Từ khi mới “chân ướt chân ráo” tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ, rồi trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa cho đến khi được bầu làm người đứng đầu Nhà Trắng, ngoài vấn đề cấm người Hồi giáo, ông Donald Trump đã đưa ra vô số lời cam kết khác. Tới nay, khi chính thức làm tổng thống Mỹ chừng 20 ngày, ông Trump đã chứng tỏ mình là người “nói là làm”, cho dù bị chỉ trích mạnh mẽ.
Ông Trump "khoe" sắc lệnh ký trong ngày đầu tiên làm tổng thống. |
Trong những tuần đầu tiên làm tổng thống Mỹ, ông Trump đã thực hiện nhiều thay đổi quan trọng với chính sách Mỹ, trong đó có cả những thay đổi lớn và nhỏ. Những thay đổi sâu rộng nhất mà ông Trump thực hiện trong những ngày đầu tiên liên quan tới hai lĩnh vực.
Mạnh tay với vấn đề nhập cưThứ nhất là vấn đề nhập cư. Trước đây, khi còn tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ “cấm cửa người Hồi giáo” vào Mỹ vì cho rằng nhiều người trong số họ là khủng bố. Nay, khi làm tổng thống, ông Trump đã thay đổi một loạt chính sách theo hướng mà báo chí hiểu là
cấm người Hồi giáo ở một số nước. Cụ thể, ông đình chỉ chương trình tiếp nhận người tị nạn của Mỹ trong 120 ngày (tới hết tháng 5) và chương trình tiếp nhận người tị nạn Syria vô thời hạn. Ông Trump đã cấm người nhập cư và người có thị thực từ 7 nước có nhiều người Hồi giáo dễ bị ảnh hưởng bởi khủng bố gồm Iraq, Iran, Syria, Libya, Yemen, Somalia và Sudan vào Mỹ trong 90 ngày (tới cuối tháng 4). Không chỉ thế, ông Trump còn cắt hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn vào Mỹ trong năm nay còn một nửa.
Cũng liên quan tới người nhập cư, ông Trump từng nói sẽ trục xuất nhiều người nhập cư bất hợp pháp. Giờ ông đã thực hiện điều đó bằng cách thay đổi chính sách hiện hành. Theo đó, mọi người nhập cư bất hợp pháp bị bắt quả tang vượt biên sẽ bị bắt giam. Trước đây, nhiều người bị bắt khi vượt biên được thả vào Mỹ chờ phỏng vấn xin tị nạn hoặc ra tòa. Ngoài ra, ông Trump còn mở rộng chính sách hiện hành là ưu tiên trục xuất người nhập cư bất hợp pháp phạm tội nghiêm trọng. Chính quyền mới sẽ trục xuất cả người nhập cư bất hợp pháp dù họ mới chỉ bị cáo buộc tội nào đó hoặc thậm chí cả những người phạm các hành vi có thể bị kết tội. “Tội” ở đây gồm cả lái xe không bằng lái hay dùng số an sinh xã hội giả để đóng thuế.
Trong thời gian tranh cử, ông Trump gây xôn xao dư luận khi tuyên bố
xây một bức tường dọc biên giới Mexico để ngăn người nhập cư trái phép. Ai cũng nghĩ ông chỉ “nổ” để thu hút cử tri và chuyện xây bức tường là điều không tưởng tượng được. Thế nhưng, ngày 25/1 vừa rồi, ông Trump đã ký sắc lệnh yêu cầu Bộ An ninh Nội địa bắt đầu xây dựng bức tường dài 3.200 km, chuẩn bị cắt ngân sách liên bang đối với các bang và thành phố chứa chấp người nhập cư bất hợp pháp từ Mexico. Ông tuyên bố: “Một quốc gia không có biên giới thì không còn là một quốc gia nữa”. Kế hoạch xây tường sẽ bắt đầu trong vài tháng tới và Mexico sẽ trả 100% chi phí – điều mà Mexico bác bỏ. Nếu Mexico không trả, ông Trump định tăng thuế nhập khẩu và phí quá cảnh với hàng hóa, con người Mexico.
Xóa bỏ di sản cũLĩnh vực thứ hai mà ông Trump thực hiện là về phá thai và y tế toàn cầu. Ông Trump trước nay luôn phản đối phá thai, đặc biệt là trong quá trình tranh cử tổng thống, và khi trở thành tổng thống, ông đã biến sự phản đối đó thành sắc lệnh. Theo đó, ông khôi phục lại quy định của các chính quyền Cộng hòa trước đây là ngừng rót tiền cho các tổ chức kế hoạch hóa gia đình toàn cầu có cung cấp dịch vụ phá thai hoặc tư vấn biện pháp phá thai cho khách hàng. Không chỉ thế, ông Trump còn mở rộng quy định, áp dụng với mọi tổ chức y tế toàn cầu nhận tài trợ của Mỹ.
Liên quan tới y tế, ông Trump đã ra sắc lệnh
hạn chế chương trình chăm sóc sức khỏe giá rẻ thường được gọi là Obamacare của chính quyền tiền nhiệm theo mức độ tối đa mà luật pháp cho phép. Xóa bỏ Obamacare là một trong những lời hứa mà ông đưa ra khi tranh cử. Chính quyền của ông Trump đã hủy các quảng cáo kêu gọi người dân đăng ký Obamacare.
Về thương mại, thế giới lại chứng kiến ông Trump thẳng tay ký sắc lệnh
rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tổng thống thứ 44 Barack Obama dày công theo đuổi. Rút Mỹ khỏi TPP không khiến người ta ngạc nhiên vì ông Trump đã tuyên bố trước đó. Với ông Trump, TPP sẽ khiến người lao động Mỹ mất nhiều việc làm vào tay người nước ngoài.
Ngoài ra, ông Trump còn thực hiện nhiều cam kết liên quan tới chính phủ Mỹ, như ngừng tuyển dụng công chức liên bang, ngoại trừ nhân sự liên quan tới quân đội, an ninh quốc gia, an toàn công cộng. Ông cũng lệnh cho các tướng lĩnh vạch kế hoạch đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo trong 30 ngày.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer nói với kênh ABC: “Tổng thống Trump nói về những thứ này trong suốt chiến dịch tranh cử và giai đoạn chuyển tiếp, và ông đang làm đúng những gì đã hứa với người Mỹ là sẽ làm”.
Ông Brad Woodhouse, Chủ tịch tổ chức American United for Change (Nước Mỹ đoàn kết để thay đổi), nói: “Nếu ai đó nghĩ rằng những gì ông Donald Trump nói trong chiến dịch tranh cử sẽ không được bàn tới vì ông giờ đã là tổng thống, thì họ đã không chú ý tới Donald Trump. Tôi nghĩ rằng ông đủ khả năng làm bất kỳ điều gì và mọi thứ mà ông nói sẽ làm trong chiến dịch tranh cử”.
Các sắc lệnh gây tranh cãi của ông Trump đã làm dấy lên một làn sóng chỉ trích từ dư luận trong và ngoài nước. Theo kênh CNBC, hiện chưa rõ những hành động của ông Trump có chịu được sức ép phản đối từ dư luận hay không, nhưng có một điều chắc chắn rằng không có nhiều dấu hiệu cho thấy ông sẽ khuất phục trước sức ép dư luận, ít nhất là những người đã phản đối ông từ đầu.