Theo các chuyên gia, cuộc xung đột tại Xyri (nổ ra khi người Sunni chiếm đa số chống lại nhà cầm quyền thuộc phái Alawite (một nhánh của người Hồi giáo theo dòng Shi'ite) đang làm gia tăng căng thẳng sắc tộc vốn có liên quan chặt chẽ với bất đồng chính trị trong khu vực.
Mâu thuẫn giữa người Shi'ite và người Sunni liên tục âm ỉ trong mọi thời kỳ. Ảnh: Internet |
Theo một số báo cáo chưa kiểm chứng, hàng nghìn người Xyri đã bị thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa quân chính phủ và những người Sunni phản đối chế độ. Bùng phát hồi tháng 3/2011, các cuộc biểu tình ban đầu diễn ra trong hòa bình, nhưng sau đó tiến triển thành cuộc nổi dậy có vũ trang.
Thế giới Arập đã bị chia rẽ về cách thức đối phó với tình hình bạo lực tại Xyri. Arập Xêút và Cata - những nước vùng Vịnh có thế lực của người Sunni - muốn trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy tại Xyri, trong khi Irắc của phần đông người Shi'ite lại phản đối việc này. Paul Salem, Giám đốc Trung tâm Trung Đông Carnegie, nói: "Trung Đông đang chứng kiến tình hình leo thang căng thẳng trong khu vực: Căng thẳng giữa Iran và các nước Arập vùng Vịnh và căng thẳng giữa các phe phái với nhau - tất cả đều có liên quan mật thiết với nhau. Bất ổn tại Xyri đang khơi sâu thêm chia rẽ trong thế giới Arập".
Ibrahim al-Sumaidai, nhà phân tích người Irắc cũng cảnh báo về "sự chia rẽ sâu sắc" giữa một bên là những nước do Arập Xêút đứng đầu, với một bên là những nước đạo Hồi theo dòng Shi'ite do Iran đứng đầu, bởi mâu thuẫn phe phái. Ông nói: "Căng thẳng giữa hai bên đặc biệt chú trọng vào những nước như Arập Xêút và Cata, vốn đang nỗ lực chấm dứt chế độ Assad".
Ngày 1/4, Thủ tướng Irắc Nuri al-Maliki đã chỉ trích lập trường của Cata và Arập Xêút về vấn đề Xyri: "Chúng tôi phản đối việc vũ trang (cho lực lượng nổi dậy tại Xyri) và phản đối tiến trình lật đổ chế độ (của Assad) bởi lẽ việc này sẽ dẫn tới cuộc khủng hoảng quy mô hơn trong khu vực. Chúng tôi phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của một số nước vào công việc nội bộ của Xyri".
Trong khi đó, Giáo sư Mahjub al-Zwairi của Đại học Cata cho rằng khu vực này rơi vào "kiểu tranh chấp sắc tộc kể từ năm 2003" khi liên quân do Mỹ đứng đầu lật đổ chế độ của Tổng thống Irắc Saddam Hussein, dẫn tới sự kết thúc hàng thập kỷ cầm quyền của thiểu số người Sunni tại Irắc và đưa người Shi'ite chiếm số đông lên nắm quyền. Đối với "một lập trường vùng Vịnh thống nhất" mà Irắc đưa ra, theo ông, việc này cho thấy Irắc ủng hộ lập trường của Iran về vấn đề Xyri. Chuyên gia Sumaidai nói: "Irắc lo ngại một chế độ Salafi (của người Sunni theo trào lưu chính thống) lên nắm quyền thay Tổng thống Assad". Cựu cố vấn an ninh quốc gia Irắc, Muwaffaq al-Rubaie, theo dòng Shi'ite nói: "Các nước (do người Sunni cai trị) trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đang 'đùa với lửa' và sẽ ‘đốt cháy’ cả khu vực".
Trong khi mâu thuẫn giữa người Shi'ite và Sunni là nhân tố chính gây ra khủng hoảng tại Xyri, thì nó cũng là nguyên nhân nhen nhóm bạo lực tại Baranh và thậm chí ngay cả ở Arập Xêút. Năm ngoái, nhờ sự hậu thuẫn của quân đội Arập Xêút và các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất, chính quyền Baranh theo dòng Sunni đã đàn áp các cuộc biểu tình do người Shi'ite lãnh đạo đòi kêu gọi cải cách. Lúc đó, Thủ tướng Irắc, Maliki đã cảnh báo rằng sự can thiệp của những nước láng giềng người Sunni vào Baranh của người Shi'ite chiếm số đông, có nguy cơ gây ra chiến tranh sắc tộc trong khu vực. Trong khi đó, tại Arập Xêút, các cuộc biểu tình tại khu vực miền Đông nhiều dầu mỏ (nơi dân số chiếm số đông là người Shi'ite) đã bị dẹp tan bằng bạo lực.
TTK