Sự bất mãn sâu sắc
Theo trang bình luận Vox (Mỹ), sau khi ký dự luật trừng phạt Nga, ông Trump vẫn thể hiện thái độ giận dữ, lên Twitter để chỉ trích Quốc hội do chính đảng Cộng hòa kiểm soát. Ông chỉ trích họ cả về cuộc bỏ phiếu thông qua dự luật trừng phạt Nga lẫn thất bại trong việc thông qua dự luật chăm sóc sức khỏe.
Ông viết ngày 3/8: “Mối quan hệ của chúng ta với Nga đang ở mức thấp mọi thời đại và rất nguy hiểm. Các bạn có thể cám ơn Quốc hội, chính những người đó đã không thể cho chúng ta một luật chăm sóc sức khỏe”.
Ông Trump và Quốc hội Mỹ xung đột sâu sắc về vấn đề Nga. Ảnh: ABC |
Ông Trump không chỉ giận dữ vì Quốc hội thông qua một dự luật mà ông không đồng ý với tỷ lệ không thể phủ quyết. Ông cũng không chỉ giận dữ về việc dự luật chăm sóc sức khỏe thay thế cho Obamacare (Đạo luật chăm sóc sức khỏe giá rẻ của Tổng thống Barack Obama tiền nhiệm) thất bại. Ông còn tức giận vì dự luật trừng phạt Nga có điều khoản hạn chế quyền của ông trong dỡ bỏ trừng phạt Nga mà không được Quốc hội đồng ý.
Theo Vox, điều này có nghĩa là những người Cộng hòa đang nói với tổng thống thuộc đảng mình rằng họ không tin cậy ông, cho thấy mức độ bất hòa giữa tổng thống và Quốc hội mà ông cần sự ủng hộ để thành công trong nhiệm kỳ. Về phần mình, những người Cộng hòa ở Quốc hội ngày càng sẵn lòng phớt lờ ông Trump hoặc phản lại ông.
Theo ông Paul Musgrave, một học giả về chính sách đối ngoại Mỹ tại Đại học Massachusetts Amherst, việc một tổng thống chỉ trích Quốc hội là điều thường xảy ra, nhưng chỉ trích trực diện trên Twitter thông qua cách nói “mơ hồ” nhưng lại có phần đe dọa thì chưa.
Trong thời kỳ chính trị hiện đại Mỹ, các đảng phái vốn có kỷ luật và hệ tư tưởng rất cao. Do đó, việc cả hai đảng cùng ủng hộ một dự luật quan trọng là điều gần như không bao giờ xảy ra. Thế nhưng với dự luật trừng phạt Nga, người ta đã thấy điều hiếm có về sự đồng tâm hiệp lực của hai đảng trong Quốc hội. Dự luật được thông qua với tỷ lệ 98/2 tại Thượng viện và 419/3 tại Hạ viện.
Theo tờ Vox, những thứ duy nhất được thông qua với tỷ lệ “choáng ngợp” trên là các dự luật đặt lại tên bưu điện và các nghị quyết chỉ trích các vụ tấn công khủng bố. Dự luật có ý chỉ trích một tổng thống về ưu tiên chính sách đối ngoại của ông thường không thể đạt được sự ủng hộ lưỡng viện cao như thế, đặc biệt là khi Quốc hội được đảng của chính tổng thống kiểm soát.
Điều đáng ngạc nhiên hơn là đây không phải là vấn đề duy nhất liên quan tới Nga mà cả hai đảng đều nỗ lực trói tay ông Trump. Trước đó, thượng nghị sĩ Chris Coons của đảng Dân chủ và Thom Tillis của đảng Cộng hòa đã trình một dự luật trao cho công tố viên đặc biệt Robert Mueller quyền được tòa xem xét trong trường hợp ông này bị ông Trump sa thải.
Hiện nay, ông Trump có thể tùy ý sa thải ông Mueller – người đang phụ trách cuộc điều tra về cáo buộc chiến dịch tranh cử của ông câu kết với Nga.
Nếu dự luật của hai nghị sĩ trên được thông qua, ông Trump sẽ phải chứng minh ông có lý do hợp lý để sa thải ông Mueller, nếu không tòa có thể bác bỏ quyết định của ông Trump và tiếp tục cho ông Mueller tại vị.
Ông Trump đã hi vọng có thể dẹp được vụ bê bối liên quan tới Nga và thúc đẩy quan hệ Nga – Mỹ. Tuy nhiên, khả năng làm việc thứ hai của ông bị hạn chế bởi việc thứ nhất.
Trong tuyên bố gửi báo chí sau khi ký thành luật dự luật trừng phạt Nga, ông Trump viết: “Tôi đã xây dựng một công ty vĩ đại thực sự trị giá hàng tỷ USD. Đây là một phần lớn lý do tôi được bầu làm tổng thống. Là tổng thống, tôi có thể đưa ra các thỏa thuận với các nước khác tốt hơn nhiều lần so với Quốc hội”.
Nga là người chiến thắng?
Theo các chuyên gia, sự bất mãn giữa Tổng thống Trump và Quốc hội cho thấy Nga tiếp tục được lợi từ những rắc rối trong chính phủ Mỹ.
Sự giận dữ của ông Trump khiến ông công kích đảng Cộng hòa ngày càng công khai hơn. Tất nhiên, đảng Dân chủ đang theo dõi tất cả với một túi bỏng ngô trong tay. Tương tự, người Nga cũng vậy.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã viết trên Twitter, tỏ ý đồng tình với Tổng thống Trump rằng Quốc hội đang ăn cắp quyền lực đáng ra thuộc về nhánh hành pháp.
Sau khi dự luật trừng phạt Nga được thông qua, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga có đoạn cáo buộc các bè phái trong chính phủ Mỹ tiếp tục khiến quan hệ Nga-Mỹ xấu đi dưới thời ông Trump. Theo Nga, nhiều thành phần trong chính phủ Mỹ mang nặng tư tưởng bài Nga và mở ra xung đột với Nga.
Theo Seva Gunitsky, một chuyên gia về Nga thuộc Đại học Toronto, bằng cách phân biệt các bè phái trong chính phủ Mỹ, tuyên bố của Nga cho thấy Nga nhận thấy sự chia rẽ giữa ông Trump và Quốc hội và đang tìm cách tận dụng điều này.
Còn theo ông Daniel Nexon, giáo sư quan hệ quốc tế thuộc Đại học Georgetown, người Nga đang chờ vị thế của chính phủ Mỹ trong nước và quốc thể bị hủy hoại.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng đây không phải là kết quả lý tưởng mà Nga mong muốn. Điều Nga muốn hơn là Mỹ nới lỏng trừng phạt và giúp họ hỗ trợ chính phủ Syria.