, hội nhập về kinh tế và trách nhiệm xã hội cao sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia cùng chí hướng hướng tới một cộng đồng toàn cầu năng động, toàn diện và cởi mở - nơi mọi người cùng chia sẻ sự thịnh vượng, tinh thần trách nhiệm vì hòa bình và an ninh. Sau 53 năm, hiện 10 quốc gia thành viên ASEAN vẫn đang nỗ lực xây dựng một cộng đồng trong đó người dân Đông Nam Á được sống trong môi trường hòa bình, hữu nghị, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và được hỗ trợ phát triển đồng đều “không ai bị bỏ lại phía sau”, một cộng đồng thực sự hướng đến người dân, đặt người dân vào trung tâm của quá trình phát triển.
Việc xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN phát triển bền vững và thịnh vượng sẽ góp phần nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của ASEAN như một động lực thúc đẩy các tiến trình đối thoại, xây dựng lòng tin vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh ASEAN đang có nhiều cơ hội song cũng đối diện với không ít thách thức, tinh thần đoàn kết và chủ động là cơ sở để ASEAN vượt qua khó khăn, khẳng định bản lĩnh và sức sống vững bền của một cộng đồng tự cường, năng động và ngày càng lớn mạnh.