Bầu cử Đức tác động mạnh đến tương lai Eurozone

Không thể phủ nhận một thực tế rằng cuộc tổng tuyển cử năm nay ở Đức thu hút sự quan tâm chú ý của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hơn hẳn những kỳ trước.

Theo bình luận ngày 19/9 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), giới chính trị gia và cả doanh nghiệp trên khắp châu lục đang chờ đợi kết quả bầu cử trong tâm trạng lo lắng, bởi chính sách của tân nội các ở Berlin có thể quyết định đến nỗ lực giải quyết những thách thức về cơ cấu mà bấy lâu nay vẫn ám ảnh khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Người dân bỏ phiếu để bầu ra 180 nghị sĩ cho nghị viện bang Bavaria (miền nam nước Đức) ngày 15/9/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngày 22/9, người dân của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra Quốc hội mới. Ngay sau khi Đức có chính phủ mới, những cuộc thảo luận về hàng loạt vấn đề nhạy cảm và phức tạp như lập liên minh ngân hàng - vốn trì hoãn bấy lâu nay - sẽ được khởi động trở lại. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, Thủ tướng Angela Merkel vẫn có nhiều cơ hội để tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa nếu đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) dẫn đầu cuộc đua sắp tới. Chiến thắng gần như đã nằm trong tầm tay này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bà Merkel thêm quyết tâm theo đuổi đường lối cứng rắn đối với những vấn đề của Eurozone.

Khu vực đồng tiền chung châu Âu với 17 nước thành viên đã lâm vào khủng hoảng nợ công từ năm 2009, và hiện đang phải đau đầu với những gói cứu trợ dành cho Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, đảo Síp. Nợ xấu đã đẩy các nước thành viên này lâm vào khủng hoảng kéo dài và không thể tham gia thị trường tài chính quốc tế do mức tín nhiệm thấp. Nếu không được cứu trợ kịp thời, khủng hoảng nợ ở các nước này có thể phá vỡ hoàn toàn những liên kết của một liên minh tiền tệ. Để đổi lấy gói cứu trợ khẩn cấp, các thành viên Eurozone phải thực hiện chính sách "thắt lưng, buộc bụng", cắt giảm chi tiêu ngân sách, cắt giảm phúc lợi xã hội, cải cách triệt để nền kinh tế và tuân thủ nhiều điều kiện ràng buộc do chủ nợ đưa ra.

Cách tiếp cận khá cứng rắn và kiên quyết này của bà Merkel đã vấp phải không ít chỉ trích, châm ngòi cho làn sóng biểu tình tuần hành ở một số nước thành viên Eurozone. Tuy nhiên, gói giải pháp toàn diện do Đức khởi xướng cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã góp phần làm dịu cuộc khủng hoảng. Nền kinh tế Eurozone bước đầu đã có dấu hiệu phục hồi. Đây chính là cơ sở quan trọng để Thủ tướng Merkel, nếu thắng cử, thêm quyết tâm theo đuổi những gì mà bà đã thực hiện thời gian qua.

Theo giới quan sát, chính phủ mới ở Đức có thể tiếp tục là liên minh giữa CDU với đảng Dân chủ Tự do, hoặc là một "đại liên minh" với đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Bất luận đó là liên minh giữa các đảng phái nào hậu bầu cử, chính phủ mới của Đức chắc chắn sẽ thận trọng và cứng rắn hơn trong chính sách đối với Eurozone.

Vì vậy, kỳ vọng thì ít mà lo lắng thì nhiều. Các nước thành viên Eurozone ở Nam và Bắc Âu dường như vẫn tìm thấy ích lợi trong chính sách "thắt lưng, buộc bụng" về tài chính mà Đức khởi xướng. Tuy vậy, câu chuyện không hoàn toàn chỉ dừng lại ở vấn đề cứu trợ và khôi phục kinh tế. Thực tế cho thấy các ứng cử viên không mấy mặn mà với đề tài về châu Âu trong chiến dịch tranh cử vừa qua.

Mặc dù vấn đề châu Âu được đưa ra ngay từ phút đầu trong buổi tranh luận trên truyền hình giữa hai ứng cử viên nặng ký nhất, nhưng cả bà Merkel và ông Peer Steinbrück của SPD đều không chớp cơ hội này để nói về chiến lược cũng như vai trò của Đức đối với châu lục. Điều khiến dư luận hoài nghi là chính sách đối ngoại của Đức dưới thời chính phủ mới, bởi các ứng cử viên chưa tạo ra bất cứ sự khác biệt nào trong cách tiếp cận đối với những vấn đề quốc tế và khu vực.

Bàn cờ chính trị ở nhiều nước châu Âu đã được sắp xếp lại sau khi khủng hoảng tài chính nổ ra. Chính phủ ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italy... đều phải "khăn áo" ra đi do người dân bất bình về cách thức điều hành nền kinh tế. Tuy nhiên, Đức lại trở thành một ngoại lệ khi bà Merkel vẫn tiếp tục được người dân ủng hộ với mức tín nhiệm cao. Nếu giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ ba, bà sẽ vượt qua cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher để trở thành nhà lãnh đạo nữ nắm quyền lâu nhất ở lục địa già.

Nền kinh tế Đức đạt mức tăng trưởng 0,7% trong quý II/2013. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp 6,8%. Ngân sách quốc gia chuẩn bị hoàn thành mục tiêu tái cân bằng. Khác với Anh và Pháp, Đức vẫn "chắc chân" với mức tín nhiệm ba chữ A. Đó thực sự là một môi trường rất thuận lợi để bà Merkel và đảng của mình tự tin bước vào cuộc bầu cử sắp tới.

Vậy trong tương lai, Đức sẽ phát huy vai trò của mình như thế nào ở châu Âu, đặc biệt là Eurozone? Quan hệ Pháp - Đức có còn là trục trung tâm chi phối không gian địa chính trị châu Âu? Không phải là quá sớm khi đề cập đến những câu hỏi này. Rõ ràng, các nước thành viên Eurozone, dù có gặp khủng hoảng hay không, cũng phải tính đến những đối sách ngắn hạn và chiến lược dài hạn với một nước Đức mạnh mẽ và quyết đoán hơn.


TTK


Đức: CSU thắng áp đảo ở bang Bayern
Đức: CSU thắng áp đảo ở bang Bayern

Theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử nghị viện bang Bayern, đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đã giành được đa số phiếu áp đảo, do đó có thể tự đứng ra thành lập chính quyền ở bang này.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN