Bầu cử Mỹ 2012: Sẵn sàng cho trận chung kết!

Cuộc vận động tranh cử kéo dài nhất, phức tạp nhất, tốn kém nhất, mâu thuẫn nhiều nhất, cam go nhất và khó đoán nhất thế giới đang đi vào hồi kết. Võ đài chính trị của cuộc tổng tuyển cử lần thứ 57 năm 2012 ở Mỹ, bầu lại tổng thống, toàn bộ 345 ghế Hạ viện, 33 trong 100 ghế Thượng viện, 11 trong 50 ghế Thống đốc bang và cơ quan lập pháp các bang, đã sẵn sàng cho trận chung kết ngày 6/11 với sự tham gia của khoảng 215 triệu cử tri của 50 bang, thủ đô Oasinhtơn và các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ.


Hai đối thủ Mitt Romney (trái) và Barack Obama (phải) đã sẵn sàng cho trận chung kết. Ảnh: csmonitor.com


Kéo dài xấp xỉ hai năm, đó là khoảng thời gian không có cuộc bầu cử nào trên thế gian này sánh nổi. Trong gần hai năm qua, tiến trình bầu cử ở Mỹ diễn ra theo nhiều công đoạn, khởi đầu là sự vận động âm thầm của các ứng cử viên để chuẩn bị bước vào các trận so găng trong nội bộ từng đảng, theo nguyên tắc ai nhiều tiền và mạnh hơn có cơ may ở lại, tiền ít và yếu hơn thì "đứt gánh giữa đường".


Cuộc bầu chọn trong nội bộ đảng Dân chủ trong năm 2012 ít được quan tâm vì trên thực tế chỉ có ứng cử viên duy nhất là đương kim Tổng thống Barack Obama. Một số chính khách cũng thấy có tên nhưng tên tuổi họ hầu như chẳng ai nhớ.


Phía đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử này, ứng cử viên nở rộ như hoa mùa Xuân, chí ít cũng có tới hơn chục khuôn mặt. Bỏ phiếu kín trong nội bộ cử tri từng đảng, nhóm họp lấy biểu quyết của tất cả những ai muốn tham gia, thậm chí cả những cử tri chỉ đổi từ đảng này sang đảng khác vài giờ, đó là sự phức tạp không thể hiểu nổi của hệ thống bầu cử chỉ có ở Mỹ. Thắng thì giành trọn các suất ghế đại biểu hoặc số ghế đại biểu của bang chia theo tỷ lệ phiếu, phức tạp tới mức nhiều lúc gây tranh cãi, đưa tin dễ bị coi là tiền hậu bất nhất, chưa kể lại có thêm một ngày của cái gọi là "Siêu Thứ Ba" gì đó.

 

Tốn kém thì chẳng nói ai cũng biết. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012 chí ít đã lập kỷ lục về tiền bạc. Chi phí cho cuộc tổng tuyển cử năm 2008 đạt kỷ lục hơn 5,8 tỷ USD, nhưng năm nay chắc chắn bị phá vỡ với mức dự kiến từ 6-7 tỷ USD. Dấu hiệu của sự lạm phát chi tiêu năm 2012 là đến ngày 25/10, số tiền quyên góp cho cuộc giành giật ghế Nhà Trắng đã vượt ngưỡng 2 tỷ USD so với 1,8 tỷ USD cùng kỳ 2008, trong đó riêng hai ứng cử viên đã quyên góp được 1,7 tỷ USD.


Ông Obama năm 2008 quyên góp được món tiền kỷ lục 750 triệu USD, năm nay có thể vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Năm 2008, ông Obama và đối thủ Cộng hòa, Thượng nghị sỹ John McCain mỗi tuần chi trung bình 30 triệu USD cho quảng cáo vận động tranh cử thì năm 2012 này riêng số tiền chi cho quảng cáo trên truyền hình ước tính có thể lên tới 700 triệu USD, so với 515 triệu USD của năm 2008.


Cựu Thống đốc Mitt Romney đã phải chi trung bình 30 USD cho mỗi lá phiếu cử tri mới giành đủ số suất ghế đại biểu để được đại hội đảng toàn quốc đề cử làm ứng cử viên đảng Cộng hòa.

 

Cuộc bầu cử năm 2012 đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn trong nội bộ hai đảng về định hướng chính sách của Mỹ. Hai ứng cử viên và hai đảng có điểm chung là tự khẳng định cái gọi là vai trò lãnh đạo của Mỹ đối với thế giới thông qua ba trụ cột là sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự và giá trị Mỹ. Mâu thuẫn đặc trưng giữa hai ứng cử viên và hai đảng là về vai trò của chính phủ.


Ông Romney và đảng Cộng hòa, trên nền tảng là bảo thủ về mặt xã hội, hiếu chiến về đối ngoại, chủ trương phát triển một nền kinh tế thị trường tự do phó mặc tư nhân, hạn chế vai trò của chính phủ, coi thiểu số những người giầu có và các tập đoàn là động lực của nền kinh tế, do vậy phải tăng thêm các ưu đãi. Ông Romney và đảng Cộng hòa chủ trương theo đuổi một chính sách đối ngoại "Ngoại lệ Mỹ", theo đó hành động đơn phương và vũ lực luôn là công cụ hiện hữu.


Trong khi đó, ông Obama và đảng Dân chủ lại theo đuổi một chiều hướng đối lập, ở trong nước muốn nhà nước can thiệp sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và ở ngoài nước vẫn bảo lưu quyền của "người lãnh đạo thế giới" nhưng có chút ưu tiên hơn cho sự hợp tác trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế.

 

Cuộc bầu cử tổng thống thứ 45 của Mỹ năm 2012 ngay từ đầu được xác định là cam go và khó đoán bởi lẽ nó diễn ra giữa một vị tổng thống đương nhiệm được nhìn nhận là hiểu các khó khăn và gần gũi với người dân nhưng hiệu quả điều hành kinh tế không cao với một chính khách được cho là am hiểu kinh tế thị trường nhưng lại không thật sự nổi bật của đảng Cộng hòa.


Tổng thống Obama từng là nghị sỹ cơ quan lập pháp bang Illinois 3 nhiệm kỳ (1997-2004), Thượng nghị sỹ liên bang (2004-2008) và trong cuộc bầu cử năm 2008, ông giành được 365 phiếu đại cử tri, trở thành chính khách da mầu đầu tiên tiếp quản ghế Nhà Trắng ở tuổi 47. Ngày 4/4/2011, ông Obama đăng ký tranh cử nhiệm kỳ hai và hầu như không có đối thủ trong nội bộ đảng Dân chủ, do vậy ngày 6/9/2012 được đại hội toàn quốc đảng Dân chủ đề cử làm ứng cử viên ra tranh cử nhiệm kỳ 2.


Theo nhìn nhận của dư luận, nỗ lực tái tranh cử của ông Obama năm 2012 có nhiều thuận lợi, nhưng khó khăn hơn nhiều so với năm 2008. Đà phục hồi kinh tế vẫn bấp bênh, tỷ lệ thất nghiệp cao, nợ quốc gia tăng mạnh cộng với thất bại trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên và vụ người biểu tình Libi sát hại Đại sứ Mỹ ngày 11/9/2012 đang làm cho tỷ lệ cử tri ủng hộ ông bị sụt giảm.

 

Cựu Thống đốc Mít Romney tuyên bố ra tranh cử ghế tổng thống lần thứ hai ngày 2/6/2011. Sau bốn tháng trồi sụt trong vòng bầu cử sơ bộ, đến tháng 5/2012, sau khi các đối thủ lần lượt bỏ cuộc, ông Romney trở thành ứng cử viên duy nhất còn lại và ngày 28/8 được đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa trao tấm vé ứng cử viên tổng thống của đảng này.


Tuy không phải là chính khách bảo thủ truyền thống của đảng Cộng hòa, nhưng ông Romney lại nhận được sự ủng hộ của giới lãnh đạo đảng Con Voi vì họ xác định ông là người có khả năng nhất chặn đường ở lại Nhà Trắng của ông Obama. Thế mạnh của ông Romney là có nhiều tiền và có đội ngũ tranh cử hùng hậu, có bài bản và tổ chức chặt chẽ được duy trì suốt từ nỗ lực bất thành năm 2008.


Tuy nhiên, vị cựu Thống đốc 65 tuổi này bị cho là không có bản sắc riêng, cả trong lĩnh vực kinh tế mà ông được cho là khá hơn. Chính khách đại diện cho đảng Cộng hòa cũng bị coi là tiền hậu bất nhất trong các quan điểm, từ đối nội đến đối ngoại tới mức một vài cố vấn tranh cử của ông Obama mỉa mai gọi đó là "bệnh mất trí nhớ". Phát biểu của ông Romney coi 47% người Mỹ sống dựa vào các chương trình phúc lợi xã hội là "kẻ ăn bám" bị nhìn nhận là "một sự xúc phạm nghiêm trọng nhất" tới phẩm giá của những người có thu nhập thấp ở Mỹ. Ông Romney cũng bị coi là ứng cử viên ít kinh nghiệm đối ngoại-an ninh, một thế mạnh truyền thống xưa nay của các ứng cử viên của đảng Cộng hòa.

 

Cuộc giành giật các ghế Quốc hội khóa 113 và ghế Thống đốc bang xem ra không quá rắc rối, với dự báo chung cho rằng đảng Cộng hòa có khả năng vẫn giữ được quyền kiểm soát đa số tại Hạ viện và các ghế Thống đốc bang trong khi đảng Dân chủ vẫn có cơ may giữ được vai trò chi phối tại Thượng viện.

 

Về ghế tổng thống, các kết quả thăm dò khác nhau trong những ngày cuối cùng trước khi bỏ phiếu đều cho thấy một chiều hướng chung là phần lớn cử tri dự báo gia đình Tổng thống Obama, sau ngày 6/11, có lẽ không phải dọn đồ ra khỏi Nhà Trắng. Thế nhưng, dự đoán thắng thua trong trận chung kết ngày 6/11 là rất liều lĩnh khi biết rằng suốt năm 2011, ông Obama luôn dẫn đối thủ với mức chênh lệch từ 2%-5% và sau đại hội dẫn từ 5%-7%, nhưng, đùng một cái, sau cuộc tranh luận "ỉu như cơm nguội" của ông Obama tối 3/10, vụ Đại sứ Mỹ tại Libi bị sát hại cộng với các khó khăn vẫn xuất hiện từ nền kinh tế, ông Romney bất ngờ vùng dậy, vượt lên ngang bằng, thậm chí nhiều lúc dẫn điểm.

 

Phức tạp, rắc rối, khó đoán là như vậy. Hãy chờ đến đêm 6/11/2012, tức chiều 7/11 (giờ Việt Nam), sẽ có câu trả lời: Ai thắng dứt điểm hay cuộc bầu cử Mỹ năm 2012 lại rơi vào tình huống gây tranh cãi như năm 2000 giữa một ông Al Gore thắng phiếu phổ thông nhưng Tòa án Tối cao lại phán xử ông Gioócgiơ W. Busơ (George W. Bush) tái cử vì thắng phiếu đại cử tri, chưa nói tới chuyện nếu cả hai đều nhận được cùng số lượng phiếu đại cử tri (269-269) thì Hạ viện do Cộng hòa kiểm soát sẽ bỏ phiếu chọn tổng thống và Thượng viện do Dân chủ nắm quyền đa số sẽ bỏ phiếu chọn phó tổng thống. Liệu có một chính quyền cộng sinh Cộng hòa-Dân chủ, hay không thì còn phải chờ xem.

 

 

Thái Hùng (P/v TTXVN tại Mỹ)

Bầu cử Mỹ: Chặng nước rút của cuộc đua vào Nhà Trắng
Bầu cử Mỹ: Chặng nước rút của cuộc đua vào Nhà Trắng

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012 đang bước vào chặng nước rút cuối cùng. Trong khi Tổng thống Barack Obama tạm nghỉ ngơi sau chuyến đi vận động 2 ngày liên tiếp, đại diện đảng Cộng hòa Mitt Romney tranh thủ tận dụng thời gian lưu lại bang Iowa để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN