Hiện CH Séc là nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng nhanh thứ hai ở châu Âu, sau Tây Ban Nha. Có thể nói diễn biến này đã "phá hỏng" những thành quả chống dịch khá hiệu quả mà CH Séc đạt được khi làn sóng dịch bùng phát ở châu Âu vào đầu tháng 3.
Phát hiện các trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 ngày 1/3, là những người đã từng tới miền Bắc Italy, CH Séc đã ngay lập tức ngừng khai thác các đường bay từ khu vực này, đồng thời áp dụng khẩn cấp cách ly 14 ngày bắt buộc đối với những người trở về từ Italy. Tiếp đó là hàng loạt biện pháp cương quyết, như áp đặt tình trạng khẩn cấp từ 12/3, cấm tổ chức các sự kiện có trên 100 người, các cơ quan chính phủ hoãn công tác ra nước ngoài, hạn chế đi lại, đóng cửa các nhà hàng, quán cà phê và quán rượu, yêu cầu phải đeo khẩu trang khi ra ngoài cùng nhiều quy định khác... Nhờ đó, đến đầu tháng 4, CH Séc đã vượt qua thời điểm tồi tệ nhất và chấm dứt tình trạng lây lan không thể kiểm soát của dịch COVID-19.
Từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 6 này, số ca mắc trong ngày ở CH Séc chưa bao giờ vượt quá 100 ca. Điều đó cho phép Chính phủ Séc dần nới lỏng các biện pháp hạn chế và mở cửa biên giới.
Tuy nhiên, cùng với việc nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế từ ngày 1/7, như bãi bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc (ngoại trừ ở một số điểm nóng dịch bệnh), các câu lạc bộ ban đêm mở cửa trở lại và các quán bar, nhà hàng được phép hoạt động quá 23h..., số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở CH Séc có xu hướng tăng dần.
Giới chuyên gia nhận định tâm lý chủ quan, có phần "tự mãn" của người dân là nguyên nhân chính. Hơn nữa, tập quán đi du lịch nhân dịp nghỉ hè của đa số người dân cũng làm gia tăng nhanh số lượng người nhiễm virus. Trong khi dịch bệnh đang trong giai đoạn trầm trọng tại các nước châu Âu thì vẫn có hàng chục nghìn người Séc đi du lịch, kể cả nhiều nơi trên thế giới.
Tâm lý "tự mãn" đã được thể hiện rõ trong "Dạ tiệc tiễn COVID-19" vào tối 30/6, khi CH Séc là một trong ít số nước ở châu Âu khống chế hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh. Khoảng 2.000 người dân thủ đô Praha và khách du lịch kề vai nhau quanh bàn tiệc dài 500 mét trên Cầu Tình yêu (Karluv most) ở trung tâm du lịch phố cổ, cùng ăn tối để mừng lệnh phong tỏa do COVID-19 sắp được nới lỏng.
Kết quả là số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Trung Âu này đã tăng đột biến trong một thời gian ngắn. Nếu ở thời điểm đầu tháng 8, số ca mắc mới trung bình ở mức khoảng 300 ca/ngày, nâng số bệnh nhân COVID-19 ở Séc lên gần 18.000 người (so với khoảng 10.000 người cuối tháng 6), thì tới đầu tháng 9, số ca mắc mới theo ngày đã tăng lên tới 800 ca, tổng số ca mắc cũng gần 30.000. Tới nay, trung bình mỗi ngày ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới và tới chiều 24/9, số ca mắc đã là hơn 55.000.
Thủ tướng CH Séc Andrej Babiš đã phải thừa nhận sai lầm trong việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 mùa hè vừa qua, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ các quy định về việc đeo khẩu trang để bảo vệ tính mạng của những người dễ bị tổn thương trong xã hội. Thủ tướng Séc nhấn mạnh chính phủ cần phải đặt nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống của người dân lên trên hết, đồng thời đảm bảo duy trì vận hành nền kinh tế hoạt động.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Séc Adam Vojtěch đã phải từ chức ngày 21/9, sau gần ba năm đảm nhiệm cương vị này. Phe đối lập đã nhiều lần kêu gọi Bộ trưởng Y tế Adam Vojtěch từ chức vì Séc đã thất bại trong việc ngăn chặn sự lây lan của đợt dịch lần này.
Trước mắt, Chính phủ Séc đã áp dụng trở lại các quy định như bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và trong không gian kín, học sinh trên cả nước (ngoại trừ cấp tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5) sẽ phải đeo khẩu trang tại trường. Bên cạnh đó, chính phủ cũng lên kế hoạch áp dụng thêm các biện pháp để kiềm chế sự lây nhiễm của dịch COVID-19, trong đó hạn chế số lượng người tham gia các sự kiện tập trung đông người (không quá 100 người đối với sự kiện ngoài trời và không quá 50 người đối với sự kiện trong nhà) và yêu cầu các nhà hàng, quán bar đóng cửa trước 22h00.
Thị trưởng Praha Zdeněk Hřib kêu gọi người dân tuân thủ các quy định về việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc 2 mét và thường xuyên rửa tay sát khuẩn, đồng thời tiếp tục tải và cài đặt vào điện thoại di động ứng dụng eRouška, có thể đưa ra cảnh báo với người sử dụng trong trường hợp tiếp xúc với người có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây COVID-19.
Khó khăn đối với CH Séc là dù ghi nhận số ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng, nhưng nước này đang đặt mục tiêu tránh áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong đời sống xã hội và hoạt động kinh doanh, để có thể tránh tạo ra một cú sốc khác đối với nền kinh tế. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế, sản xuất, thương mại, du lịch, dịch vụ của Séc.
Theo ước tính của Hiệp hội các nhà xuất khẩu Séc, xuất khẩu của Séc có thể giảm 500 tỷ Korun (khoảng 24 tỷ USD) trong năm nay, giảm khoảng 16%. Cán cân thương mại quốc tế có thể giảm 80%. Trong trường hợp có một làn sóng dịch bệnh mới, thâm hụt xuất khẩu có thể lên tới 50% và cán cân thương mại quốc tế có thể về kết quả âm. Trong quý II vừa qua, kinh tế Séc đã suy giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành du lịch Séc là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Trong quý II/2020, số lượng khách đến Praha giảm 94%, và toàn CH Séc giảm 83% so với mùa Xuân năm ngoái. Ngoài Praha, dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn đến khu du lịch nổi tiếng Karlovy Vary.
Tân Bộ trưởng Y tế Séc Roman Prymula cảnh báo tình hình dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tuần tới đây, nhưng hiện tại CH Séc không có kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp. Ưu tiên của Chính phủ Séc hiện nay là thực hiện nhiệm vụ kép, vừa ứng phó với đại dịch vừa duy trì hoạt động của nền kinh tế.
Chính phủ Séc hy vọng những bài học của đợt bùng phát dịch COVID-19 mới sẽ khiến người dân Séc hành xử có trách nhiệm hơn, để CH Séc có thể một lần nữa khống chế được virus SARS-CoV-2.