Theo bài viết, Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ với công cuộc Đổi mới triển khai từ năm 1986, chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những cải cách này nhanh chóng thúc đẩy nền kinh tế và thu hút các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn. Nếu trước đây, Việt Nam phải nhập khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu trong nước thì đến năm 1989 đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới.
Trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam thể hiện là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, với những đóng góp tích cực được quốc tế ghi nhận, đặc biệt là trong ASEAN. Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại song phương, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và gần đây là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Năm 2019, Việt Nam đóng vai trò trung gian trong ngoại giao toàn cầu với việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội. Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và khống chế thành công đại dịch COVID-19. Trên thực tế, Việt Nam được ca ngợi là một trong những nước chống dịch hiệu quả nhất thế giới, với các biện pháp truy tìm nguồn bệnh nhanh và quy mô lớn cũng như khả năng huy động toàn xã hội chung sức chống dịch.
Theo tác giả, những yếu tố này cho thấy Việt Nam đang trên hành trình trở thành một cường quốc tầm trung, thể hiện qua vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển công nghệ 5G.
Lợi thế của Việt Nam là khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng vững chắc cùng với lực lượng lao động dồi dào với mức lương thấp. Các tập đoàn Nike và Samsung đã gia công sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam trong nhiều năm và gần đây Apple cũng bắt đầu lắp ráp tai nghe AirPod ở Việt Nam.
Trong phát triển công nghệ, Việt Nam đã xây dựng cơ sở hạ tầng của riêng mình và dường như sẵn sàng triển khai để đưa vào khai thác thương mại mạng 5G trong năm 2021. Tập đoàn Viettel đã hợp tác với Ericsson để xây dựng công nghệ 5G của riêng mình và có kế hoạch mở rộng cung cấp dịch vụ sang Myanmar, Lào và Campuchia.
Việt Nam cũng đã cung cấp dịch vụ Internet giá rẻ cho người dân, đồng thời hướng tới mục tiêu trở thành một nhân tố quan trọng trong thương mại điện tử và các phương thức thanh toán trực tuyến. Sau Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE, Viettel là nhà sản xuất thứ sáu trong cuộc đua 5G, một kết quả ấn tượng đối với một quốc gia mà 40 năm trước còn trong tình trạng thiếu lương thực.
Bài báo kết luận Việt Nam đang ngày càng vươn lên như một cường quốc tầm trung trong khu vực, hội nhập tốt vào nền kinh tế thế giới và là một trong những số ít quốc gia có thể tự xây dựng công nghệ 5G. Việt Nam đã tiến những bước dài để trở thành một điểm đến đầy tiềm năng.