Theo trang Diễn đàn Kinh tế Thế giới (weforum.org), nhiều bài học có thể giúp các tổ chức và quốc gia vững bước trên con đường bất ổn phía trước.
Sự cảm thông và trung thực trong thông tin dịch bệnh
Báo chí thường nhận xét tốt về cách xử lý khủng hoảng dịch bệnh của các quốc gia có lãnh đạo là phụ nữ, đặc biệt là Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand.
Trong thực tế, nhiều quốc gia có lãnh đạo nữ tới nay đều có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 thấp hơn các nước láng giềng. Ví dụ như Đức có 11 người tử vong/100.000 dân, trong khi con số này ở Pháp là 45 và ở Anh là 70.
Giáo sư kinh tế Supriya Garikipati và Uma Kambhampati đã phân tích về số ca mắc và tử vong cũng như các số liệu về dân số, chi tiêu cho y tế ở các quốc gia có lãnh đạo nữ. Họ phát hiện ra rằng kết quả xử lý dịch COVID-19 ở các nước này tốt hơn một cách có hệ thống.
Nhân tố quan trọng là các quốc gia có lãnh đạo nữ thường phong tỏa sớm hơn. Hai giáo sư cho rằng đó là vì lãnh đạo nữ ngại rủi ro hơn lãnh đạo nam và sợ dịch bệnh sẽ tác động tiêu cực tới người dân. Lãnh đạo nữ cũng truyền đạt thông tin rõ ràng, dứt khoát và có phong cách lãnh đạo cùng tham gia hành động.
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào do nữ lãnh đạo cũng có tỷ lệ tử vong thấp. Bỉ, cũng có nữ lãnh đạo, là một trong những nước có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới.
Theo hai giáo sư, so sánh các quốc gia không đơn giản nhưng bài học lãnh đạo giá trị ở đây chính là lòng cảm thông, sự ấm áp và minh bạch trong xử lý đại dịch COVID-19, cho dù những điều này xuất phát từ nữ hay nam lãnh đạo.
Luôn luôn khẩn trương
Hành động khẩn trương chính là điều quan trọng để đáp ứng đòi hỏi nhiều mặt, thay đổi nhanh chóng của cuộc khủng hoảng như COVID-19.
Công ty tư vấn Mỹ McKinsey đã phân tích 25 công ty gần đây đã nhanh chóng chuyển đổi để thích ứng với đại dịch. Những công ty hành động nhanh chóng này phản ứng với cú sốc do COVID-19 gây ra tốt hơn các công ty hành động chậm chạp.
25 công ty nói trên thay đổi dựa trên sự hài lòng của khách hàng, sự tham gia của nhân viên và hiệu quả hoạt động.
Ví dụ, công ty Oosthuizen (Nam Phi) đánh giá thấp cú sốc COVID-19 gây ra với nhân viên và khối lượng công việc. Còn công ty MSD Nhật Bản lại thường xuyên kiểm sức khỏe và khối lượng công việc của nhân viên.
Theo weforum, vấn đề với nhiều công ty khác là các lãnh đạo công ty lại chính là người trì hoãn thay đổi nhanh chóng. Công ty tư vấn nhân sự Mercer cho biết 78% nhân viên được khảo sát cho biết họ sẵn sàng học kỹ năng mới để đáp ứng với thay đổi, nhưng các lãnh đạo công ty lại cho rằng chỉ 45% nhân viên có thể thích nghi. Mercer gọi tình trạng này là cản trở tinh thần.
Trân trọng con người
Với các doanh nghiệp đã xoay xở để vượt bão COVID-19, thành công của họ là nhờ hành động nhanh và tầm nhìn xa. Tuy nhiên, có một điều quan trọng là họ rất chú ý tới tài sản mà mọi tổ chức đều phải dựa vào, đó là con người.
Thiếu họ, các công ty không thể làm điều gì. Cho dù đó là nhân viên làm việc ở nhà chật vật giữa việc trông con và làm việc trực tuyến, là lái xe giao hàng nhận thêm ca hay là y tá tới bệnh viện bất chấp rủi ro, con người ở mọi nơi đã đứng dậy và tỏ ra mạnh mẽ hơn trong đại dịch.
Trợ lý của Tổng thư ký Liên hợp quốc, Kanni Wignaraja, đã kêu gọi các lãnh đạo nhìn nhận thực tế là đại dịch COVID-19 khiến ai cũng phải đang trải qua thăng trầm của riêng mình.
Tổ chức tư vấn y tế Anh King’s Fund kêu gọi các lãnh đạo có sự trắc ẩn, có nghĩa là chú ý tới mọi nhân viên, thực sự lắng nghẹ và ở cạnh họ.
Niềm tin cũng là một yếu tố trung tâm. Trước đại dịch, nghiên cứu của Mercer cho thấy nhiều công ty không tin tưởng khi để nhân viên làm việc ở nhà. Nhưng tiến tới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho rằng các công ty, tổ chức cần thiết lập mối quan hệ dựa trên niềm tin với nhân viên nhằm tăng hiệu suất làm việc ở nhà.
Các nước vẫn áp dụng biện pháp phong tỏa
Theo Business Insider, bài học về niềm tin là rất quan trọng trong bối cảnh nhiều nước vẫn phải phong tỏa hoặc giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19.
Như tại New Zealand, sau 102 ngày, nước này đã xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng, khiến chính phủ phải thắt chặt phong tỏa tùy từng nơi. Thủ đô Auckland chịu phong tỏa giai đoạn ba, tức là người dân chỉ được rời nhà khi cần thiết, còn các khu vực còn lại đang bị phong tỏa giai đoạn hai, tức là phải giãn cách xã hội và tụ tập dưới 100 người.
Tại Colombia, một số khu vực ở thủ đô Bogota đã bị phong tỏa trở lại trong hai tuần khi số ca nhiễm tăng cao.
Australia đang đối mặt làn sóng lây nhiễm mới và lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở Melbourne sẽ kéo dài tới 13/9.
Tại Israel, nước đang đối mặt số ca lây nhiễm gia tăng, chính phủ có thể áp đặt lại biện pháp phong tỏa trong lễ High Holy Days.
Tại Kuwait, nước này vẫn đang áp dụng giờ giới nghiêm và một số khu vực vẫn bị phong tỏa. Kuwait cấm mọi chuyến bay thương mại, cấm người dân tới nhà hàng hay phòng tập.