Đây là nhận định của Tiến sỹ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên hợp quốc (LHQ), khi trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN tại New York về triển vọng nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023.
Chuyên gia kinh tế này cũng đánh giá chi phí cho năng lượng của các nước sẽ chiếm 17% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), gần bằng với giai đoạn 1980 - 1982 và đây là lý do khiến lạm phát cao. Để đối phó với lạm phát, Mỹ và các nước phải tăng lãi suất và do đó giảm mức tăng GDP.
Trong khi đó, hai chuyên gia Paul Hannon và Sarah Cambon, trong bài viết trên tờ Wall Street Journal, cho rằng nền kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng xấu đi trong năm 2022, song chưa đến mức tồi tệ như các nhà kinh tế học đã lo ngại, qua đó mở ra cơ hội để thế giới tránh được một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc trong năm tới.
Kết quả thăm dò các doanh nghiệp vừa công bố cho thấy lượng sản xuất hàng hóa và dịch vụ tại Mỹ và các nền kinh tế lớn châu Âu đã có xu hướng suy giảm trong tháng cuối năm. Mặc dù vậy, kết quả thăm dò cũng cho thấy có sự phân hóa giữa các ngành, trong đó một số lĩnh vực tại Mỹ và châu Âu tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi tốt, bất kể lạm phát và lãi suất duy trì ở mức cao.
Tại Trung Quốc, triển vọng nền kinh tế vẫn chưa rõ ràng do tình hình dịch bệnh COVID-19. Các nhà kinh tế mong đợi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng trở lại vào năm tới khi Bắc Kinh nới lỏng các chính sách chống dịch nghiêm ngặt.
Nền kinh tế châu Âu chịu tác động tiêu cực do hạn chế nguồn cung năng lượng từ Nga, song không quá bi quan như các nhà phân tích lo ngại trước đó. Theo số liệu của hãng S&P Global, chi phí tăng do giá năng lượng tăng cao được phản ánh rõ trong các cuộc thăm dò các doanh nghiệp châu Âu, trong đó cho thấy hoạt động mua sắm trong tháng 11 tiếp tục xu hướng giảm.
Theo ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Peterson về kinh tế quốc tế, các hộ gia đình và doanh nghiệp châu Âu đang thích nghi dần với việc phải cắt giảm sử dụng năng lượng. Chính phủ các nước châu Âu cũng hỗ trợ tài chính ở mức nhiều hơn mong đợi cho các hộ gia đình nhằm giúp đối phó với vấn đề giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao.
Tuy nhiên, nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển không đạt được các kết quả tích cực. Ông David Malpass, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), đã cảnh báo rằng các nước đang phát triển hiện phải đối mặt với một nguy cơ kinh tế khác. Đó chính là việc các nền kinh tế phát triển tập trung giải quyết lạm phát và trì trệ kinh tế ở trong nước, khiến cho nguồn vốn dành cho các nước nghèo bị thiếu hụt.
Trong một báo cáo công bố trong tháng 10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với các thách thức lớn do gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch COVID-19, cuộc xung đột tại Ukraine, nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và lãi suất tăng cao. Báo cáo nhấn mạnh: “Giai đoạn tồi tệ nhất vẫn chưa đến và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một năm suy thoái kinh tế”. Ông Alvaro Pereira, quyền kinh tế gia trưởng của OECD, nhận định: “Khả năng tình hình nền kinh tế toàn cầu trở nên xấu đi đã tăng lên so với thời điểm vài tháng trước đây”. OECD và IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ mức 6,1% của năm 2021 xuống còn 2,2-2,7% trong năm 2023.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), năm 2023 thế giới sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế. Chi phí đi vay cao hơn nhằm giải quyết lạm phát khiến một số nền kinh tế bị thu hẹp. Nền kinh tế toàn cầu lần đầu tiên vượt mốc 100.000 tỷ USD vào năm 2022 nhưng sẽ chững lại vào năm 2023 khi các nhà hoạch định chính sách tiếp tục cuộc chiến chống lại giá cả tăng vọt.
Trong thời gian tới, nhân tố quan trọng nhất tác động đến triển vọng kinh tế toàn cầu là tốc độ giảm lạm phát tại Mỹ. Đây là nhân tố quyết định đến tốc độ tăng lãi suất của FED và thời gian ngân hàng này duy trì mức lãi suất đó. Trong năm 2022, FED đã nâng lãi suất ở tốc độ nhanh nhất kể từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng chi phí vay vốn tăng cao sẽ tác động tiêu cực hơn tới tiêu dùng trong những tháng tới, đe doạ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
Việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch COVID-19 sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế tăng trưởng trở lại vào năm tới. Tuy nhiên, tình hình số ca bệnh tăng cao thời gian gần đây có thể sẽ làm đảo ngược tốc độ nới lỏng các biện pháp này của Trung Quốc.
Mặc dù các nền kinh tế phát triển được cho là sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn đầu năm 2023, song các nhà kinh tế học cũng thận trọng khi đề cập đến nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu mà lưu ý tới cụm từ "tăng trưởng yếu".
Theo ông Marcelo Carvalho, kinh tế gia của ngân hàng BNP Paribas, mặc dù ngân hàng này không chính thức dự báo rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ bị rơi vào suy thoái, nhưng cho rằng các quốc gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới sẽ tiếp tục phải trải qua những khó khăn như trong năm 2022. Nhiều nhà phân tích dự báo rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 2,2% trong năm tới. Đây sẽ là sự suy giảm mạnh từ mức trung bình 3,3% trong thời kỳ trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Mặc dù vậy, con số này cũng cho thấy nền kinh tế thế giới vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương.
Nền kinh tế Mỹ được cho sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong năm tới. OECD dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 0,5% vào năm 2023, so với khoảng 1,8% của năm nay. Theo thăm dò của Wall Street Journal, các chuyên gia kinh tế cho rằng tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2023 sẽ là 0,4% và không loại trừ nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế vào năm tới. Đáng chú ý, theo biên bản cuộc họp đầu tháng 11, FED đã đánh giá tiêu cực về triển vọng nền kinh tế Mỹ do nguồn tài chính bị thắt chặt trong thời gian qua và cảnh báo nhiều khả năng xảy ra suy thoái kinh tế trong năm tới.
Trong khi đó, nền kinh tế châu Âu sẽ phải đối mặt với những khó khăn lớn trong những tháng tới. Các chuyên gia kinh tế đánh giá tăng trưởng GDP tại châu Âu sẽ giảm 1,3% thay vì kịch bản xấu nhất là giảm 5%. Thị trường năng lượng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. "Lục địa Già" đã gồng mình bổ sung trữ lượng khí đốt tự nhiên và tiết kiệm sử dụng nhiêu liệu tối đa, nhưng mùa Đông năm nay được dự báo sẽ trôi qua không hề dễ dàng. Tình hình có thể còn phức tạp hơn vào mùa Đông năm 2023-2024. Giá khí đốt cao hơn, hoặc sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt hoàn toàn, sẽ dẫn đến tăng trưởng yếu hơn đáng kể và lạm phát cao hơn ở châu Âu và thế giới vào năm 2023 và 2024.
Thế giới đang bị cuốn vào vòng xoáy các cuộc khủng hoảng, từ những căng thẳng địa chính trị, xung đột, lạm phát gia tăng, gián đoạn nguồn cung, năng lượng, cho tới thời tiết cực đoan hay tổng thể hơn là cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Những thách thức này tạo ra một môi trường không thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế cũng như những biến động ngoài dự đoán trên, khiến triển vọng kinh tế thế giới 2023 trở nên bất định.