Bài học từ viện trợ nước ngoài của Trung Quốc

Viện trợ không phải là sự giúp đỡ vô tư mà là một mắt xích quan trọng trong "quyền lực mềm" của Trung Quốc.

Viện nợ của Trung Quốc trong thời gian qua đang đổ về châu Phi.

Đó là nội dung trong bài phân tích với tựa đề "Bài học từ viện trợ nước ngoài của Trung Quốc" được đăng trên Tạp chí The Diplomat số ra mới đây do nhóm tác giả Ron Matthews, Xiaojuan Ping và Li Ling, các chuyên gia của Anh, Singapore và Trung Quốc góp ý.

Theo bài viết, số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy Mỹ và Nhật Bản là hai quốc gia tài trợ hào phóng nhất thế giới trong năm 2015, trong đó Mỹ chi gần 32 tỷ USD và Nhật Bản cung cấp khoảng 10 tỷ USD.

Năm 1950, Trung Quốc bắt đầu dành khoản viện trợ khiêm tốn cho CHDCND Triều Tiên với mục đích chính trị. Sau năm 1978, Bắc Kinh thực hiện chính sách "mở cửa" của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và bắt đầu thực hiện các chương trình viện trợ khiêm tốn. Hiện nay, Trung Quốc đã đẩy mạnh viện trợ nước ngoài, đặc biệt là cho châu Phi. Mô hình viện trợ và đầu tư của Trung Quốc có 4 điểm đáng chú ý sau:

Thứ nhất là để thể hiện uy tín của Trung Quốc, quan hệ đối tác bình đẳng, phát triển chung và hai bên cùng có lợi. Viện trợ không phải là sự độ lượng mà là một mắt xích quan trọng trong "quyền lực mềm" của Trung Quốc. Với tiềm lực là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, hiện Trung Quốc đang hình thành các chính sách hỗ trợ phù hợp và hiệu quả các quốc gia đang phát triển khác, nhất là tại châu Phi.

Thứ hai là đi kèm với nguyên tắc không ràng buộc, không can thiệp, tôn trọng quyền tự quyết và chủ quyền quốc gia. Điều này trái ngược với tính "gia trưởng" của phương Tây, theo đó các quốc gia nhận viện trợ của phương Tây phải đồng ý với nguyên tắc thị trường tự do và cải cách dân chủ, đặc biệt quản lý tốt nguồn viện trợ, phân phối đúng đối tượng và thực hiện nhân quyền.

Thứ ba là gần như hoàn toàn song phương. Viện trợ giữa Nhà nước với Nhà nước cho phép Bắc Kinh giành được các hợp đồng kinh tế cho các công ty Trung Quốc.

Điều này là vì lợi ích quốc gia và theo quan điểm của Bắc Kinh, viện trợ cần trực tiếp "tác động vào quá trình phát triển của các lĩnh vực ưu tiên như khai khoáng, cơ sở hạ tầng giao thông, nông nghiệp và gần đây là sản xuất hàng tiêu dùng. Điều này trái ngược với các nhà viện trợ phương Tây là chỉ viện trợ để cải thiện bình đẳng giới, nhân quyền và tính minh bạch.

Thứ tư là ngoài các khoản viện trợ, cho vay không lãi suất hay với lãi suất ưu đãi, Trung Quốc còn duy trì sáng kiến hỗ trợ đào tạo kỹ thuật và việc làm cho gần 50.000 người tại các nước nghèo hơn, bao gồm khoảng 300 chương trình đào tạo cho khoảng 7.000 cán bộ nông nghiệp.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn hỗ trợ bằng việc cử hơn 3.600 chuyên gia, nhân viên y tế sang 54 quốc gia trên thế giới để điều trị cho gần 7 triệu bệnh nhân. Hiện nay, Trung Quốc cũng tham gia các nỗ lực phòng chống thiên tai và cứu trợ quốc tế, nhất là cử hơn 30.000 người cho Lực lượng gìn giữ hòa bình tại 9 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Afghanistan, Haiti và gần đây nhất là Nam Sudan.

Tuy nhiên, phương Tây cho rằng viện trợ nước ngoài và đầu tư của Trung Quốc là một hình thức của chủ nghĩa thực dân mới trong thế kỷ 21 nhằm khai thác triệt để các nguồn năng lượng, khoáng sản và thị trường các nước nghèo. Tuy nhiên, hiện nay các chương trình viện trợ của Trung Quốc đã có một số thay đổi như phân bổ cho cả các quốc gia giàu tài nguyên và nghèo tài nguyên nhằm xua tan những lo ngại rằng quốc gia châu Á này chỉ cung cấp viện trợ với mục đích chính trị và bóc lột.

Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi được tổ chức tại thành phố Johannesburg (Nam Phi) vào tháng 12/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết tài trợ 60 tỷ USD cho châu Phi trong 3 năm và điều này dự báo sự đột phá về "sức mạnh mềm" của Bắc Kinh vào lục địa chiến lược này.

Đây cũng được xem là một lời cảnh tỉnh đối với phương Tây rằng số lượng tiền viện trợ thực chất hay mang động cơ chính trị không phải là vấn đề quan trọng nhất, mà tiêu chí cao nhất đối với viện trợ nước ngoài là đem lại hiệu quả. Chiến lược viện trợ của Trung Quốc hiện nay trái ngược với cách tiếp cận của phương Tây, nhưng được cho là có hiệu quả hơn do đạt được các mục tiêu phát triển và "thông thoáng hơn".

TTK
Tại sao Trung Quốc chưa dám đụng độ Mỹ?
Tại sao Trung Quốc chưa dám đụng độ Mỹ?

Mặc dù trong thời gian qua Trung Quốc đã rất nỗ lực "tiếp thêm máu" cho lực lượng vũ trang nước này nhưng xét trên tổng quan các khía cạnh thì Bắc Kinh vẫn chưa thể "gây sự" với Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN