Theo tờ Washington Post, Cuba đang phát triển 5 loại vaccine COVID-19, trong đó hai loại đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Cuba đặt mục tiêu triển khai tiêm chủng rộng rãi vào tháng 5 tới.
Nếu thành công, các vaccine của Cuba sẽ là chiến thắng về năng lực y khoa, chứng minh quốc đảo 11 triệu dân này có thể vượt mọi trở ngại từ phía Mỹ.
Theo các quan chức Cuba, các vaccine đang được nghiên cứu có thể để ở nhiệt độ phòng trong vài tuần và có thể tích trữ lâu dài dù nhiệt độ lên tới 46,6 độ C. Đây là vaccine có tiềm năng trở thành lựa chọn cho các quốc gia nhiệt đới, thu nhập thấp vốn đang bị các nước giàu có gạt sang một bên trong cuộc tranh giành vaccine COVID-19.
Nếu thử nghiệm giai đoạn 3 tích cực, Cuba sẽ chuyển sang nghiên cứu can thiệp diện rộng, sau đó sẽ tiêm chủng cho gần như toàn bộ 1,7 triệu người dân thủ đô Havana vào tháng 5.
Tới tháng 8, Cuba sẽ tiêm cho 60% dân số cả nước và tiêm cho những người còn lại vào cuối năm nay.
Nếu đạt được, mục tiêu tham vọng này có thể giúp Cuba trở thành một trong những nước đầu tiên đạt miễn dịch cộng đồng, giúp Cuba thu hút khách du lịch và xuất khẩu vaccine COVID-19.
Ông Eduardo Martinez Diaz, Chủ tịch BioCubaFarma, tập đoàn nhà nước giám sát phát triển vaccine của Cuba, nói: “Đóng góp chính sẽ là tiêm chủng toàn bộ dân Cuba và kiểm soát virus. Cuba sẽ có thể trở lại trạng thái bình thường và sẽ an toàn cho những ai muốn tới thăm hòn đảo này”.
Với Cuba, thành công này sẽ tới đúng thời điểm quan trọng. Sau khi tỷ lệ lây nhiễm tương đối thấp năm 2020, số ca mắc COVID-19 ở Cuba đã tăng trong những tuần gần đây, biến nước này trở thành một điểm nóng mới ở Mỹ Latinh.
Hai loại vaccine COVID-19 tiềm năng nhất là Soberana 2 và Abdala cần 2 tới 3 liều. Tỷ lệ miễn dịch mà hai loại vaccine này tạo ra đều cao. Các nhà khoa học Cuba đang chuẩn bị dữ liệu lâm sàng về các vaccine để công bố quốc tế.
Nếu vaccine của Cuba thành công, các nhà nghiên cứu nước này sẽ được ghi nhận vì phải vượt qua nhiều rào cản hơn đồng nghiệp phương Tây. Họ phát triển vaccine trong điều kiện thiếu thiết bị, thiếu phụ tùng và các nguồn cung khác do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Vaccine thành công có thể trở thành nguồn thu mới quan trọng cho Cuba. Kinh tế nước này tệ hơn vì các lệnh trừng phạt thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vaccine Cuba cũng có thể hỗ trợ các nước khác đang bị Mỹ trừng phạt, đặc biệt là Iran và Venezuela. Iran và Venezuela đã ký hợp đồng vaccine với Cuba.
Hồi tháng 1, lãnh tụ tối cao Iran tuyên bố cấm nhập khẩu vaccine COVID-19 do Mỹ và Anh sản xuất, coi đây là loại vaccine hoàn toàn không đáng tin cậy. Iran đã đồng ý cho Cuba thử nghiệm giai đoạn ba vaccine Soberana 2 theo thỏa thuận chuyển giao công nghệ để tiến tới sản xuất vaccine tại Iran.
Về phần mình, Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza nói: “Chúng tôi rất tin tưởng vào công nghệ sinh học và khoa học y khoa Cuba. Đây sẽ không chỉ là điều cần thiết với Venezuela mà còn với các nước châu Mỹ. Đây sẽ là giải pháp thực sự cho người dân chúng ta”.
Cuba còn từng đề cập khả năng cung cấp vaccine COVID-19 miễn phí hoặc giá rẻ cho các nước nghèo.
Ông Ronald Sanders, Đại sứ Antigua và Barbuda tại Mỹ cho biết vaccine phương Tây được bán với giá ngoài tầm với của các nước nhỏ, còn COVAX, nỗ lực đa phương hỗ trợ phân phối vaccine, thì chưa đủ nhanh trong đáp ứng nhu cầu. Ông nói: “Chúng tôi sẽ ký thỏa thuận song phương với Cuba. Châu Âu, Mỹ và Canada đã mua hết vaccine rồi. Nên nếu Cuba thử nghiệm xong và WHO chấp nhận vaccine của họ, thì đúng vậy, chúng tôi sẽ xếp hàng mua. Tôi sẽ ngạc nhiên nếu Cuba bán giá cao hơn chi phí”.
Cuba đầu tư mạnh vào giáo dục và y tế. Cuba có bộ máy công nghệ sinh học tinh vi với ít nhất 31 công ty nghiên cứu, 62 nhà máy với trên 20.000 lao động.
Cuba sản xuất 8/11 loại vaccine đang được sử dụng trong nước và xuất khẩu tới hơn 30 quốc gia.
Năm 2017, thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị miễn dịch ung thư phổi Cimavax của Cuba đã được thực hiện tại New York.