Bán đảo Triều Tiên tiếp tục trở thành điểm “nóng” địa chính trị với một loạt diễn biến phức tạp, mặc dù đan xen giữa căng thẳng là những tín hiệu tích cực bất ngờ.Những tín hiệu tích cựcTrong một động thái bất ngờ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên Hwang Pyong So cùng hai Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên là Choe Ryong-Hae và Kim Yang-Gon đã có chuyến thăm Hàn Quốc ngày 4/10 và tham dự Lễ bế mạc Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 17 (ASIAD 17) tại Incheon. Trong khuôn khổ chuyến thăm, phái đoàn Triều Tiên đã có các cuộc hội đàm với giới chức Hàn Quốc, trong đó có Cố vấn an ninh cấp cao nhất của Tổng thống Hàn Quốc Kim Kwan-Jin và Bộ trưởng Thống nhất Ryoo Kihl-Jae.
Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-Jin (trái) hội đàm với ông Kim Yang-Gon (thứ ba, phải); Hwang Pyong So (thứ hai, phải) và ông Choe Ryong-Hae (phải) tại cuộc hội đàm cấp cao ngày 3/10 ở Seoul. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao nhất trong vòng nhiều năm qua giữa hai nước mà trên lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh này. Việc ông Hwang Pyong So, nhà lãnh đạo được coi “quyền lực số 2” tại Triều Tiên, đến thăm Hàn Quốc đã làm dấy lên hy vọng về một bước đột phá mới trong quan hệ liên Triều sau nhiều năm căng thẳng. Hình ảnh ông Hwang Pyong So trong trang phục nhà binh ngồi bên cạnh Thủ tướng Hàn Quốc Jung Hong-won dự khán Lễ bế mạc ASIAD 17 là hình ảnh có ý nghĩa lớn, có lẽ tích cực nhất trong quan hệ song phương kể từ các Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều vào những năm 2000 và 2007.
Tiếp sau chuyến thăm của đoàn lãnh đạo cấp cao Đảng Lao động Triều Tiên, các quan chức quân sự cấp cao của Triều Tiên và Hàn Quốc ngày 15/10 đã tiến hành cuộc đàm phán quân sự cấp tướng kéo dài 5 giờ tại làng đình chiến Panmunjom. Đại diện đàm phán phía Hàn Quốc gồm quan chức phụ trách kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Quốc phòng, Chuẩn tướng Moon Sang-gyun và quan chức cấp cao Bộ Thống nhất Kim Ki-woong.
Theo nguồn tin quân sự và từ một nghị sĩ đối lập Hàn Quốc, cuộc hội đàm tập trung thảo luận những nỗ lực nhằm “hạ nhiệt” tình hình căng thẳng quân sự tại khu vực biên giới giữa hai nước và vấn đề các nhóm hoạt động rải truyền đơn chống phá Bình Nhưỡng. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok cho biết phái đoàn Triều Tiên đã yêu cầu Hàn Quốc ngăn chặn việc các nhà hoạt động rải truyền thông chỉ trích nhà lãnh đạo Kim Châng Un qua biên giới. Hai bên tiếp tục bế tắc về vấn đề Đường Ranh giới phía Bắc (NLL), hải giới tranh chấp giữa hai miền ở Hoàng Hải. Theo ông Kim Min-seok, “với mong muốn của cả hai miền cải thiện quan hệ song phương, cuộc đối thoại đã diễn ra trong bầu không khí nghiêm túc… Do đây mới là cuộc tiếp xúc đầu tiên, nên hai bên chưa thể thu hẹp các bất đồng”.
Vẫn xung đột trên thực địaTuy nhiên, bất chấp những động thái tích cực trên mặt trận ngoại giao, quan hệ giữa hai miền Triều Tiên thời gian qua tiếp tục bị “phủ bóng đen” bởi một loạt vụ đụng độ quân sự trên biên giới. Chỉ 3 ngày sau chuyến thăm của Tướng Hwang Pyong So, các lực lượng hải quân của Triều Tiên và Hàn Quốc đã đấu súng gần đường ranh giới đang tranh chấp trên Hoàng Hải. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cáo buộc một tàu tuần tra Triều Tiên đi vào khu vực cách NLL khoảng 1 km về phía Nam.
Tiếp đó, giữa hai bên lại xảy ra vụ đấu súng qua biên giới trên bộ hôm 10/10 sau khi binh sĩ Triều Tiên tìm cách bắn hạ những quả bóng bay mang truyền đơn chống Bình Nhưỡng. Không có thông tin về thương vong hay thiệt hại, song vụ đấu súng kéo dài gần 20 phút này làm nổi bật tình trạng căng thẳng leo thang giữa hai nước. Tình hình trên thực địa “nóng” tới mức quân đội Triều Tiên đã kéo các khẩu pháo tầm xa ra khỏi hầm chứa để chờ khai hỏa, trong khi phía Hàn Quốc ra lệnh cho các máy bay tiêm kích F-15K trang bị tên lửa không đối đất tại Căn cứ Không quân Daegu sẵn sàng đợi lệnh xuất kích.
Triều Tiên cũng cảnh báo Hàn Quốc sẽ phải đón nhận "kết cục bi thảm" nếu không ngăn chặn hoạt động rải truyền đơn chống phá Bình Nhưỡng. Triều Tiên cho rằng đây là hành động khiêu khích "có chủ ý", đồng thời yêu cầu Hàn Quốc ngăn chặn hoạt động này. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã bác bỏ yêu cầu của Bình Nhưỡng khi cho rằng các nhà hoạt động có quyền tự do bày tỏ chính kiến. Chính phủ Hàn Quốc cũng ra lệnh cho quân đội nước này đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ, đồng thời gửi công hàm phản đối việc Triều Tiên bắn các quả bóng bay.
Đến ngày 19/10, hai bên tiếp tục xảy ra giao tranh chớp nhoáng trong khoảng 10 phút qua đường biên giới trên bộ. Theo hãng tin Yonhap, vụ đấu súng này xảy ra tại khu vực biên giới thuộc thành phố Paju (tỉnh Gyeonggi) khi một nhóm lính tuần tra biên giới của Hàn Quốc phát hiện thấy một tốp lính tuần tra Triều Tiên tiến gần Đường ranh giới quân sự liên Triều (MDL). Hàn Quốc ra cảnh cáo sau đó nổ súng và phía Triều Tiên đáp trả trước khi rút lui.
Trong bối cảnh cẳng thẳng giữa hai miền Triều Tiên liên tục có những diễn biến “nóng - lạnh” đan xen và dường như chưa có tín hiệu hạ nhiệt như vậy, Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lim Byeong-cheol ngày 20/10 tuyên bố vẫn hy vọng nối lại cuộc đàm phán cấp cao với Triều Tiên vào cuối tháng 10 này. Điều này phản ánh lập trường của chính quyền Tổng thống Park Geun-hye thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên bất chấp căng thẳng. Phát biểu tại cuộc họp toàn thể lần thứ hai của Ủy ban trù bị cho việc thống nhất bán đảo Triều Tiên mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng nói rằng Seoul luôn mở rộng cánh cửa đối thoại với Triều Tiên. Tuy nhiên, bà cũng khẳng định Hàn Quốc sẵn sàng đối phó với những hành động mà bà gọi là "khiêu khích" của Bình Nhưỡng.
Nhận định về triển vọng trong quan hệ liên Triều, giới chuyên gia cho rằng dù còn nhiều bất đồng nhưng đây vẫn đang là thời điểm rất thuận lợi cho đàm phán. Koh Yu-hwan, Giáo sư chuyên nghiên cứu về Triều Tiên của Đại học Dongguk, nhận định quan hệ liên Triều đang ở thời điểm quyết định và “việc tạo môi trường đối thoại cho lần sau sẽ gặp rất nhiều trở ngại”. Cheong Seong-chang, nhà phân tích hàng đầu tại Viện Sejong ở Seoul, thì cho rằng Triều Tiên và Hàn Quốc khó có thể tiến tới một thỏa thuận chi tiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, sự kiện các quan chức quân sự hàng đầu của hai bên ngồi lại với nhau trong tuần qua và có những cuộc thảo luận nghiêm túc đã thể hiện thiện chí cải thiện quan hệ liên Triều, rõ ràng là tín hiệu tích cực cho cuộc gặp cấp cao tiếp theo.
Thanh Tuấn