Bài học từ Ai Cập đối với nền chính trị Hồi giáo

Khi tổ chức Anh em Hồi giáo lên nắm quyền, người ta cho rằng nền dân chủ non trẻ của Ai Cập sẽ tạo điều kiện để tổ chức này hiện thực hóa giấc mơ biến Hồi giáo trở thành các nguyên tắc chỉ đạo trong đời sống chính trị.

Cuộc nổi dậy "Mùa xuân Arập" đã mở cánh cửa cho phép người Hồi giáo tham gia đầy đủ hơn trên chính trường sau nhiều năm chịu đàn áp hoặc buộc phải sống lưu vong.

Những người ủng hộ Tổ chức anh em Hồi giáo và Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi tập trung biểu tình tại Cairo ngày 7/7/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Tuy nhiên, một năm sau, Tổng thống có nguồn gốc Hồi giáo được bầu theo cách dân chủ đầu tiên của Ai Cập Mohamed Morsi bị lật đổ, và điều này chỉ ra thực tế là lực lượng Hồi giáo đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan khi dư luận ngày càng trông đợi vào một chính quyền đa nguyên hiệu quả. Husain Haqqani, cựu Đại sứ Pakistan tại Mỹ, nói: "Hồi giáo luôn là một hệ tư tưởng thiên về tình cảm nhiều hơn là mang tính chính trị mạch lạc".

Trong khi đó, Olivier Roy - chuyên gia người Pháp nghiên cứu các vấn đề Hồi giáo - cho rằng chia rẽ chính trị chủ yếu mà những người Hồi giáo cầm quyền phải đối mặt thường không liên quan tới tôn giáo. Ông nói: "Hãy nhìn tất cả những phụ nữ đeo mạng che mặt biểu tình chống ông Morsi. Họ không chống lại luật Hồi giáo Sharia. Họ chống lại sự quản lý yếu kém của chính quyền và chế độ gia đình trị".

Hồi giáo chính trị khởi phát tại Ai Cập vào năm 1928, khi Hassan al-Banna sáng lập ra Tổ chức Anh em Hồi giáo, phong trào phục hưng với tham vọng xây dựng một nhà nước Hồi giáo, lấy khẩu hiệu "Hồi giáo là giải pháp". Từng bị cấm hoạt động trong nhiều thập kỷ và chịu sự phản đối của các chính quyền Hồi giáo, Tổ chức Anh em Hồi giáo đã xây dựng mạng lưới chân rết trên khắp thế giới, đặc biệt là cung cấp các phúc lợi xã hội rất được lòng của tầng lớp nhân dân lao động. Khi các cuộc nổi dậy nổ ra năm 2011 bắt đầu tại Quảng trường Tahrir lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak, Anh em Hồi giáo đã trở thành lực lượng có tổ chức duy nhất tại Ai Cập bên cạnh quân đội.

Tuy nhiên, người Hồi giáo chưa đủ năng lực để giải quyết các vấn đề kinh tế nhức nhối cũng như kiềm chế nạn quan liêu. Trong khi dư luận ngày càng thất vọng và bất bình trước các vấn đề xã hội, Tổng thống Morsi lại dùng quyền lực để áp đặt một Hiến pháp có khuynh hướng Hồi giáo.

John Esposito - Giáo sư về tôn giáo và các vấn đề quốc tế tại Đại học Georgetown ở Washington - nhận định: "Để quản lý tốt, chính quyền cần mạo hiểm và lắng nghe ý kiến của những người mà họ không thể kiểm soát, song họ đã không làm vậy". Trong khi đó, cuối tháng 6 vừa qua, cựu Tổng thống Morsi nói rằng ông đã "chìa tay" về phía những người chỉ trích song không nhận được sự hợp tác. Ông nói: "Tôi có trách nhiệm đối với quốc gia đang chìm trong vũng lầy tham nhũng này và hiện phải đối mặt với một cuộc chiến và âm mưu lật đổ chính quyền".

Tại Tunisia, cái nôi của phong trào "Mùa xuân Arập", chính phủ do người Hồi giáo nắm quyền cũng đang chịu nhiều áp lực do các tranh cãi xung quanh Hiến pháp mới, cũng như việc người Salafi theo đường lối cực đoan tấn công các lực lượng thế tục, cùng với đó là tỉ lệ thất nghiệp và lạm phát tăng cao. Tuy phải đối mặt với nhiều chỉ trích song tình hình tại Tunisia chưa bức xúc tới mức dẫn tới một cuộc biểu tình lớn như tại Ai Cập. Một nhóm nhỏ các nhà hoạt động xã hội tại Tunisia muốn chính phủ tạm quyền của Đảng Ennahda và hai đảng thế tục khác giảm bớt quyền lực của người Hồi giáo, đồng thời có các biện pháp để "sửa chữa" nền kinh tế yếu kém. Thủ tướng Tunisia Ali Lareyedh nói: "Kịch bản tại Ai Cập khó có thể tái diễn tại Tunisia. Chính phủ Tunisia điều hành đất nước dựa trên sự đồng thuận và tôn trọng quan hệ đối tác".

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong thời kỳ đầu của "Mùa xuân Arập", rất nhiều người Hồi giáo Arập đã coi Đảng Công lý và Phát triển (AKP) là hình mẫu của việc coi trọng lòng tin, và đảng này đã thắng cử ba lần liên tiếp. Tuy nhiên, AKP hiểu về chính trường hơn và có một nền kinh tế phát triển hơn. Họ đã từ bỏ mục tiêu xây dựng một quốc gia Hồi giáo từ hơn một thập kỷ trước và tập trung thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế. AKP đến nay vẫn chưa từ bỏ chủ nghĩa thế tục do giới quân đội cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ trước đây áp đặt.

Tuy nhiên, AKP lại làm những người thế tục giận dữ bởi đảng này đang thúc đẩy một chế độ Hồi giáo rõ rệt hơn với việc giúp xây dựng các nhà thờ Hồi giáo và hạn chế việc buôn bán rượu. Các cuộc biểu tình trên đường phố đã nổ ra trong năm nay tại quảng trường Taksim ở Istanbul và nhiều nơi khác do sự bất bình với các vấn đề từ môi trường đến quy hoạch thành phố và chiến dịch tuyên truyền đạo lý Hồi giáo. Những người biểu tình chủ yếu chỉ trích điều mà họ cho là chủ nghĩa độc đoán ngày càng tăng của ông Erdogan sau một thập kỷ cầm quyền, trong khi không có bất kỳ phe đối lập nào đứng ra phản đối. Nhà bình luận Mustafa Akyol nói: "Đây không phải là một vấn đề thuộc về Hồi giáo".

Trong khi đó, Tổng thống Syria Bashar al-Assad - người đang đấu tranh chống lại cuộc nổi dậy có sự tham gia của một nhánh thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo - đã gọi thất bại của ông Morsi là "sự sụp đổ của cái gọi là nền chính trị Hồi giáo".

Đây là sự thoái trào nhưng có thể chưa phải là dấu chấm hết đối với các nỗ lực kéo dài một thập kỷ của những người Hồi giáo nhằm liên kết quyền lực tôn giáo với chính trị. Ông Roy cho rằng nội bộ Tổ chức Anh em Hồi giáo tại Ai Cập và cả Đảng Ennahda đều có thể sẽ bị chia tách thành hai nhóm, một nhóm có khuynh hướng giữ nguyên cách tiếp cận truyền thống, nhóm còn lại sẽ thu hút thêm các nhà hoạt động chính trị hiện đại.

Cuộc đảo chính vừa qua tại Ai Cập có thể khiến những người Hồi giáo tuyệt vọng hành động bạo lực. Essam El-Haddad, Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Morsi, viết trên trang mạng cá nhân rằng: "Có một thông điệp sẽ lan rộng khắp thế giới Hồi giáo, đó là: dân chủ không dành cho người Hồi giáo".

Mohammad Abu Rumman, nhà phân tích người Jordan ở Amman, nói: "Sẽ ngày càng có nhiều người cho rằng Hồi giáo là mục tiêu và điều này có thể sẽ dẫn tới hệ quả là một số phần tử trong Anh em Hồi giáo và các nhóm Salafi có cùng lập trường liên kết lại với nhau".


TTK

Tổng thống lâm thời Ai Cập chỉ định thủ tướng mới
Tổng thống lâm thời Ai Cập chỉ định thủ tướng mới

Trong bối cảnh làn sóng biểu tình dẫn tới đổ máu ngày càng diễn biến phức tạp sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị phế truất, Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour ngày 9/7 đã chỉ định ông Hazem al-Beblawi, cựu Bộ trưởng Tài chính, làm thủ tướng mới của nước này.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN