Ngày 17/7, tờ Wall Street Journal (Mỹ) cho đăng bài viết có tiêu đề “Sự sụp đổ học thuyết Obama” của cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Chenney, phê phán chính sách của Mỹ về Iraq hiện nay. Bài viết có một số nội dung đáng chú ý như sau:
Đã rất nhiều lần, ông Obama nói rằng cá nhân ông “đang kết thúc” cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, rằng Al Qaeda đã bị tiêu diệt – như thể đó là mong muốn của ông. Thế nhưng những ngôn từ kiểu như thế đang mâu thuẫn với hiện tại. Nhìn cảnh các phần tử thánh chiến thuộc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant” (ISIL) đánh chiếm các vùng lãnh thổ tại Iraq, thì hẳn ai cũng hiểu rằng “kẻ thù của nước Mỹ” vẫn chưa bị tiêu diệt.
Binh sĩ Iraq cùng những người tình nguyện cầm súng chống lại phiến quân ISIL tại Baghdad. Ảnh: Reuters |
Việc ISIL kiểm soát một loạt các thành phố như Fallujah, Tikrit, Mosul và Tel Afar, liền với đó là sự hình thành “thiên đường khủng bố" trên cả một dải rộng lớn trong thế giới Arập, đã gây ra mối đe dọa chiến lược đối với an ninh nước Mỹ. Hành động của ông Obama - trước và sau khi phiến quân ISIL nổi dậy, đã góp phần làm gia tăng mối đe dọa đó.
Trong một chuyến đi tới Trung Đông hồi mùa xuân năm nay, chúng tôi liên tục nhận được lời phàn nàn từ dư luận của Israel cho tới của các nước vùng Vịnh, với các câu hỏi đại loại như: “Ngài có thể lý giải tổng thống của các ngài đang làm gì vậy”, “Tại sao ông ấy lại bỏ đi?”, “Tại sao ông ấy lại dửng dưng vứt bỏ những thành quả mà phải cố gắng tranh đấu, giữ gìn ở Iraq?”, “Tại sao ông ấy lại từ bỏ các bạn bè?”…
Tại thủ đô một nước A rập, một quan chức cấp cao lôi ra tấm bản đồ Syria và Iraq. Ông này dùng ngón trỏ vẽ một vòng cung từ tỉnh Raqqua ở miền bắc Syria tới tỉnh Anbar ở miền tây Iraq và nói: “Chúng sẽ kiểm soát vùng lãnh thổ này. Al Qaeda đang xây dựng thiên đường ẩn náu và các trại huấn luyện ở đó. Người Mỹ các ngài có bận tâm không?".
Dường như Tổng thống của chúng ta không quan tâm. Iraq đang đứng trước nguy cơ rơi vào tay các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan, còn ông Obama thì lại đang nói về chuyện thay đổi khí hậu. Trong khi quân khủng bố giành quyền kiểm soát tài nguyên, lãnh thổ tại Iraq ở cấp độ lớn hơn bất cứ thời điểm nào thì ông ấy lại đi đánh golf. Ông ta dường như dửng dưng, hoặc tỏ ra không quan tâm rằng sự trỗi dậy của Al Qaeda là một mối đe dọa hiển hiện đối với Mỹ.
Khi ông Obama cùng nội các nhậm chức năm 2009, Al Qaeda tại Iraq đã bị triệt hạ phần lớn. Phần việc đáng nhẽ ông cần làm lúc này là đàm phán về một hiệp định cho phép một số lượng nhất định lính Mỹ ở lại, huấn luyện, hỗ trợ thông tin tình báo cho lực lượng an ninh Iraq để duy trì hòa bình. Thế nhưng, thay vào đó ông bỏ mặc Iraq và chúng ta đã chứng kiến sự thoái lui của Mỹ ngay trước mũi chiến thắng.
Thảm kịch Iraq ngày nay chỉ là một phần của câu chuyện. Al Qaeda và mạng lưới chân rết đang hiện diện khắp toàn cầu. Theo một nghiên cứu gần đây của Trung tâm RAND, giai đoạn 2010 – 2013, các nhóm khủng bố thánh chiến Salafi đã có sự gia tăng 58% về số lượng. Số quân khủng bố cùng kì tăng gấp đôi.
Trước mối đe dọa này, ông Obama bận bịu với việc dẫn lối cho các đối thủ của Mỹ tạo lập quyền lực ở Trung Đông. Trước hết là đối với nước Nga trong vấn đề Syria; và nay là Iran với ý tưởng muốn dẫn đường Iran giải quyết Iraq. Chỉ một người khờ khạo mới tin là chính sách của Mỹ tại Iraq cần phải thông qua Iran.
HT (WSJ)