Với hàng chục nghìn bộ váy tồn trong kho, ông chủ Huang Weijie biết rằng mình cần phải nghĩ ra một hình thức kinh doanh khác nếu muốn sống sót trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu này. Chính vì vậy, mỗi ngày, ông đều đặt hàng lên ô tô chạy đến các điểm bán rong và bán tại các gian hàng đặt tạm bên đường.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), những nhà doanh nghiệp nhỏ lẻ khác của Trung Quốc đều chung ý tưởng giống ông Huang.
Trong nhiều năm qua, giới chức Trung Quốc luôn ngăn cấm các hình thức bán rong trên hè phố để giữ gìn trật tự an ninh cũng như cảnh quan đô thị.
Tuy nhiên, vào tháng trước, Chính phủ Trung Quốc dường như nới lỏng quy định đối với hình thức kinh doanh này khi đang thúc đẩy khôi phục nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Thủ tướng Lý Khắc Cường thậm chí còn ca ngợi chính quyền thành phố Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) vì đã tạo “100.000 công ăn việc làm khi thành lập 36.000 cửa hàng bán rong”.
Đối với ông Huang, hình thức kinh doanh bán rong là “pháo cứu sinh” cho nhà máy của ông trong thời điểm này.
“Tôi đã từng nghĩ đến việc đóng cửa nhà máy, nhưng sự ủng hộ của Thủ tướng Lý Khắc Cường đối với ‘kinh tế bán rong’ khiến chúng tôi muốn thử sức trong lĩnh vực mới. Hiện tôi có hàng chục nghìn chiếc váy tồn kho từ cuối năm ngoái”, ông Huang cho hay.
Trên chiếc ô tô Toyota trắng chất đống những bộ trang phục rực rỡ sắc màu, ông chủ Huang lái xe tới các điểm bán lẻ tại một vài thành phố như Quảng Châu, Đông Hoản hay Trung Sơn của tỉnh Quảng Đông.
Ông Huang hy vọng hình thức kinh doanh này có thể trở thành một kênh để duy trì dòng tiền lưu thông ổn định, giúp nhà máy của ông duy trì hoạt động trong năm nay, thay vì phải đóng cửa vĩnh viễn.
Liang Lu – chủ tịch một hiệp hội nhà máy tại Đông Hoản, cho biết nhiều nhà sản xuất đã buộc phải đóng cửa vì công việc kinh doanh trì trệ.
“Tuần trước, một nhà máy sản xuất tất đã tìm tới chúng tôi để nhờ giúp bán 4 triệu đôi tất tồn kho. Tuần này, tiếp tục một nhà máy khác với hàng chục nghìn đôi tất có tổng trị giá 16 triệu nhân dân tệ (NDT) kêu cứu. Nhiều mặt hàng xuất khẩu đang ùn ứ trong kho chứa của nhà máy”, ông Liang cho hay.
Trước tình hình nhu cầu sụt giảm, các doanh nghiệp đang lao vào những cuộc chiến cạnh tranh nhau về giá để tiêu thụ sản phẩm. “Khi một công ty bắt đầu hạ giá chiếc váy mùa hè xuống chỉ còn 40 NDT, công ty khác hạ xuống 35 NDT và những người khác sẵn sàng bán với giá 30, thậm chí là 20 NDT. Nhưng kể cả bán hàng ở mức giá thấp, doanh thu vẫn không đáng là bao”, ông Huang chia sẻ.
Thuê một căn hộ nhỏ tại khu Xiaolan (thành phố Trung Sơn) với giá 350 NDT/tháng trong đó đồ đạc duy nhất là chiếc giường, ông Huang bắt đầu công cuộc tìm các tụ điểm bán rong nằm trong phạm vi cách nơi ở 20km.
“Thực tế, tôi đang tìm hiểu thị trường và đánh dấu trên bản đồ các điểm bán lẻ gần đây, những nơi mà người lao động tỉnh lẻ đến làm việc và sinh sống. Mỗi gian hàng bán rong ở đây có diện tích 6m2, giá thuê rơi vào khoảng 400-600 NDT/tháng. Có những điểm tôi bán được 500 NDT/đêm, có nơi chỉ 200 NDT. Doanh thu tùy thuộc vào khu vực đấy có nhiều nhà máy hoạt động hay không”, Huang giải thích.
Theo dự báo của ông Simon Zhao – trưởng khoa khoa học xã hội và nhân văn tại Đại học Quốc tế Chu Hải, các nhà máy ở Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng cửa do nhu cầu trong nước và quốc tế vẫn ở mức thấp trong những tháng tới. "Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn cho đến khi năng lực sản xuất cân bằng với nhu cầu của thị trường", chuyên gia Zhao kết luận.