Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) chủ trì cuộc họp với các thành viên Hội đồng An ninh Nga tại Sevastopol, Crimea ngày 19/8. Ảnh: EPA/TTXVN |
Chiến thắng một lần nữa lại được trao cho UR, chính đảng cầm quyền trong suốt hơn một thập niên qua trên chính trường Nga, đồng nghĩa với việc cử tri Nga một lần nữa tin tưởng giao cho UR trọng trách lớn lao đưa nước Nga vượt qua những khó khăn và thách thức để phát triển.
Bình luận về kết quả này, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhiều vấn đề chưa được giải quyết, song cử tri vẫn trao gửi niềm tin cho UR. Điều đó cho thấy người dân Nga mong muốn tình hình chính trị trong nước ổn định và Quốc hội hoạt động hiệu quả, đồng thời ông cũng cảnh báo rằng UR cần nỗ lực hành động vì nước Nga đang đối mặt với nhiều nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết.
Nhiệm vụ cấp bách đầu tiên mà ông Putin đề cập là cải thiện thực trạng nền kinh tế “ốm yếu” hiện nay. Nga bắt đầu gặp phải khó khăn về kinh tế từ năm 2014 sau khi phương Tây liên tiếp áp đặt các lệnh trừng phạt chống Moskva do cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, đồng thời giá dầu - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga, giảm mạnh.
Năm ngoái, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm 3,7%, dự báo sẽ còn giảm thêm 1,9% trong năm nay và có nguy cơ đối mặt với tình trạng suy thoái kéo dài nếu không có những giải pháp quyết liệt. Nguy cơ này càng trở nên hiện hữu khi thâm hụt ngân sách liên bang đang “phình ra” và làm “bốc hơi” số tiền tích lũy được trong thập kỷ qua.
Trong 7 tháng đầu năm nay, thâm hụt ngân sách chiếm tới 3,3% GDP, tăng so với mức 2,6% GDP năm 2015 và 0,5% GDP của năm trước đó. Bộ Tài chính Nga mới đây đã trình lên chính phủ bản kế hoạch ngân sách mới, trong đó nói rõ việc nước này chuẩn bị sử dụng hết tiền của Quỹ Dự trữ (RF) trong năm 2017 và sẽ dùng khoảng 1/3 số tiền của Quỹ thịnh vượng quốc gia (NWF) trong 3 năm tới để bù đắp thâm hụt ngân sách chính phủ.
Do nguồn thu ngân sách sụt giảm, Chính phủ Nga buộc phải thực thi nhiều biện pháp “thắt lưng, buộc bụng” khiến đời sống người dân gặp không ít khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp, nghèo đói, lạm phát tăng lên, trong khi thu nhập của người dân giảm mạnh.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê liên bang Nga, kể từ tháng 10/2014 đến nay, thu nhập thực tế của người dân Nga liên tục giảm, nâng số người có mức thu nhập dưới mức tối thiểu lên tới 22,7 triệu người. Kinh tế trì trệ có khả năng làm cho các mục tiêu phát triển xã hội, trong đó có kế hoạch tăng dân số, đi chệch hướng.
Không chỉ chống chọi với tình trạng kinh tế khó khăn, Nga còn phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, thách thức an ninh quốc gia, trong đó có khủng bố. Từ bên kia bờ Đại Tây Dưong, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không ngừng gây sức ép, tăng cường sự diện hiện vũ khí và quân đội ngay sát biên giới Nga, buộc Moskva phải hiện đại hóa quân đội để đương đầu.
Trong tình cảnh khó khăn chồng chất như vậy, nước Nga - dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin và UR - vẫn kiên trì từng bước trên con đường phục hồi nền kinh tế và khẳng định vị thế một cường quốc có vai trò quan trọng hàng đầu trên thế giới.
Cấm vận và trừng phạt buộc Nga phải tích cực phát huy sức mạnh nội lực, tăng cường mở rộng quan hệ kinh tế, nhất là với khu vực châu Á-Thái Bình Dương... Giá dầu giảm từ mức trên 100 USD/thùng trước thời điểm phương Tây áp đặt trừng phạt Nga xuống có lúc chỉ còn khoảng 20 USD/thùng hồi đầu năm nay, buộc Nga phải quyết liệt tái cơ cấu và đa dạng hóa nền kinh tế.
Các biện pháp này bước đầu đã mang lại kết quả. Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg lần thứ 20 hồi tháng 6 vừa qua, Tổng thống Putin tuyên bố nền kinh tế Nga đã vượt qua giai đoạn khó khăn, thoát khỏi xu hướng thụt lùi và trì trệ, đi vào quỹ đạo tăng trưởng. Điều đó thể hiện cụ thể ở tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định, mức độ lạm phát đã giảm, dự trữ vàng và ngoại tệ vẫn ở mức cao…
Trong những thời điểm khó khăn nhất, nền kinh tế Nga không chỉ thích nghi hoàn toàn với điều kiện mới, mà còn tìm cách tạo ra những lợi thế nhất định, như có lợi thế cạnh tranh nhờ việc tỷ giá đồng tiền quốc gia điều hành linh hoạt. Trừng phạt kinh tế cũng mở ra cơ hội mới cho doanh nhân Nga, trong đó ngành công nghiệp thực phẩm của Nga đã hồi sinh với những sản phẩm sản xuất trong nước.
Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mức suy thoái của nền kinh tế Nga đã giảm xuống 2,7% so với dự báo 3,4% trước đó và nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng trở lại với mức 1,1% trong năm 2017. Trong khi đó, ngày càng có nhiều tiếng nói ở phương Tây, đặc biệt là giới doanh nhân, vận động mạnh mẽ cho việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga.
Bất chấp sự o ép của phương Tây, trên trường quốc tế, Nga vẫn tiếp tục thể hiện vai trò là một cường quốc có ảnh hưởng trong việc giải quyết các vấn đề xung đột liên quan tới an ninh và hòa bình toàn cầu, trong đó có cuộc xung đột dai dẳng ở Syria.
Có thể khẳng định rằng UR và hai chính khách nổi bật của đảng là Tổng thống V. Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev, người hiện là Chủ tịch UR, đã góp phần đáng kể vực dậy một nước Nga vốn bị suy yếu nghiêm trọng vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Bởi vậy, lòng tin của cử tri Nga đối với UR là có cơ sở.
Khó khăn và thử thách vẫn còn nhiều, trọng trách của lòng tin mà cử tri Nga đặt lên vai UR càng lớn. Đây sẽ là lúc UR phải thể hiện bản lĩnh để đưa nước Nga vượt qua khủng hoảng và hồi sinh mạnh mẽ bằng chính nội lực của mình.