Làn sóng bạo động tại Trung Đông được đánh giá là cơn “địa chấn” chính trị khủng khiếp đối với địa chính trị thế giới Arập. Giới phân tích phương Tây cho rằng, tuy thời kỳ đầu làn sóng này cũng tràn vào Iran, song tác động của nó rất nhỏ, thậm chí hiện nay còn mang lại không ít lợi ích cho quốc gia Hồi giáo này.
Theo mạng “Đa chiều” ngày 21/4, chỉ mới năm ngoái, vấn đề hạt nhân của Iran vẫn còn hết sức căng thẳng, song cùng với tình hình chính trị bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi, Têhêran tạm thời không còn là tiêu điểm công kích của phương Tây. Iran nhờ đó cũng có một “không gian để thở” và điều chỉnh lại chính sách với các nước trong khu vực. Từ trước đến nay, để cô lập Têhêran, Mỹ và các nước phương Tây luôn tìm cách tạo dựng hình ảnh Iran như một “nguy cơ tiềm ẩn” đe dọa an ninh khu vực, song nay các nước Arập dường như đã bớt e ngại “nguy cơ tiềm ẩn” này khi họ đang phải đối mặt với “nguy cơ hiện hữu” đến từ bên ngoài.
Đài truyền hình quốc gia Iran ngày 19/4 đưa tin, sau cuộc hội đàm giữa hai ngoại trưởng của Iran và Ai Cập, chính phủ Iran đã quyết định bổ nhiệm ông Ali Akbar Sibuyen làm Đại sứ Iran tại Ai Cập. Ông Sibuyen sẽ trở thành Đại sứ đầu tiên của Iran tại Ai Cập sau 30 năm hai bên gián đoạn quan hệ ngoại giao. Trước đó, hồi tháng 2, tàu chiến Iran đã lại được đi qua kênh đào Suez lần đầu tiên kể từ năm 1979. Đây được xem là lợi ích thiết thực nhất mà Têhêran có được từ việc cải thiện quan hệ ngoại giao với Ai Cập.
Sau khi Tổng thống Ai Cập Mubarak từ chức, một số nhà phân tích Trung Đông nhận định, rất có thể Iran và Ai Cập sẽ sớm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngoại trưởng Iran Salehi hồi cuối tháng 3 vừa qua cũng bày tỏ rằng, Ai Cập và Iran có lịch sử quan hệ từ lâu, hy vọng tình hình mới có thể nâng cao quan hệ của hai nước lớn này trong khu vực. Tiếp đó, ngày 6/4, Ủy ban An ninh Quốc gia Iran cũng đã đồng ý nâng cấp quan hệ ngoại giao với Ai Cập và đang tiến hành nghiên cứu các vấn đề liên quan để đưa ra ý kiến về việc tạo cơ sở thiết lập quan hệ giữa hai nước…
Giới phân tích có chung nhận định rằng, việc Ai Cập bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ ngoại giao với Iran chính là một biểu hiện quan trọng trong việc điều chỉnh chính sách ngoại giao của nước này. Quan hệ ngoại giao Iran - Ai Cập bị gián đoạn từ cuối những năm 1970 là do Cairô muốn cầu hòa Ixraen, thu nhận Quốc vương Pahlavi bị Iran phế truất… Ngoài ra, các hành động thân Mỹ và Ixraen của Ai Cập trong các vấn đề Trung Đông những năm qua cũng khiến Iran bất mãn.
Ai Cập và Iran đều là những nước lớn trong khu vực. Mặc dù đều tranh giành ảnh hưởng tại khu vực, song về bản chất hai nước này không có xung đột lớn. Đội ngũ ngoại giao mới của Ai Cập cho rằng, kẻ thù hàng đầu của các nước Arập tại Trung Đông là Ixraen chứ không phải Iran, quan điểm này đã gạt mọi trở ngại trong việc hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao. Sự xích lại gần nhau giữa Iran và Ai Cập khiến Ixraen có khả năng bị Ai Cập đối xử lạnh nhạt hơn.
Theo các nhà phân tích ở Trung Đông, trên thực tế, việc Ai Cập và Iran liên kết kiềm chế Ixraen là kết quả từ ý chí của cả hai bên. Với liên kết này, Iran có thể tăng cường sự chuẩn bị và cơ sở trong đàm phán và quan hệ với phương Tây; Ai Cập cũng có thể thông qua quân bài Iran để nâng cao vị thế của mình trong khu vực, giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ.
Quan hệ giữa Iran với các nước vùng Vịnh hiện nay khá căng thẳng vì Têhêran bị chỉ trích là can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Trong chuyến thăm Arập Xêút của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hôm 6/4, hai bên cũng đã đề cập đến vấn đề Iran. Ai Cập phát triển quan hệ với Iran tất nhiên sẽ phải đối mặt với sự chú ý theo dõi, thậm chí là chỉ trích, từ các nước vùng Vịnh. Ai Cập sẽ đối phó với vấn đề này thế nào, làm thế nào để cân bằng và bảo vệ lợi ích trong mối quan hệ phức tạp và rắc rối này? Đây thực sự sẽ là một cuộc khảo nghiệm lớn đối với ngoại giao Ai Cập.
Tất cả các dấu hiệu vừa qua đều cho thấy, việc Iran và Ai Cập nâng cấp quan hệ ngoại giao chỉ còn là vấn đề sớm hay muộn. Vấn đề hiện nay được dư luận quan tâm là việc khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước này liệu có mang ý nghĩa rằng Iran cũng đang thay đổi chính sách ngoại giao, nhất là đối với Mỹ, hay không? Phải chăng Iran đang tìm cách thay đổi mối quan hệ với Mỹ? Mặc dù ông Mubarack đã từ chức, song Ai Cập vẫn là một nước thân Mỹ trong khu vực và Mỹ vẫn là nước hỗ trợ chủ yếu cho Ai Cập.
Thành Dương (P/v TTXVN tại Hồng Công)