Bạo động tại Ai Cập qua lăng kính người Việt

Tiếng súng nổ, tiếng la hét, tiếng máy bay phản lực và máy bay chiến đấu văng vẳng bên tai... là những điều ám ảnh anh Phạm Phú Đạt - một người Việt Nam học tập và sinh sống tại thủ đô Cairô của Ai Cập - nơi đang hỗn loạn vì cuộc biểu tình kéo dài 13 ngày qua.

"Mấy ngày gần đây, tôi liên tục nghe thấy tiếng súng nổ ở khắp mọi nơi và bom xăng được ném liên tiếp từ các tòa nhà cao tầng xuống đám đông người biểu tình. Tiếng xe tăng, xe bọc thép của quân đội chạy rầm rập trên phố. Lệnh giới nghiêm vẫn được duy trì từ 5 giờ chiều đến 7 giờ sáng hôm sau, song dường như chẳng ai tuân lệnh. Xã hội Ai Cập bỗng chốc trở thành một mớ hỗn độn", anh Đạt kể.

Những người biểu tình mang theo ảnh nhà báo Ahmed Mohammed Mahmud (bị chết trong cuộc xung đột giữa phe người ủng hộ và phe chống Chính phủ Ai cập ngày 4/2) xuống đường bày tỏ sự phản kháng của mình.

Rất may là trong bối cảnh các cuộc biểu tình lan ra khắp các tỉnh, thành trên khắp đất nước Kim tự tháp, cho đến thời điểm này, cộng đồng người Việt Nam ở Ai Cập vẫn bình yên.

Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Phạm Sĩ Tam đã kịp thời có các chỉ đạo trực tiếp đến từng cơ quan đại diện cũng như mọi công dân người Việt phải bảo đảm an toàn tối đa về tính mạng và tài sản cơ quan, tránh không ra nơi đông người nếu không cần thiết và phải báo cáo ngay Đại sứ quán khi gặp bất trắc để được bảo vệ.

Với Ai Cập, các cuộc biểu tình trong những ngày qua đã dẫn đến nhiều mất mát cả về người và của. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, tính đến nay đã có hơn 300 người chết và gần 1.000 người bị thương. Chưa hết, bạo loạn đã tạo điều kiện cho hàng trăm tù nhân ở các trại giam tổ chức phá ngục, tràn ra khắp đường phố, đe dọa an ninh xã hội.

Theo ước tính của chính phủ Ai Cập, nền kinh tế nước này đã bị thiệt hại gần 10 tỷ USD kể từ khi bắt đầu cuộc bạo loạn, riêng ngành du lịch, một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ yếu, đã thiệt hại hơn 1 tỷ USD.

Theo anh Phạm Phú Đạt, những hàng người xếp dài dằng dặc trước các cửa hàng bán bánh mỳ là hình ảnh dễ bắt gặp nhất sau các đám đông biểu tình ở Cairô trong những ngày này.

Hệ thống siêu thị Carrefour của Pháp có 2 cơ sở tại thủ đô Cairô thì một đã bị cướp bóc đập phá, buộc cơ sở còn lại phải đóng cửa. Siêu thị Hyper One nằm ở ngoại ô Cairô, một trong những siêu thị lớn nhất nơi đây, đã bị đốt cháy.


Để cứu vãn tình thế, Bộ Tài chính Ai Cập vừa quyết định chi 1,3 tỷ bảng để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường. Có lẽ nhờ thế, giá hàng hóa không bị tăng cao, hoặc thậm chí vẫn giữ nguyên, chỉ có điều là… khó tìm.

Anh Đạt cũng cho biết, phần lớn các cuộc biểu tình chỉ diễn ra vào tối và đêm, còn ban ngày, các hoạt động xã hội vẫn diễn ra bình thường, tất nhiên ở mức độ ít hơn rất nhiều so với thường nhật. Một số cửa hiệu vẫn mở cửa, xe taxi và xe buýt vẫn hoạt động.


Phần lớn người dân Ai Cập ở các tầng lớp khác nhau, từ doanh nhân, lái xe taxi đến lao công khi được hỏi về cuộc bạo loạn đang diễn ra trên đất nước này đều khẳng định các cuộc chém giết, đập phá, đốt cửa hàng, công sở đều là do các thành phần xấu gây nên.


Còn những người dân Ai Cập chân chính chỉ biểu tình trong hòa bình, muốn chính phủ đáp ứng các nhu cầu về tự do, dân chủ, giảm đói nghèo của họ.

Họ cũng bày tỏ nỗi lo ngại về việc các cuộc đụng độ kéo dài, gây ra tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Ai Cập, cũng như hình ảnh của quốc gia này trong mắt bạn bè quốc tế.

TTXVN

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN