Bà Rousseff ra đi, khủng hoảng chính trị ở lại với Brazil

Cuộc bỏ phiếu xác lập việc ông Michel Temer chính thức nắm giữ chức Tổng thống Brazil được tiến hành đúng một tuần sau lễ bế mạc Thế vận hội Olympic Rio và chỉ vài ngày trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc.

Những rắc rối trong thời gian Thế vận hội đã được kiểm soát và tân Tổng thống đã đủ thời gian lên máy bay tới Trung Quốc để kịp bắt tay, chụp ảnh với các nhà lãnh đạo khác trong nhóm G20. 

Mọi thứ đã được lên kế hoạch kỹ càng khiến cho việc hạ bệ một cách áp đặt tổng thống do dân bầu Dilma Rousseff trông có vẻ như là một chuyện bình thường. Song điều đó không có nghĩa là ban lãnh đạo mới ở Brazil chẳng lo ngại gì về việc liệu mọi chuyện diễn ra có hợp pháp hay không. Trong vài tháng qua, liên minh tập hợp để lật đổ bà Rousseff đã bác bỏ việc gọi tiến trình luận tội tổng thống mà liên minh này đưa ra là một cuộc đảo chính. Một số người thậm chí còn đe dọa sẽ kiện những ai đưa ra cáo buộc này tại các cuộc tranh luận chính thức. Họ khẳng định rằng các thủ tục hợp hiến đã được giám sát. 

Tổng thống lâm thời Brazil Michel Temer (trái, phía trước) tại lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống ở Brasilia ngày 31/8.

Trong hơn 5 tháng, những điều bị coi là bất thường về tài chính của chính phủ lại bị xét xử như một trong những trọng tội lớn nhất trong lịch sử chính trị Brazil và được phân tích kỹ càng bởi những nhà lập pháp sốt sắng mà nhiều người trong số đó bản thân cũng bị cáo buộc nhiều trọng tội, từ tham nhũng tới rửa tiền. Điều bất ngờ là cũng chính đất nước có thể lặng im trước việc các vụ bạo lực khét tiếng thường xuyên bị bỏ qua, như vụ thảm sát trẻ em đường phố hay người lao động không có ruộng đất, lại trở nên quyết tâm bảo vệ tính hợp pháp của các quy định về ngân sách hành chính. 

Số phận của bà Rousseff đã được quyết định từ lâu, trước cuộc bỏ phiếu cuối cùng tại Thượng viện, bởi sự sụp đổ của liên minh hỗn hợp không đồng nhất chống đỡ cho chính phủ của bà và biến bà dễ dàng thành con mồi cho một cơ quan lập pháp bảo thủ cực đoan đang lo lắng trước các vụ điều tra tham nhũng không kiểm soát được. 

Sự chuyển giao quyền lực cho thấy sự yếu kém về cơ cấu trong nền dân chủ Brazil. Những nghị sĩ bảo thủ dẫn dắt tiến trình luận tội thực tế đã là những người ủng hộ chính cho bà Rousseffs cũng như các tổng thống Brazil khác kể từ khi chế độ độc tài chấm dứt năm 1985. Không có sự ủng hộ của họ, ưu thế của chính phủ trong nghị viện là điều không thể có được. Với việc ông Temer lên nắm quyền, sự tập hợp các lực lượng bảo thủ cực đoan và tham nhũng cuối cùng đã đạt được sự kiểm soát tối cao đối với các cơ quan hành pháp và lập pháp. 

Dù đã có sự sắp xếp lại cẩn thận các lực lượng trong quốc hội và có sự ủng hộ nhiệt tình của giới truyền thông chính thống (thường do các chính trị gia kiểm soát) ở Brazil, song khó mà tin được rằng ông Temer sẽ được hưởng sự bình an mà ông nên có khi tới Trung Quốc. Các cuộc điều tra tham nhũng vẫn đang diễn ra, đe dọa cá nhân ông Temer và những đồng minh trực tiếp nhất của ông, và sự phân cực chính trị vẫn đang gay gắt hơn bao giờ hết ở Brazil. 

Vụ luận tội bà Rousseff sẽ để lại những vết sẹo sâu trong đời sống chính trị và thể chế Brazil. Đất nước này sẽ được dẫn dắt bởi một dàn lãnh đạo giả tạo. Liên minh mới lên cầm quyền sẽ áp đặt một sự chuyển đổi triệt để sang phe cánh hữu vốn đã bị thất bại trong 4 kỳ bầu cử trước. Cải cách luật pháp sẽ được thúc đẩy dưới thời ban lãnh đạo mới, xóa bỏ những điều luật bảo vệ người lao động và hạn chế nghiêm ngặt các chi tiêu bắt buộc về y tế và giáo dục trong các thập kỷ tới như một giải pháp kỳ diệu nhằm khôi phục niềm tin toàn cầu đối với nền kinh tế nước này. Quốc hội Brazil cũng chuẩn bị quyết định một loạt biện pháp xóa bỏ các quyền quan trọng như bảo vệ đất đai bản địa và môi trường, cũng như đe dọa tới các quyền về giới tính và sinh sản. 

Ở Brazil, rõ ràng cuộc khủng hoảng cả về kinh tế và chính trị đang tạo ra cơ hội vàng cho liên minh bảo thủ cực đoan giành lại quyền lực và xóa bỏ một phần dấu tích về một thời kỳ dân chủ ngắn ngủi. 
TTK
Biểu tình phản đối tân Tổng thống Brazil
Biểu tình phản đối tân Tổng thống Brazil

Ngày 4/9, hàng trăm nghìn người tại nhiều thành phố lớn ở Brazil như Brasilia, Sao Paulo và Rio de Janeiro tiếp tục đổ ra đường biểu tình yêu cầu tân Tổng thống Michel Temer từ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN