Theo một bài viết của nhà bình luận Mike Whitney trên trang mạng CounterPunch mới đây, xung đột ở Syria không phải là một cuộc chiến theo đúng nghĩa truyền thống của từ này. Nó là một chiến dịch nhằm thay đổi chế độ, giống như ở Libya và Iraq.
Người chèo lái chính của cuộc xung đột trên là một quốc gia đã từng lật đổ hơn 50 chính phủ có chủ quyền kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Tất nhiên, chúng ta đang nói về Mỹ.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: EPA/TTXVN |
Washington là một nhà vô địch về thay đổi chế độ mà không một ai có thể sánh kịp. Thông qua công tác tuyên truyền và gắn với việc đổ lỗi một cách phù hợp, người dân Mỹ cho rằng đó chỉ là sự can thiệp và chính phủ của họ luôn làm điều đúng đắn.
Nhưng Mỹ đang làm điều sai trái ở Syria. Vũ trang, huấn luyện và tài trợ cho các phần tử cực đoan Hồi giáo – vốn đã khiến hàng nửa triệu người thiệt mạng, hơn 7 triệu người khác phải đi tị nạn và biến quốc gia Trung Đông này thành một vùng đất hoang không thể cư trú – không phải là một điều đúng đắn. Đó là điều vô đạo đức và Mỹ cũng can dự vào cuộc xung đột này với tất cả những lý do sai trái, trước hết là vì khí đốt.
Mỹ muốn dựng lên một chế độ bù nhìn ở Damascus để có thể bảo vệ hành lang đường ống ở phía Đông, giám sát quá trình vận chuyển các nguồn năng lượng dự trữ sống còn từ Qatar tới Liên minh châu Âu (EU), và đảm bảo rằng các nguồn dự trữ này tiếp tục bị chi phối bởi những đồng USD. Đây là công thức cơ bản để duy trì sự thống trị của Mỹ ở Trung Đông và mở rộng sự chi phối của Mỹ về quyền lực toàn cầu trong tương lai.
Cuộc chiến ở Syria đã không bắt đầu khi Chính phủ của Tổng thống Bashar al Assad đàn áp người biểu tình vào mùa Xuân năm 2011. Cuộc chiến đã thực sự bắt đầu vào năm 2009, khi ông Assad bác bỏ một kế hoạch của Qatar để vận chuyển khí đốt từ Qatar sang EU qua Syria. Như Robert F Kennedy Jr. đã giải thích trong bài viết "Syria: Cuộc chiến đường ống khác”: “Đường ống dài 1,500km trị giá 10 tỷ USD qua Saudi Arabia, Jordan, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ liên kết Qatar trực tiếp đến các thị trường năng lượng châu Âu thông qua thiết bị phân phối đầu cuối tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đường ống Qatar/Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cho phép vương quốc của người Sunni ở Vịnh Ba Tư thống trị thị trường khí đốt tự nhiên thế giới và tăng cường vị thế của Qatar, đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong thế giới Arab.
Năm 2009, ông Assad tuyên bố rằng ông sẽ từ chối ký thỏa thuận cho phép đường ống trên chạy qua Syria "để bảo vệ lợi ích của đồng minh Nga”. Ông Assad đã khiến các vương quốc dòng Sunni ở vùng Vịnh tức giận bằng cách ủng hộ một "đường ống Hồi giáo" của Nga chạy từ Iran qua Syria và đến các cảng của Liban. “Đường ống Hồi giáo” sẽ giúp cho Iran, thay vì Qatar, trở thành nhà cung cấp chính cho thị trường năng lượng châu Âu và tăng đáng kể ảnh hưởng của Tehran ở Trung Đông và trên thế giới.
Đương nhiên, Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã rất tức giận với ông Assad. Trong bối cảnh đó, Washington và các đồng minh đã quyết định tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm bí mật chống Damascus, tiêu diệt hoặc lật đổ ông Assad, và đảm bảo những “gã khổng lồ” dầu mỏ phương Tây sẽ giành được các hợp đồng đường ống khí đốt tương lai cũng như kiểm soát dòng chảy năng lượng cho châu Âu.
Ít nhất đó là một kế hoạch mà Kennedy tiết lộ: “Những bức điện tín và báo cáo bí mật của các cơ quan tình báo Mỹ, Saudi Arabia và Israel chỉ ra rằng thời điểm ông Assad từ chối dự án đường ống khí đốt của Qatar, các nhà lập kế hoạch quân sự và tình báo đã nhanh chóng đi đến sự đồng thuận rằng việc kích động một cuộc nổi dậy của người Sunni ở Syria nhằm lật đổ ông Assad là một con đường khả thi để đạt được các mục tiêu chung trong việc hoàn tất sự liên kết khí đốt Qatar/Thổ Nhĩ Kỳ”. Theo WikiLeaks, năm 2009, ngay sau khi ông Assad bác bỏ đường ống Qatar, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bắt đầu tài trợ cho các nhóm đối lập ở Syria.
Như vậy, thời điểm Tổng thống Syria Assad từ chối đường ống Qatar, ông đã ký vào “bản án tử hình” của chính mình. Hành động đơn lẻ đó là chất xúc tác cho sự can thiệp của Mỹ, mà sau đó đã làm biến đổi một quốc gia có nền văn minh 5.000 năm thành một nơi hoang vắng như Fallujah với những phần tử sát nhân cuồng tín do những cơ quan tình báo của Mỹ và đồng minh tuyển chọn và hậu thuẫn.
May mắn thay, Tổng thống Syria Assad - với sự giúp đỡ của Iran, Hezbollah và các cuộc không kích của Nga - đã đánh bật các nỗ lực nhằm lật đổ ông và dựng lên một chế độ bù nhìn của Mỹ. Điều này nên được coi không chỉ là một sự chứng thực rõ ràng về vai trò lãnh đạo của ông Assad, mà còn khẳng định nguyên tắc rằng an ninh toàn cầu phụ thuộc vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia cơ bản, và rằng nền tảng của luật pháp quốc tế phải không cho phép một sự xâm lược vô cớ. Thực tế là, không có sự khác biệt giữa các cuộc xâm lược của Chính quyền Bush ở Iraq và cuộc xâm lược của Syria của Chính quyền Obama. Các vấn đề phẩm giá, đạo đức và pháp lý đều giống nhau, sự khác biệt duy nhất là Chính quyền Obama đã thành công hơn trong việc gây nhầm lẫn cho người dân Mỹ về những gì đang thực sự xảy ra.
Và những điều đang diễn ra ở Syria là nhằm thay đổi chế độ. "Ông Assad phải đi" - đó là câu "thần chú" của chính quyền Obama. Chính quyền Mỹ đang tìm cách lật đổ một chế độ thế tục được bầu dân chủ nhưng không chịu khuất phục trước yêu cầu của Washington để cung cấp quyền tiếp cận các hành lang đường ống nhằm tiếp tục tăng cường sự thống trị của Mỹ trong khu vực. Có lẽ Washington không quan tâm nhiều đến vấn đề Nhà nước Hồi giáo (IS) hay việc “ông Assad là một nhà độc tài” cũng như sự “thống khổ của người dân ở Aleppo”.
Điều mà Mỹ quan tâm là dầu, năng lượng và tiền. Như Kennedy kết luận: “Chúng ta phải thừa nhận cuộc xung đột Syria là một cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên, không thể tách biệt khỏi các cuộc chiến tranh dầu bí mật và không được công bố mà chúng ta đã và đang chiến đấu ở Trung Đông trong 65 năm. Và chỉ khi chúng ta coi cuộc xung đột này là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm liên quan đến một đường ống dẫn khí đốt, các sự kiện sẽ trở nên dễ hiểu”.