Cả Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Syria đều đang phát đi những thông điệp cảnh báo đanh thép, không nhân nhượng trong bối cảnh ngoại giao để giải quyết mâu thuẫn cho đến nay vẫn chưa giúp tình hình trên thực địa dịu bớt.
Các cuộc tấn công trực tiếp giữa lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cũng như tranh cãi gay gắt giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều gắn liền với những cáo buộc vi phạm thỏa thuận Sochi tháng 9/2018 về thiết lập khu phi quân sự tại tỉnh Idlib, nơi được xem là thành trì cuối cùng của lực lượng khủng bố và phiến quân ở Syria.
Trên thực tế, thời điểm tháng 9/2018, việc lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc gặp trực tiếp ở Sochi (Nga) nhất trí thiết lập một khu phi quân sự giữa quân đội chính phủ Syria và lực lượng đối lập ở tỉnh Idlib được xem là một giải pháp mang tính thỏa hiệp để Damascus ngừng chiến dịch tấn công các tay súng phiến quân khủng bố tại tỉnh giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ này. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được cho là hậu thuẫn nhiều nhóm phiến quân ở Idlib, phải có biện pháp bảo đảm các tay súng chống đối cực đoan rời khỏi khu vực phi quân sự này trước hạn chót là ngày 15/10/2018 để lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào tuần tra chung. Tuy nhiên, đến ngày 15/10/2018, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại London (Anh) cho biết không có tay súng nào rời khỏi vùng phi quân sự tại tỉnh Idlib, trong khi nhóm thánh chiến lớn tại Idlib tuyên bố “tiếp tục chiến đấu”.
Sau hơn 1 năm kể từ khi thỏa thuận Sochi được triển khai, tình hình Idlib vẫn diễn biến bất ổn. Cuối năm 2019, Chính phủ Syria phát động chiến dịch tấn công các lực lượng chống đối tại tỉnh Idlib nhằm giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ.
Mâu thuẫn leo thang khi Thổ Nhĩ Kỳ phản đối mạnh mẽ chiến dịch, đòi quân đội Syria rút khỏi các vị trí như thỏa thuận Sochi, còn Nga và Syria cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện nghĩa vụ tách những tay súng khủng bố khỏi lực lượng phiến quân đối lập ở Idlib và tiếp tục cung cấp vũ khí cho những kẻ này tấn công quân đội Syria. Ankara đã tăng cường lực lượng tại Idlib và đối đầu trực tiếp với quân đội Syria.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ cũng quay sang Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà Ankara là thành viên, yêu cầu hậu thuẫn. Với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Washington cung cấp các hệ thống phòng không Patriot, đồng thời tuyên bố mở cửa biên giới với Bulgaria và Hy Lạp cho người tị nạn tràn vào châu Âu để gây sức ép với NATO và EU
Giải phóng thành phố Idlib có ý nghĩa chiến lược to lớn đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad Nga yểm trợ, từ năm 2015, chính quyền Tổng thống Assad đã tiến hành thành công chiến dịch tấn công quân sự nhằm vào lực lượng khủng bố thánh chiến và đối lập trên cả nước, giành lại lãnh thổ và củng cố quyền lực. Tàn quân khủng bố và các nhóm phiến quân chạy về Idlib.
Hiện nay, Idlib do một loạt các nhóm đối lập kiểm soát, song mạnh nhất là tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS), vốn là một phe lớn tách ra từ chi nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda tại Syria năm 2017, cùng Mặt trận giải phóng quốc gia (NLF), một liên minh được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Giành lại Idlib và loại bỏ tất cả các phe nhóm đối lập vũ trang ở tỉnh này sẽ cho phép Tổng thống Assad tuyên bố chiến thắng và chấm dứt cuộc xung đột tại Syria.
Trong khi đó, hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria nhằm vào 3 mục tiêu chính. Trước tiên là chống các tay súng người Kurd nhằm ngăn chặn việc thành lập một khu tự trị của người ở miền Bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng một khu tự trị như vậy có thể “truyền cảm hứng” cho các khu vực có đông người Kurd sinh sống ở Đông Nam nước này theo đuổi tham vọng tương tự. Mục tiêu thứ hai là hỗ trợ các nhóm Hồi giáo thánh chiến để thông qua lực lượng này buộc Tổng thống Assad phải ra đi và thành lập một "chính phủ Hồi giáo" ở Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Kỳ Rexep Tayyip Erdogan hy vọng điều này sẽ mở rộng ảnh hưởng chính trị của ông ở Trung Đông cũng như tăng cường vai trò chi phối của đạo Hồi tại khu vực.
Mục đích thứ ba của Tổng thống Erdogan là duy trì quyền lực suốt 18 năm qua ở Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh tình hình trong nước không thuận lợi do suy thoái kinh tế, bất ổn an ninh và đấu đá phe phái. Cuộc chiến ở Syria có thể “đánh lạc hướng” những chỉ trích nhằm vào ông ở trong nước và đảm bảo sự ủng hộ đối với đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền. Chính vì thế, Tổng thống Erdogan đã ký thỏa thuận Sochi để cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập các trạm kiểm soát ở Idlib.
Về phần mình, chiến lược của Nga ở Syria rõ ràng ngay từ đầu - đó là ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad cho đến khi giành lại quyền kiểm soát trên toàn bộ lãnh thổ. Syria là đồng minh chủ chốt của Moskva ở khu vực Trung Đông, Nga có căn cứ quân sự trên lãnh thổ Syria và cũng đã đầu tư các nguồn lực khổng lồ để hỗ trợ Damascus. Việc hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Assad đồng nghĩa với bảo vệ lợi ích của Nga ở Syria và Trung Đông, cũng như giúp Moskva củng cố ảnh hưởng trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, có thể nói điểm nóng Idlib được coi là “thuốc thử” đối với quan hệ đồng minh có điều kiện Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như đối với “thế kiềng ba chân” giữa Nga - Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy đẩy mạnh tấn công trên thực địa song Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tính đến sức mạnh quân sự của Moskva ở Syria, và có vẻ vẫn cố tránh đối đầu trực tiếp với Nga tại Idlib.
Dưới thời Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang theo đuổi đường lối đối ngoại gần gũi với Nga để lấy đó làm đòn bẩy đối trọng với Mỹ và châu Âu, đồng thời thể hiện vai trò của quốc gia này. Nhìn chung, có thể thấy mối quan hệ Nga vẫn đang tốt đẹp, các lợi ích của hai nước vẫn bổ sung cho nhau. Bằng chứng là Thổ Nhĩ Kỳ vừa mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 hiện đại của Nga, bất chấp phản ứng quyết liệt của Mỹ; Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mới khai trương tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” mà phương Tây phản đối, và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu vẫn đang được tập đoàn Rosatom của Nga tích cực xây dựng tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Hợp tác Nga - Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria lâu nay mang tính thực dụng cao. Ankara tham gia vòng đàm phán Astana với Nga và Iran để có tiếng nói trong quá trình tìm kiếm giải pháp cuối cùng chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria. Dù các mối quan hệ mong manh ngay từ đầu, song Syria, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã rất thận trọng trên bàn ngoại giao và thiết lập một “thế chân kiềng” đủ mạnh để cân bằng quyền lực với sự can dự của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, tại Syria nói riêng, và xa hơn nữa là ở khu vực Trung Đông.
Việc Nga chấp thuận thỏa thuận Sochi tháng 9/2018 để hoãn vô thời hạn chiến dịch tấn công của quân đội Syria ở Idlib, có thể xuất phát từ thực tế rằng khi đó Moskva không muốn Thổ Nhĩ Kỳ tách rời định dạng Astana. Đối với Nga, điều quan trọng là duy trì quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ về thương mại - kinh tế, mà còn bảo lưu sự hợp lực chính trị và quân sự trong các vấn đề khu vực. Song từ thời điểm đó, tình hình đã có nhiều thay đổi khi Nga có tầm ảnh hưởng và vai trò nổi trội trong vấn đề Syria.
Với Mỹ, dù đã triển khai hàng trăm binh sĩ tới Syria, Lầu Năm Góc chủ yếu vẫn đứng bên lề cuộc chiến ở Idlib. Từ khi can dự vào cuộc xung đột này, Mỹ luôn công khai quan điểm lật đổ chế độ hiện nay tại Syria, ủng hộ cũng như huấn luyện và vũ trang các nhóm đối lập ở quốc gia Trung Đông chống đối chính quyền Tổng thống Assad. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, Washington có lẽ tạm thời giữ vai trò quan sát các bên để “ngư ông thủ lợi” và sẽ can thiệp khi thời cơ đến.
Có thể thấy Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, và cả Iran nữa đang ở giai đoạn “đồng sàng dị mộng” tại Idlib. Sự giao thoa hay xung đột lợi ích của các nước này ở Syria là điều không thể tránh khỏi. Có vẻ mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ các nước này có thể chấp nhận nhượng bộ vì những lợi ích lớn hơn hay không, tương tự như câu chuyện thỏa hiệp giữa lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Sochi tháng 9/2018. Câu trả lời có thể xuất hiện sau cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến diễn ra ở Moskva ngày 5/3 tới.